Con chồng: 'Gia tài' bất đắc dĩ

12/06/2015 - 06:19

PNO - PN - Đàn bà khi yêu mù quáng. Chị bảo vậy, mệt mỏi xoa cái bụng bầu đã sang tháng thứ tám, mà vẫn phải sáng chạy xe đi chiều chạy về. Không phải chị không có chồng, nhưng chồng chị còn bận đưa đón hai đứa trẻ. Không phải con chị, chúng là con riêng của anh. Thôi thì, chị nói, mình biết đã lỡ rồi, sao có thể giành giật người cha của hai đứa trẻ? Ly hôn để tạo ra thêm một nửa gia đình với một đứa trẻ vắng cha? Tất cả đều không thể. Cách tốt nhất là phụ giúp chồng nuôi hai con riêng của anh ấy, may ra thì chồng cũng… phụ giúp mình nuôi con chung.

edf40wrjww2tblPage:Content

Con chồng là một “gia tài thừa kế” bắt buộc khi chị đồng ý lấy anh. Khi ấy yêu anh, chị cảm động trước hình ảnh người đàn ông đơn độc lo cho hai đứa trẻ bữa ăn giấc ngủ, đưa đón, tắm rửa, thay quần áo bằng đôi tay vụng về và kèm cặp con học hành mỗi tối. Một người đàn ông như thế là một ông bố tốt. Chỉ khoảng hơn năm chung sống, chị nhận ra hai đứa con chồng thực sự là gánh nặng, là món nợ đúng nghĩa. Đứa anh lầm lì, ngỗ ngược, và lậm game. Đứa em gái, hở chút là giận hờn, bỏ ăn, khóc mếu, nằm lì trong phòng.

Còn nhớ hôm đầu tiên chị về nhà chồng, hai đứa trẻ nhất định không ra khỏi phòng ba, ôm chặt lấy ba, đứa con gái khóc ri rỉ thảm thiết. Chị phải ôm gối sang phòng khác ngủ. Gần sáng, anh gỡ được tay hai đứa nhỏ, vừa sang phòng chị được một lát, chưa kịp lau khô nước mắt trên má chị, đã thấy cửa phòng bị đập ầm ầm: ba ơi, con đau bụng! Anh động viên chị chờ cơn sốc tình cảm của bọn trẻ qua đi, sẽ tổ chức lại gia đình. Anh mong chị đừng giận bọn trẻ, đứa 8 tuổi, đứa 13 tuổi, chưa biết gì…

Những đứa trẻ trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ, đều lớn lên theo cách riêng. Chúng không phát triển bình thường như những đứa trẻ trong gia đình mẹ cha đầy đủ. Chị thấy chúng “lớn” rất nhanh với những cảm xúc tiêu cực, trở thành những chiến binh tinh nhuệ trong hàng rào phòng thủ mà chúng đã dựng lên trong nhà. Mặt khác, chúng chần chừ mãi trong thế giới tuổi thơ, níu giữ người cha với những ràng buộc mà ai muốn dứt đi đều trở thành quỷ dữ.

Hai đứa con riêng của chồng chị vẫn đòi ba đút ăn, đòi ba dẫn đi siêu thị, đòi ba đọc sách kể chuyện mỗi tối, và đòi ngủ với ba. Chồng chị vẫn giữ thói quen đưa đón cả hai đứa từ lớp học chính khóa đến lớp học thêm. Và chị trở thành quỹ tín dụng, cung cấp nguồn tài chính không hoàn lại để phụ anh nuôi con.

Con chong: 'Gia tai' bat dac di

Anh thương con hết mực, không thể cứ động viên chị cố gắng mãi, rồi bỏ mặc chị để dỗ dành hai đứa con. Chị mang bầu. Mệt nhọc, cáu bẳn, nặng nề, chị không đủ kiên nhẫn với những trò bày bừa, nhõng nhẽo của hai đứa con anh. Chị quát chúng và anh quát chị. Đỉnh điểm là “lời đề nghị khiếm nhã” mà chị đưa ra: gửi hai đứa trẻ về mẹ chúng nuôi, hoặc bà nội nuôi. Anh tuyên bố không thể gửi con cho bất kỳ ai. Một lần cãi nhau gay gắt, chị bật lên câu hỏi: anh cưới tôi về làm vợ hay chọn người giúp việc cho con anh? Chị biết, trong lòng chị đứa con đang lớn, nhưng tình yêu thì đang chết đi dần.

Nhưng chị không chọn cách chia tay. Anh đã một lần trải qua chuyện ly hôn, đã một lần nhận nuôi con và thực tế đã từng nuôi con một mình. Điều chị nghĩ, nghĩ mãi, là những đứa trẻ. Những đứa trẻ trong gia đình chị hiện tại có hạnh phúc không? Có những lúc chị thấy hai anh em lấy việc chọc tức chị, hành hạ chị làm niềm vui.

Chị đẩy nỗi bực bội, giận dữ này sang anh, nhưng anh chẳng giải quyết được gì ngoài việc khuyên chị bình tĩnh và cố gắng chấp nhận lũ trẻ. Có lẽ thực chất của vấn đề nằm ở chỗ chị nuôi, nhưng không dạy được chúng. Chúng dường như không có một mối dây ràng buộc nào, không có tình cảm gắn bó yêu thương gì với chị …

Chị xoa tay lên bụng bầu, nói rằng mình sẽ đợi, đợi một cách bình thản để lũ trẻ lớn dần. Có lẽ ở phương Tây, người ta nhìn thấy và tôn trọng sự tự lập của trẻ từ sớm, nên quãng thời gian sống chung với cha/mẹ kế của những đứa trẻ khá ngắn, người ta đỡ dằn vặt, khổ sở. Còn chị, bà mẹ kế của hai đứa trẻ, đã kỳ vọng quá nhiều, thiếu thực tế khi trông mong chúng sẽ yêu thương mình, trông mong người đàn ông ấy sẽ thuộc về mình trọn vẹn.

Chị đã biết rằng, cách duy nhất là chấp nhận sự khác biệt này, đừng cố gắng đồng hóa những đứa con riêng thành “con chúng ta” và không trông mong hay đòi hỏi nhiều về tình cảm, về vị trí, đối với những đứa trẻ của cuộc hôn nhân trước.

 BẠCH NGUYỆT

Những đứa trẻ trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ, đều lớn lên theo cách riêng. Chúng không phát triển bình thường như những đứa trẻ trong gia đình mẹ cha đầy đủ. chúng “lớn” rất nhanh với những cảm xúc tiêu cực, trở thành những chiến binh tinh nhuệ trong hàng rào phòng thủ mà chúng đã dựng lên trong nhà.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI