Con chưa có danh tính vì mẹ chưa làm thủ tục ly hôn

11/01/2025 - 06:22

PNO - Theo luật sư, nếu cần làm giấy khai sinh gấp, để bảo đảm quyền lợi của trẻ, thì vẫn có thể yêu cầu UBND xã, phường đăng ký khai sinh với phần “cha” để trống, theo quy định tại điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Gửi đơn đến Báo Phụ nữ TPHCM, chị Nguyễn Thị Thục Loan (34 tuổi, ngụ tại phường 10, quận 3, TPHCM) cho biết, năm 2011, chị kết hôn với ông Tiang Koh King (quốc tịch Malaysia) và sang Malaysia định cư. 2 đứa con chung của vợ chồng họ lần lượt sinh năm 2012 và 2015.

Năm 2018, vì không muốn chung sống với ông Tiang Koh King nữa, chị Loan đã bỏ về Việt Nam. Về Việt Nam, chị Loan chung sống với ông Nguyễn Thanh Dũng (51 tuổi, cũng ngụ tại phường 10, quận 3) và sinh 1 bé trai, được cấp giấy chứng sinh ngày 22/6/2020. Tuy nhiên, UBND phường 10 đã từ chối làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé vì chị không xuất trình được giấy đăng ký kết hôn.

Vì không có giấy khai sinh nên đã 5 tuổi mà con trai  chị Nguyễn Thị Thục Loan vẫn chưa được tiêm ngừa
Vì không có giấy khai sinh nên đã 5 tuổi mà con trai chị Nguyễn Thị Thục Loan vẫn chưa được tiêm ngừa

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lâm - cán bộ tư pháp - hộ tịch phường 10, quận 3 - xác nhận sự việc và giải thích: theo hồ sơ lưu, năm 2011, phường đã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân làm cơ sở để chị Loan đăng ký kết hôn ở Malaysia. Chị Loan đang trong thời kỳ hôn nhân với người nước ngoài, nếu cho một người Việt Nam nhận con thì sẽ xảy ra tranh chấp. Do vậy, muốn làm khai sinh cho con, chị phải làm thủ tục ly hôn với người chồng nước ngoài.

“Trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài của chị Loan không thuộc thẩm quyền giải quyết của phường mà thuộc UBND cấp quận. Phường đã hướng dẫn chị Loan lên quận để được hướng dẫn giải quyết” - ông Lâm cho biết.

Tòa án và bộ phận tư pháp phường, quận cũng cho rằng, chị Loan phải sang Malaysia lấy giấy kết hôn về làm giấy khai sinh cho con theo quy định, hoặc phải tiến hành thủ tục ly hôn với người chồng Malaysia thì mới có căn cứ để địa phương làm giấy khai sinh cho cháu bé.

Tuy nhiên, luật sư Đỗ Ngọc Thanh - Đoàn Luật sư TPHCM - lại cho rằng: trường hợp của chị Loan, nếu cần làm giấy khai sinh gấp, để bảo đảm quyền lợi của trẻ, thì vẫn có thể yêu cầu UBND xã, phường đăng ký khai sinh với phần “cha” để trống, theo quy định tại điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Sau đó, khi các thủ tục ly hôn và nhận cha - con hoàn tất, có thể đề nghị thay đổi hoặc bổ sung thông tin trong giấy khai sinh theo điều 26 Luật Hộ tịch 2014.

Cũng theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, thủ tục ly hôn của chị Loan với ông Tiang Koh King có thể được thực hiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam. Theo điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chị có thể đề nghị tòa án xác định đứa trẻ không phải là con của ông Tiang Koh King, dựa trên các chứng cứ như kết quả xét nghiệm ADN hoặc các bằng chứng khác. Nếu ông Tiang Koh King không hợp tác, tòa vẫn có thể giải quyết ly hôn vắng mặt theo quy định pháp luật.

Sau khi ly hôn, con chị Loan và ông Dũng có thể làm thủ tục nhận cha - con theo quy định tại điều 25 Luật Hộ tịch 2014, với các tài liệu cần thiết như tờ khai đăng ký nhận cha - con, chứng cứ chứng minh mối quan hệ cha con (chẳng hạn xét nghiệm ADN) và giấy tờ tùy thân của các bên liên quan. Sau khi hoàn tất, chị Loan có thể đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã hoặc cấp huyện, ghi đầy đủ thông tin cha và mẹ.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI