Sáng sớm, nghe cửa phòng bên cạnh sập cái rầm. Tường cách âm tốt lắm mà còn nghe lớn vậy, hẳn là người đóng đang muốn trút cả núi giận. Vừa ra thang máy, tôi gặp hai mẹ con đang dỗ dành nhau, cậu bé bụ bẫm đang vùng vằng, bà mẹ trẻ tuổi tầm 30, thơm phức, chân mang giày thể thao, sport-bra sành điệu, chắc chuẩn bị đi tập, hứa rằng tối nay sẽ mua cho con trai một chiếc bánh pizza lớn.
“Con sẽ không phải ăn mấy món nhà quê ấy đâu”, nàng hứa vậy.
Trưa, tôi vừa bước khỏi thang máy đã tối tăm mặt mũi, ngợp thở vì mùi mắm ruốc xào thịt ba rọi. Lúc đó tôi đã định bấm chuông trước rồi mới thò đầu vô cửa căn hộ nhà hàng xóm đang mở toang để nhắc: “Chị ơi chị nấu ăn đừng mở cửa không thì em chẳng ăn mắm ruốc mà nhà vẫn ám mùi”, sau đó chuẩn bị luôn tinh thần vào đến nhà, sập cửa là sẽ gọi ngay cho cô tiếp tân và ban quản lý tòa nhà, mắng vì tội để cư dân làm ô nhiễm không gian chung, rồi sau đó chui tọt vào nhà tắm, xối nước, rồi sẽ xịt các loại tinh dầu chanh sả vì chiều nay có hẹn mà hoàn toàn không muốn khách hàng đoán oan trưa nay mình vừa ăn mắm ruốc.
Nhưng vừa hăm hở quyết liệt đến gần, chưa kịp bấm chuông, tôi khựng lại vì bà cụ tóc trắng như cước, miệng cười xởi lởi bước ra, trên tay là một chén đầy ắp mắm ruốc xào thịt ba rọi, tay còn lại là quả xoài xanh bụ bẫm.
“Con mang về ăn luôn khỏi nấu đồ ăn trưa nha, bác làm nhiều lắm mà ở nhà có mình bác ăn, mấy đứa trẻ con đều không thích món này, mà ngon lắm con ạ”, bà nói.
Bà cụ thật thà và chân chất quá khiến tôi dở khóc dở cười không dám từ chối, mang về trút hết vào hũ thủy tinh, đậy kín, bọc thêm hai lần màng bọc thực phẩm, nhét sâu xuống ngăn dưới cùng tủ lạnh, bụng bảo dạ món ngon thế này mà không ăn được trong phòng, không biết khi nào có dịp mang đi đâu thưởng thức trọn vẹn mà không sợ mùi. Mà đã nhận đồ ăn xong lại gọi điện than phiền về chuyện nấu ăn nặng mùi, mở cửa ở chung cư có hành lang kín… kể ra cũng thấy ngại quá, đành im.
Tối, vừa mở cửa đi đổ rác, lại biết ngay nhà hàng xóm ấy có món canh măng cá nấu chua!
Hôm sau, có người bấm chuông, nhìn qua mắt thần thấy anh trung niên chủ nhà hàng xóm, tôi mừng quá mở cửa, định bụng dù anh có định nói chuyện gì thì xong câu chuyện của anh, tôi sẽ nhỏ nhẹ mong anh về khuyên phụ huynh đừng mang tặng các món thơm mùi bản địa như thế vì nhà tôi rèm nặng, dày, đóng cửa bật máy lạnh suốt ngày dễ ám mùi lắm, yêu thương nhau như thế chính là làm khó nhau vô cùng.
Không ngờ, ngay câu đầu tiên, anh hàng xóm đã hạ giọng: “Nhà anh một mẹ một con, bà ở ngoài quê vườn sân rộng rãi, bếp thoáng quen nấu mấy món bay mùi nặng, biết là phiền cô lắm, vì ban quản lý tòa nhà cũng đã gửi email nhắc nhở gia đình khi nấu ăn không nên mở cửa, nhiều cư dân tầng này có ý kiến phản đối gay gắt, nhưng bà ở nhà cả ngày một mình buồn, cứ thích nấu, rồi lại muốn mở cửa cho thoáng, không cho nấu thì đòi về quê, nên anh không biết phải làm sao, đang đi xin lỗi các nhà. Cô thông cảm nhé, nếu bà mang sang thì cô cứ nhận giúp rồi cho ai cũng được. Nhà anh đã khổ mấy ngày nay về vụ này rồi. Trẻ con cứ mua pizza về ăn tối chứ không chịu ăn mấy thứ bà nấu, khổ quá không biết phải làm sao!”.
À, thì ra bà mẹ xinh đẹp hôm trước trong thang máy chê những món nhà quê ấy là con dâu của bà cụ tóc trắng như mây kia. Ôi những nàng dâu thành thị, đi cửa hàng tiện lợi vì có máy lạnh, cân chính xác từng phần mười gram, sợ mùi và muốn nhà lúc nào cũng mát, thơm… Đến như tôi là hàng xóm mà còn khó chịu, huống hồ xinh đẹp như vậy, thơm tho như vậy, làm sao nàng dâu ấy có thể thông cảm cho một bà cụ miền Trung thích ăn các món kho!
Làm sao các nàng dâu ấy có thể hiểu, việc một bà mẹ tảo tần đã hơn 50 năm nấu những món ăn đậm hương vị quê nhà, giờ phải thay đổi khẩu vị, phải chấp nhận pizza, phải biết ăn phô mai lên men, rượu chát… sẽ là không thể. Việc ấy khó hơn nhiều so với việc tập cho một thằng bé mười tuổi ăn được mắm ruốc và chấp nhận mùi canh măng!
Tôi nói với anh hàng xóm thật chân thành, rằng anh nghĩ lại xem, vì thương, vì muốn chăm sóc mẹ già mà nhốt bà vào trong một ô chung cư cao cấp lơ lửng trên cao, xung quanh toàn những người trẻ, người lạ, người sống rất khác mình, sẽ khiến cho cả bà và những người thân khác căng thẳng, không thoải mái. Hãy cho bà được xuống đất, có vuông đất dù nhỏ bằng mảnh chiếu, chỉ đủ để trồng vài cây rau thơm. Hãy cho bà được vui vẻ nấu những món ăn đậm mùi của bếp. Hãy cho bà được sống giống như 70 năm qua.
Những thói quen đã trở thành phong cách, thành nếp, là đời sống, là niềm vui, bị buộc phải thay thế, phải bỏ đi sẽ khiến người ta phát ốm vì khó chịu, muộn phiền. Sự chăm sóc của các con khi cha mẹ đã già, nếu không phải là làm cho họ vui hơn, thoải mái hơn thì có ý nghĩa gì?
Tôi chợt nhận ra, người sắp trở thành một bà mẹ chồng như mình, đã dần dần phải “giống như bọn trẻ” gần chục năm nay, để đến khi thực sự được coi là “già”, vẫn có thể sống gần bên mà không làm phiền đến chúng. Không hiểu chúng có nhận ra những nỗ lực ấy của mẹ mình không?
Lê Lan Anh