Còn chờ gì nữa mà chưa bỏ thi tốt nghiệp THPT

29/05/2021 - 14:55

PNO - Hơn 400 học sinh lớp 12 đang là F0, F1. Ngành giáo dục còn chờ gì nữa mà chưa ra quyết định bỏ kỳ thi này? Đây chính là lúc các lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương cần cho thấy sự quan tâm sâu sắc của mình đối với sức khỏe của người dân.

Sáng 27/5, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và 63 tỉnh, thành để bàn phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, bộ cho biết, tính đến 24 giờ ngày 26/5, có 18 học sinh lớp 12 trong diện F0 và 394 học sinh là F1. Con số này có thể sẽ tăng lên cho tới trước thời điểm tổ chức kỳ thi.

Nếu kỳ thi diễn ra, cùng một thời điểm sẽ tập trung cả trăm thí sinh, phụ huynh đồng hành ở các hội đồng thi, chưa kể lực lượng tham gia phục vụ trực tiếp và gián tiếp. Tại hội nghị, bộ cho biết dự kiến sẽ huy động thêm khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học cùng tham gia công tác thanh tra, tổ chức thi… Với con số khổng lồ này, bao nhiêu người có thể là F0? Nếu chẳng may xảy ra lây nhiễm, hậu quả thật khôn lường.

Nếu kỳ thi vẫn tổ chức, hơn một triệu học sinh lớp 12 chuẩn bị dự thi kia vẫn sẽ miệt mài ôn thi. Hãy lắng nghe tâm sự của một phó hiệu trưởng chuyên môn: “Một khi cuộc thi vẫn tổ chức thì trường không thể không ôn tập. Nếu sở GD-ĐT chưa có lệnh cấm các trường ôn thi trực tiếp thì không trường nào dám chuyển sang trực tuyến…”. Những ngày qua vẫn thế, học sinh lớp 12 ôn tập, cả trường lẫn cha mẹ căng thẳng, lo lắng nhưng không dám bỏ. 

Vì kỳ thi vẫn còn tổ chức, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức ôn tập hai buổi/ngày, cho học sinh lớp 12 ăn trưa, ngủ trưa tại trường. Chuyện phát sinh khi “nhét” 50 em vào một phòng để ngủ trưa, bật điều hòa vì trời quá nóng… càng khiến phụ huynh lo ngại.

Chứng kiến con chen chúc ở trường, một phụ huynh lớp 12 Trường Quốc tế Á Châu, chất vấn: “Sở Y tế TP.HCM đề nghị không tụ tập quá 10 người, có tụ tập thì cách nhau 2m. Vậy hơn 70.000 học sinh lớp 12 tại TP.HCM đang phải đi học để thi tốt nghiệp thì sao? Đa phần đều học bán trú trong những lớp học chật hẹp, rồi ăn trưa, ngủ trưa cùng nhau. Mỗi điểm thi tụ tập vài trăm đến cả ngàn người, chẳng lẽ học sinh lớp 12 miễn dịch với vi-rút?”. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ gửi đến lãnh đạo ngành giáo dục: Dựa vào đâu để đảm bảo tập trung học sinh ở các lớp học, kỳ thi sẽ an toàn?

Chiều tối 27/5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông báo cho các trường chuyển sang ôn tập trực tuyến sau hàng loạt ca nhiễm mới tại thành phố. Thế nhưng, hàng chục tỉnh, thành khác vẫn cấp tập ôn thi cho học sinh lớp 12. Tại sao vẫn phải tổ chức kỳ thi đúng tiến độ giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, khi kỳ thi này luôn cho kết quả đạt xấp xỉ 100%. Thử đặt câu hỏi, nếu không tổ chức thi, kết quả xét tốt nghiệp có thay đổi không. Theo các địa phương thì không, nếu có cũng không đáng kể. Trị số thay đổi quá nhỏ nhoi nếu đặt lên bàn cân với an toàn sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người.

Bỏ thi không phải là dễ dãi. Nếu xem tốt nghiệp THPT là một cột mốc thì 12 năm học với ít nhất 24 kỳ kiểm tra học kỳ, vô số bài kiểm tra nhỏ cũng đủ để đánh giá năng lực thí sinh. Bỏ thi để học sinh được an toàn, để bao gia đình bớt lo lắng, để giảm thiểu các nguy cơ, để cơ quan chức năng bớt phải tổ chức truy vết, lực lượng y tế bớt phải căng mình chống dịch trong tình cảnh họ đã quá căng thẳng, mệt mỏi. Tại sao không làm? 

Hơn 400 học sinh lớp 12 đang là F0, F1. Ngành giáo dục còn chờ gì nữa mà chưa ra quyết định bỏ kỳ thi này? Đây chính là lúc các lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương cần cho thấy sự quan tâm sâu sắc của mình đối với sức khỏe của người dân. Tin rằng nếu bỏ kỳ thi, quyết định ấy sẽ được nhân dân ủng hộ.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI