Hắn dừng xe. Lần túi lấy điện thoại, bật lên. Chiếc loa nhỏ gắn trên cổ xe bắt đầu phát ra tiếng hót ríu rít. Hắn chống xe cẩn thận rồi lấy nhành cây đã phết đầy mủ các loại cây, nãy giờ máng trên cổ xe, bước xuống đi thẳng vào dãy hàng rào cao cao của một khu nhà xưởng bị bỏ hoang.
Trên nhành cây đó, một con cu cườm nhỏ đứng im lìm, đôi chân thẳng nghiêm như học sinh xếp hàng chào cờ. Con chim không quẩy đuôi, đầu không lắc, chiếc cổ không gù gù chùng xuống cất lên tiếng cúc cu…cu…u…u… nhưng tiếng hót vẫn vang lên.
Hắn quay lại dắt xe dựa sát vào hàng rào rồi quơ tay vơ mấy chà cây lồng mức, cỏ xước, lá giang đắp lên xe vừa che nắng vừa “ngụy trang”. Cái loa trên cổ xe vẫn phát tiếng hót ríu rít.
Hai chiếc lồng che bằng vải dày màu xám nhưng đường kim mũi chỉ rất khéo vì ôm khít vào lồng. Một góc vải được vén lên cao, chủ yếu cho con chim trong ấy thấy chút trời xanh đất đỏ. Trên lồng giắt chùm lá xanh xanh đã héo tự bao giờ.
Hắn cẩn thận cầm từng chiếc lồng rồi thoắt trèo lên góc cao nhất của dãy hàng rào và treo lên. Hàng rào bằng kẽm gai, nhưng qua năm tháng đã mục ruỗng, gai rụng nhiều hơn còn, làm chỗ cho lá giang, bìm bìm, thúi địt… quấn quanh như cả nhà thương nhau. Những chỗ gãy của rào tạo thành cái lỗ hổng to, người ốm ốm có thể trèo vô được. Bên trong rào là thế giới của chim chóc, chuột bọ, rắn rết...
Hắn không cần chui qua, chỉ cần kiếm chỗ nửa kín nửa hở treo mấy cái lồng, còn nhiệm vụ hót gọi đàn dụ chim đã có cái điện thoại kèm chiếc loa mini kia rồi.
Hắn ngồi xuống dưới bóng cây gòn xa xa, gốc gòn to, thân bên này che mát cả bên kia. Mùa này lá gòn xanh um như chiếc tán dù.
Quán cà phê Thanh Thanh bên này đường, đối diện khu nhà xưởng bỏ hoang. Tôi đi ruộng về mệt quá, ghé vào Thanh Thanh uống nước. Thấy việc của hắn hay hay nên lân la sang làm quen. Hắn hỉ hả vì có người quan tâm. Tôi mời điếu thuốc, hắn lộc cộc bật quẹt gas nhưng mãi không lên lửa được.
Hắn bảo chắc hồi nãy lội xuống con kênh nên ướt hộp quẹt rồi. Chả là dòng nước kênh trong xanh, có mấy chùm rong đuôi chồn đẹp quá, mà hồ cá lia thia của đứa con trai 10 tuổi còn thiếu loại rong này, nên lội xuống vớt cho con.
Tôi bảo:
- Ê, nói này đừng giận nha cha, người ta bảo trên đời có bốn cái ngu là “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”, sao cha không làm nghề gì kha khá mà đi gác cu vậy? Được mấy đồng mà ham?
- Nói vậy là ông chưa biết công việc gác cu nó hay cỡ nào rồi! Này nhé, cu đã có “cu mồi” và cái loa điện tử. Mà lũ chim tốt bụng với nhau lắm, khéo ngụy trang tí thôi, trong nửa ngày có thể được năm sáu con.
Chỉ cần một hoặc hai con đẹp mã, hót hay là được chục triệu như chơi. Ngồi đây ở không làm gì, đan lưới cá nè, bán cũng được, để ở nhà dùng cũng được. Buổi chiều về thì đi xịt thuốc, dọn vườn mướn. Đời cứ vậy mà vui.
- Chà, mới ngoài ba mươi mà nói chuyện như lên lão vậy cha?
- Đời tui giờ hổng vui thì không lẽ buồn? Tui đã như con chim cu cườm kia, chết trên chính cái cành quen thuộc rồi ông ạ.
Rồi hắn trầm trầm:
Hai mươi mốt tuổi, đại học năm hai thì tui và cô hàng xóm thương nhau. Thương trước tiên vì cái nghĩa, hàng xóm với nhau hàng chục năm, cô ấy học xong 12 thì ở nhà phụ giúp gia đình cắt mấy công rau cần nước ấy mà. Ngâm chân lạnh cả người, da tay da chân con gái đôi mươi mà nhăn nheo như bà già sáu chục.
Hồi học hết năm nhất, gia đình “đuối” nên tui tính nghỉ, về đi nghĩa vụ mấy năm rồi học cái nghề gì đó cho cha mẹ đỡ phần cơm áo. Nhưng cô ấy không đồng ý, nói “Thành học giỏi, phải ráng. Tôi sẽ cho Thành mượn tiền đóng học phí, chừng nào thành tài rồi trả lại tôi. Mà không được trả bằng tiền nha”.
Tình trong như đã… vậy đó. Tôi cầm tiền của em mà rơi nước mắt. Bàn tay em lạnh mướt trong tay tôi bởi năm tháng dầm nước dang nắng. Tôi tự hứa với lòng, mai đây thành đạt sẽ không bao giờ phụ lòng em. Năm 2000 số tiền mười triệu đồng lớn lắm ông ạ. Đóng xong học phí, còn dư chút ít ăn được mấy tháng cơm sinh viên.
Giữa năm hai của tôi thì được tin em sẽ lấy chồng nước ngoài vì gia cảnh nghèo khó. Chị hai của em cũng khá giả nhờ mai mối, giờ an yên bên người chồng ngoại quốc. Em nói với cha mẹ chuyện hai đứa tui thương nhau.
Ông bà nói nếu thương thì tui phải cưới liền, chứ để đó thì gia đình khó ăn khó nói với bà mai. Vậy là tui chọn tình yêu, bảo lưu kết quả học tập một năm. Em bảo sau cưới, hai đứa cùng về nhà trọ của tui, em đi làm công nhân nuôi chồng ăn học. Mai mốt tui làm “ông cử”, em thành bà vợ đang “ở cữ” là song hỉ lâm môn.
Tui cùng em về Sài Gòn. Nhưng cuộc sống ở đó không thích hợp với cảnh người đi làm nuôi kẻ đi học ông ạ. Em tăng ca, đi sớm về khuya gầy rạc, héo hon dù tuổi mới ngoài hai mươi. Tui không đành lòng nhìn em quay cuồng trong dòng cơm áo nên cũng nhận dạy kèm tại nhà cho học sinh cấp II.
Nhưng cái bản mặt cà chớn này nó hại tui, ông ạ. Hết phụ huynh kêu “trẻ quá biết dạy được hông” thì tới học sinh đòi… thương thầy giáo. Lương dạy kèm khá lắm, lại được phụ huynh tốt bụng đãi ăn ngon. Nhưng rồi đổi chỗ ba lần, gặp ba con yêu nữ, giữ cho mình mà cũng giữ cho nó nên tui… mất dạy luôn.
Rồi vợ tui bị tai nạn lao động do suy nhược cơ thể vì làm việc quá sức, khuyến mãi luôn cái bụng bầu ba tháng mà lâu nay tôi tệ bạc không biết gì cả. Đầu năm tư của đời sinh viên, tui quyết định nghỉ học, bảo vệ vợ con mình.
Thế là đưa nhau về quê. Khỏi nói cha mẹ vợ chửi mắng cô ấy thế nào. Rằng ngu ngốc, tưởng chọn tình yêu thì ra lá ngọc cành vàng gì, ai ngờ đói xơ đói xác. Tưởng thằng chồng đội mão cử nhân, ai ngờ ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng.
Tui đi phụ hồ. Nhờ có chút chữ nghĩa nên được cai thầu giao chuyện sổ sách ghi công. Được hơn hai năm, con chập chững, có chút vốn cho vợ mua giàn máy may công nghiệp thì họ bảo tui cùng nhau rút ruột công trình. Thợ một ghi công hai, thấy họ thay sắt bằng cừ tràm cũng ngậm miệng ăn tiền. Nói thiệt nhen, cũng ngậm được vài lần, bạc chục triệu chứ không ít.
Nhưng lương tâm cắn rứt quá. Cứ nghĩ rồi sẽ có người bị tai nạn lao động, “rầm” một nhát, con người đang khỏe mạnh leo trèo thoăn thoắt sẽ nằm thoi thóp, nên tui sợ, nghỉ việc. Cai thầu hù sẽ kiện vì dù sao tay tui cũng đã lỡ nhúng vài vụ, có ăn có chia, có tù thì tù chung.
Tui thấy họ“lật kèo” thì cũng gan ông ạ. Tui bảo, muốn kiện cứ kiện, tui cũng có bằng chứng. Mấy ông tha cho tui cũng chính là tha cho bản thân mình. Còn kiện ra, chén kiểu chọi với chén sành, cái bể cái mẻ thôi à. Vậy mà êm.
Tui ở nhà chăm con phụ vợ. Mua thêm cái giàn máy may nữa. Nhưng đàn ông nên tay chân lóng ngóng làm chẳng ra hồn. Thôi thì nấu cơm, đưa rước con đi học, chăm sóc nhà cửa. Rồi tự dưng bữa có con cu cườm làm tổ trên cây bằng lăng trước nhà, khi cu con tập bay bị té, tôi bắt lại nuôi thì cu mẹ bỏ đi luôn.
Ai ngờ con cu này khôn, chịu ăn châu chấu, ngoan ngoãn ở trong lồng chờ chủ mang thức ăn về. Chắc nhờ ăn no mập thây nên lông nó mượt lắm, đuôi dài nhằng. Tới lứa, dáng nó gù đẹp như chim công vậy, tiếng cúc… cù…cu…u...u… vang dậy luôn. Trời xui đất rủi, thằng cha chủ cơ sở may của vợ tôi tới giao vải, thấy con cu nên đòi “chia lại” giá năm triệu.
Ổng bảo, hội Cu cảnh của ổng đang hot món cu thuần, mà bộ đuôi đẹp như con này thì sẽ là “thiên hạ đệ nhất cu”. Tui giả bộ trù trừ, nói nuôi mến tay mến chân, chứ thật ra giá đó là không dám nghĩ tới rồi. Vậy mà ổng trả thêm hai triệu.
Bảy triệu một chú cu cườm. Tui sắp thành triệu phú rồi chăng?
Sau đó, thành viên hội Cu cảnh cứ gọi điện thoại riết. Tui nghĩ: “Sao mình không đi gác cu về bán ta?”. Một nghề làm giàu chính đáng mà. Quết các loại mủ lên nhánh cây, kiếm con cu mồi, mua cái loa kèm thẻ nhớ thu sẵn tiếng cu gù cắm vô, tui đi ra đồng. Bốn năm nay với nghề gác cu tui cũng kiếm được kha khá ông ạ. Lúc ngồi chờ như vầy thì đan lưới giết thời gian.
Nhưng tui nói thật, đời tui giờ lỡ ông lỡ thằng, thu nhập hằng tháng có khi vài chục triệu nhưng tương lai mờ mịt, cứ như con cu chết trên cành đó ông ạ. Chỉ còn cái xác không thôi. Bao năm đại học, ước mơ đội mão mang giày bên nụ cười hân hoan của cha mẹ đã chết theo dòng xoay cuộc đời. May mà còn giữ được tình yêu và người vợ chung thủy, nên tui ráng, dù có chết thân cũng lo cho vợ con đủ đầy.
Nắng trưa bắt đầu gay gắt. Hắn thu dọn đồ nghề, kết thúc một buổi mưu sinh. Hôm nay có hai chú chim cu dính bẫy. Hình như là một cặp vừa kết nhau nên bị men tình làm mờ mắt, đậu đâu không đậu, lại đáp ngay cành cây phết đầy mủ nên dính chặt thế này.
Đ.P. Thùy Trang