“Con có cảm thấy mình có lỗi không”?

10/05/2024 - 12:56

PNO - Người mẹ và người cha mang trong mình nhiều tổn thương hoặc khó khăn khi đến với nhau. Họ tạo dựng một gia đình không khỏe mạnh và linh hoạt...

Đấy là câu người mẹ hỏi con mình - một cô gái lớp Chín - trong phòng trị liệu của tôi. Người mẹ đưa con đến tham vấn tâm lý với lo lắng rằng gần đây cô con gái hay dùng điện thoại để chơi game online, bỏ bê việc học tập, có bạn trai và nhiều dấu hiệu “bất thường” khác.

Thạc sĩ Trịnh Phúc đang tham vấn tâm lý cho một phụ huynh
Thạc sĩ Trịnh Phúc đang tham vấn tâm lý cho một phụ huynh

Trong suốt phần đầu của buổi tham vấn, người mẹ nói rất nhiều, xen kẽ những giọt nước mắt. Chị chủ yếu nói về nỗi vất vả mình phải trải qua, nhất là nỗi vất vả trong việc nuôi, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Chị cũng nói chồng là “người vô tích sự”, chẳng làm được gì giúp chị trong việc giáo dục con, chị phải một tay vừa vun vén kinh tế gia đình, vừa phải chăm sóc, lo toan mọi chuyện. Áp lực đè lên vai làm chị kiệt sức.

Trong lúc mẹ làm việc với tôi, cô con gái 15 tuổi ngồi cắn môi, ánh mắt lơ đễnh và thiếu sự kết nối với câu chuyện của người mẹ lẫn người trị liệu. Sau khi xin phép người mẹ để tôi được làm việc độc lập với cô bé, mọi sự uất ức, đau khổ từ cô gái mới được bộc lộ ra. Cô bé nói mình là người bất hạnh, dù có ba mẹ sống hòa thuận và 1 em trai. Mọi người nhìn thấy gia đình cô hạnh phúc, nhưng bên trong thì cô cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi.

Mẹ cô là người hay kiểm soát và rất độc đoán trong gia đình, ngay cả ba cô cũng không dám làm gì sai lời. Trong gia đình, ba như cái bóng và không quyết định được việc gì, ngoài việc đi làm, về đưa lương cho vợ và làm theo các chỉ dẫn của vợ.

Mẹ cô thì luôn tự hào rằng, bà đã gầy dựng lên gia đình cũng như làm cho gia đình của bà bình yên. Cô gái lớn lên trong sự yếu đuối, nhu nhược của người cha và sự kiểm soát, độc đoán của người mẹ. Ngày còn nhỏ, cô thường xuyên thấy cha mẹ cãi nhau, nhưng lớn lên điều đó không còn nữa, vì ba cô cũng đã bị mẹ cô “khuất phục”.

Khi học lớp Tám, cô bắt đầu có rung động với bạn học cùng lớp và khi mẹ phát hiện thì cô trở thành đối tượng bị chỉ trích hằng ngày trong các bữa ăn gia đình. Cô dần cảm thấy mình sống không có ý nghĩa, không có chỗ dựa về tinh thần mà cảm tưởng như trong “trại lính” với sự kiểm soát, chì chiết của mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô bắt đầu chán học, thiếu động cơ và hứng thú nên tìm đến trò chơi trực tuyến như cách giải trí, xả stress rồi dần dần mất kiểm soát trong việc tham gia trò chơi. Sức học của cô yếu dần và trở thành “học sinh cá biệt” trong lớp.

Rõ ràng, cấu trúc gia đình của cô gái đã có nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng, người mẹ và người cha mang trong mình nhiều tổn thương hoặc khó khăn khi đến với nhau. Họ tạo dựng một gia đình không khỏe mạnh và linh hoạt, điều này làm “di truyền” những tổn thương, sự lo âu, kiểm soát sang con cái họ.

Có lẽ cô gái sẽ mãi phải sống với những sang chấn ấy nếu người mẹ, người cha không được chữa lành. Cuối buổi làm việc, cô gái ấy nói: “Con chỉ thương thằng em con phải sống với cha mẹ con, chứ cuộc đời con coi như chẳng ra gì rồi”.

Thạc sĩ Trịnh Phúc -
Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng,
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Minh Trí (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI