Con cần mẹ trong những khoảng chông chênh

16/02/2022 - 21:03

PNO - Ở ngưỡng cửa cuộc đời, con quá trẻ để đối mặt với những vấn đề phức tạp. Nếu có điều kiện, cha mẹ nên theo sát con, giúp con đi đúng hướng...

Năm ngoái, tin em học sinh lớp 10 ở chỗ tôi nhảy cầu tự tử trên sông Tiền khiến gia đình và nhà trường đau xót tột bậc.

Nguyên nhân được cho là do mẹ em đau ốm liên miên, ba em có nhân tình. Đôi lần tan học, bạn bè thấy em ngồi thẫn thờ ở sân trường chưa về. Em than “nhà tao chán lắm, tao không muốn về nhà”… Nỗi buồn, nỗi cô đơn của em không có ai chạm tới. Và em đã chọn cách ra đi trong bế tắc, để lại nỗi hối hận khôn nguôi cho bạn bè, người thân...

Vào một lúc nào đó, chúng ta đã vô tình bỏ qua nỗi buồn của ai đó khi họ đang cần lắm một cái ôm, cần được lắng nghe.

Tôi vẫn thường khuyến khích con cháu và người thân nói ra vấn đề của mình, để ít ra cũng có người chia sẻ, an ủi, động viên. Người ta hay nói “nỗi đau chia đôi, nỗi đau vơi đi một nửa” là vì vậy. Người trong cuộc thường tăm tối về vấn đề của mình, người ngoài cuộc lại sáng suốt hơn, có thể giúp ai đó giải quyết gỡ rối một cách gọn gàng.

Tôi thường không bỏ qua khi bạn bè, người thân than buồn, khổ. Một bờ vai để người gặp chuyện dựa vào, cái ôm vỗ về an ủi, lắng nghe… sẽ khiến người đang tuyệt vọng cảm giác còn được thương, mình còn giá trị, không ai rời bỏ mình…

Con cái tuổi nào cũng cần ba mẹ ở bên (Ảnh minh họa)
Tôi nghĩ con cái tuổi nào cũng cần cha mẹ (Ảnh minh họa)

Thế hệ của chúng tôi là thế hệ trải qua gian khó. Cả xã hội còn phải tiết kiệm từng chút để được như hôm nay. Thời chúng tôi mười mấy tuổi đã ra đồng cày bừa, ra chợ mua bán, mưu sinh đủ nghề… nên thả đâu cũng sống được, gặp chuyện gì cũng giải quyết được.

Con trẻ bây giờ lớn lên, nhiều em không hẳn nệm ấm chăn êm nhưng chuyện đói no bươn chải không phải gánh vác. Các con vào đời với đôi mắt ngây thơ, non dại. Gặp chuyện nhỏ xíu cũng xem là cả vấn đề. Xã hội càng hiện đại thì càng nhiều nguy cơ. Các con dễ đối mặt với áp lực, cám dỗ, và cả những tranh đấu hơn thua do sự hiếu thắng của tuổi trẻ mang lại.

Mười tám đôi mươi tuổi, các con còn quá trẻ để đối mặt với những vấn đề phức tạp. Vào những thời điểm đó, cha mẹ cần ở bên con, theo sát con, giúp con đi đúng hướng. Cha mẹ không thể áp đặt cách nghĩ, hành động của mình lên con, bởi thế hệ của con giờ khác lắm. Ba mẹ sẽ sai lầm khi nghĩ chuyện nhỏ thôi, con giải quyết được.

Cô bạn tôi vào hai năm trước mất đứa con trai khi con đang học năm cuối một trường đại học danh tiếng. Cháu học rất giỏi, tương lai rạng rỡ đang chờ phía trước. Có lẽ áp lực học hành và kỳ vọng của ba mẹ đã làm cháu bế tắc.

Vào khoảng một tháng trước ngày cháu ra đi, người bạn cùng phòng trọ gọi về cho bạn tôi: “Con thấy bạn K. kỳ lắm cô, bạn buồn lắm”. Bạn tôi lên thành phố thăm con, con bảo không có gì. Thấy con gầy còm, xanh xao, bạn nghĩ chắc con học hành nhiều. Bạn cho thêm tiền để con tẩm bổ, nhắc con ráng học, năm cuối rồi…

Sau này bạn hay nói tiếc rằng bạn không ở lại với con lâu hơn, tìm hiểu vấn đề con đang bế tắc, giúp con giải quyết, hoặc có thể cho dừng việc học, bởi không có gì quan trọng hơn sức khỏe và tinh thần. 

Tôi nghĩ, con cái tuổi nào cũng cần cha mẹ, người thân. Vấn đề với người trưởng thành và nhiều kinh nghiệm có khi nhỏ xíu, nhưng với đứa trẻ mới vào đời lại nhiêu khê, to tát. Nếu biết cách lắng nghe, cha mẹ có thể cảm nhận bất thường của con, có thể tìm cách bên con hoặc kết nối thường xuyên với con, giúp con không bơ vơ. Khi bơ vơ, cô độc là lúc người ta dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực...

                                                                                                                                                                                                                                                                 Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI