Còn cha còn mẹ là còn xuân

10/02/2024 - 18:34

PNO - Trong tâm thức mỗi người đều có những điều vĩnh cửu nào đó cho riêng mình, với tôi, đó là những mùa xuân còn được ở bên cạnh cha, mẹ mình.

Gần tết, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là: “Tết có về quê không?”. Kiểu như ở thành phố này, chẳng ai ăn tết nơi mình đang sinh sống, mà sẽ về quê, về nhà, nơi có cha mẹ già chờ mong.

Khi còn cha mẹ, tôi cũng như vậy. Được nghỉ tết là tranh thủ chạy về ngay, thường tầm 26 tết. Đó là quãng thời gian mong chờ nhất trong năm. Khi vòng bánh xe rời khỏi cây cầu vượt, điểm giao giữa thành phố và tỉnh nhà, tôi buông bỏ hết mọi muộn phiền phía sau, mong thật nhanh dựng chân chống trước cánh cửa sắt nhà mình.

Chỉ cần nghe tiếng xe dừng trước cửa, bố và mẹ đều sẽ biết đó là tôi về… 

Tôi về, bố đi ra, dọn dẹp chung quanh để tôi dắt xe vào nhà cho dễ. Mẹ thì đón lấy mấy thứ tôi vừa mua dọc đường, hoặc giỏ quà tết được tặng. Chỉ vậy, ai nấy quay vào làm nốt việc dang dở của mình. Và từ bữa cơm đầu tiên trong căn nhà yêu thương có bố và mẹ, dù chẳng được nhắc đến bất cứ chữ tết nào, tôi cảm nhận mùa xuân đã nồng nàn lắm rồi!

Tôi ở hẳn nhà từ trước tết cho đến sát ngày làm việc mới trở lại căn hộ của mình. Đó là quãng thời gian chỉ ở nhà, nhưng luôn thấy ngày qua nhanh quá. Tôi không hình dung ngày tết ở lại căn hộ sẽ ra sao.

Nhớ mãi những mùa xuân có đủ cha và mẹ (ảnh minh họa)
Nhớ mãi những mùa xuân có đủ cha và mẹ (ảnh minh họa)

Tôi đọc được ở đâu đó rằng “còn cha còn mẹ là còn xuân”. Khi cha mẹ qua đời, nhà sẽ không còn là chốn về, nơi đó cũng mất đi hơi ấm thân thương để mình rũ bỏ mọi muộn phiền thường nhật. Đọc vậy, chứ chưa trải qua thì làm gì hiểu được. Cho đến mùa xuân đầu tôi không còn cả bố lẫn mẹ mới thấm thía.

Hóa ra, mọi lý thuyết chỉ nằm yên trên trang giấy nếu như mình chưa trải nghiệm. Hoặc nếu cố gắng đồng cảm như thể đã trải qua, vẫn là sáo rỗng lắm. Mùa xuân không có cha mẹ, khoảng trống cứ mênh mông trong lòng.

Tôi chia sẻ điều ấy với cô bạn thân. Cô ấy bình thường vốn khá tâm lý, nhưng khi ấy lại nói với tôi rằng, cô ấy cũng chỉ ở một mình trong rất nhiều mùa xuân. Trời ạ, điều đó khác lắm chứ, so với việc mình ở đây, bố mẹ ở quê nhà và mình ở đây, bố mẹ đã về trời.

Cũng may, nhờ vậy mà tôi có thêm bài học cho mình: đừng vội vàng buông lời an ủi, khi mà bản thân mình chưa trải qua.  

Phải thật lâu sau ngày cha mẹ rời cõi tạm, tôi mới đón nhận sự vô thường ở cuộc sống này. Đến và đi. Còn và mất. Sự thay đổi của đất trời cũng chính là vô thường. Mùa đông có giá rét đến đâu rồi cũng nhường chỗ cho nàng xuân tươi tắn, hừng hực nhựa sống. Sẽ không có một sự dừng chân vĩnh cửu ở trạng thái, hiện tượng nào. Có chăng, là ký ức.

Sự vĩnh cửu đó nằm yên trong ngăn ký ức của tháng ngày tươi đẹp đã qua, của tiếng cười lảnh lót vô ưu nơi miền tuổi thơ bên cha, mẹ; trong bữa cơm giữa mùa gió về xao xác; trong tiếng mẹ ru giấc ngủ êm đềm giữa trưa hè oi ả… và khoảnh khắc êm đềm ấy còn dừng lại trong những ngày đầu xuân anh chị em quây quần chuyện trò đầm ấm, những đứa trẻ khoe áo mới và phong bao lì xì trong ánh mắt rạng ngời. Có lẽ trong tâm thức mỗi người đều có những điều vĩnh cửu nào đó cho riêng mình, với tôi, đó là những mùa xuân còn được ở bên cạnh cha, mẹ mình.

Tôi phải tập quen những mùa xuân không còn cha mẹ (ảnh minh họa)
Tôi phải tập quen những mùa xuân không còn cha mẹ (ảnh minh họa)

Không còn cha mẹ, đường về nhà dài đằng đẵng. Gần tết, anh trai tôi lại gọi điện, giọng bao giờ cũng nghĩ cho cô em út: “Nếu không đi đâu xa thì về nhà ăn tết cùng anh chị nhé!”. Dù không còn cha mẹ, nhưng anh chị em trong gia đình tôi vẫn giữ thói quen cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm trong không khí vui tươi.

Sáng mùng Một, đất trời vào xuân, lòng người rộn ràng, thư thái hơn. Tôi trở về nhà, lặng lẽ đọc lời kinh nguyện cầu trước bàn thờ bố mẹ. Xong ngồi ăn bữa cơm ấm áp cùng các anh chị, các cháu. Anh trai mở đúng bản nhạc xuân mà ngày đầu năm nào bố cũng mở.

Tôi nhìn lên di ảnh bố mẹ, cảm giác như người vẫn hiện diện cùng chúng tôi, đầy thân thương!

An Na

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phạm Thiết Hùng 11-02-2024 08:37:01

    Tôi đã 70 tuổi, như thế bố mẹ đẻ và Nhạc phụ, Nhạc Mẫu cũng đã rong chơi trên áng mây vàng đã lâu. Hôm nay Mồng Hai Tết, một mình trong căn nhà 4 tầng ở Sài Gòn, bên ly cà phê đọc được bài báo này mà rưng rưng. Các con, cháu của tôi cũng đã bầu đoàn thê tử về quê chồng, quê vợ. Sau khi đã ăn Tết với chúng tôi mấy bữa cơm ngày 30 và Mồng Một. Nhớ lại thời còn trẻ vợ chồng tôi cũng đùm túm chút quà mọn về ăn Tết quê nội ngày 30 và Mồng Một. Đến trưa mồng Hai lại lếch thếch kéo nhau nhảy xe khách về quê ngoại trong giá rét, mưa phùn mùa xuân miền Bắc. Hết mấy ngày nghỉ Tết cả nhà mệt nhoài, có năm con tôi bị cảm lạnh ốm nặng. Nhưng, cả nhà vẫn háo hức, rổn rảng kể lại những ngày "xuân vận". Các con lại đề nghị Tết lại về quê. Tứ thân phụ mẫu mất cả rồi, có năm về quê, đứng trước cổng nhà không còn dáng mẹ, không có cha ra mở cổng và nói "các con về rồi...".... cứ như vậy, những lần về quê Tết thưa dần và ngưng hẳn. Bởi có về thì mình tự thấy xa lạ như người dưng "còn cha còn mẹ còn quê. Mất cha, mất mẹ, mất cả đường đi lối về". Do đó, Tết nào chúng tôi cũng hối thúc các con tổ chức về quê vợ, quê chồng của con. Mệt cũng về, chen chúc tàu xe cũng về, tốn kém tiền bạc cũng về với cha mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI