Con cần điểm tựa hơn là điểm số

08/04/2022 - 06:15

PNO - Làm cha mẹ, bất kỳ ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho con mình, nhưng vô tình điều đó gây cho trẻ nhiều áp lực, bế tắc và phản kháng.


Sáng 7/4, Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức chương trình trò chuyện “Cho con điểm tựa” với sự tham gia của tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM ) và tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada, nhằm giúp phụ huynh tìm cách lắng nghe, thấu hiểu, nhận diện dấu hiệu bất ổn về tâm lý, sức khỏe tâm thần của con, để kịp thời có phương án thích hợp giải tỏa áp lực học hành cho trẻ.

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc (bìa trái) và tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải) khách mời của chương trình trò chuyện “Cho con điểm tựa” đưa ra nhiều lời khuyên để phụ huynh nhận diện dấu hiệu bất ổn về tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ - ẢNH: TAM NGUYÊN
Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc (bìa trái) và tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải) khách mời của chương trình trò chuyện “Cho con điểm tựa” đưa ra nhiều lời khuyên để phụ huynh nhận diện dấu hiệu bất ổn về tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ - Ảnh: Tam Nguyên

Kỳ vọng thành áp lực

Làm cha mẹ, bất kỳ ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho con mình, nhưng vô tình điều đó gây cho trẻ nhiều áp lực, bế tắc và phản kháng. Nhất là khi trẻ lên đến bậc THCS đồng thời cũng bước vào tuổi dậy thì với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. 

Càng thương con, cha mẹ càng cảm thấy bất lực trước sự ương bướng, thu mình của con, khủng hoảng càng đẩy lên cao mỗi khi cha mẹ đi họp phụ huynh cho trẻ. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, với học sinh, mỗi em có một cá tính khác nhau, nhưng vô tình sự kỳ vọng, lo lắng, bảo bọc của cha mẹ làm cho các em bị áp lực, cũng có em cảm thấy mình khác biệt và xấu hổ khi cha mẹ so sánh mình với bạn bè. “Thực tế, hầu hết phụ huynh đều nghĩ học ở trường song ngữ sẽ tốt cho con, nên cứ cố gắng tìm cách để gửi con vào mà ít nghĩ đến năng lực, lựa chọn của con. Do đó, bên cạnh mong muốn, phụ huynh nên tìm hiểu và lắng nghe các tư vấn của nhân viên tại trường”, vị tiến sĩ giáo dục học nói.

Tiến sĩ Thu Huyền cho biết thêm, nổi bật có hai nhóm phụ huynh: một nhóm không tạo áp lực gì cho con, sao cũng được miễn con thích và nhóm còn lại luôn muốn con phải làm theo điều mà cha mẹ cho là tốt, vượt ngoài khả năng của con. Đồng quan điểm này, tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc cho biết, có một thực tế là cha mẹ quá thương con nên làm tất cả mọi việc từ cho con ăn, uống nước, soạn tập dùm con… để xảy ra một nghịch lý là có bé ba, bốn tuổi vẫn không biết múc ăn, khó hòa nhập khi vào trường, rối loạn giao tiếp, rối loạn ngôn ngữ, tuy nhiên cha mẹ không chấp nhận con mình thua bạn bè ở nhiều mặt. 

Bác sĩ Đinh Thạc phân tích: “Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đổ lỗi cho con, với lý do tại con lười biếng, tại con không nghe lời, so sánh con mình với chính bạn bè, người thân của chúng… mà không xem xét con mình đang có vấn đề gì.

Trong khi đó, một lớp học, có bé học rất nhanh, có bé chậm, hoặc có những bé bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tự kỷ. Có cha mẹ không biết, nhưng cũng có cha mẹ không chấp nhận sự thật, không dám đối diện, mà xem con mình bình thường và đổ hết cho trẻ, cho thầy cô. Những trường hợp này rất tội bé bởi vốn dĩ con đã khó khăn để hòa nhập, không thể tập trung và không thể học chung được các bạn”.

Theo bác sĩ Đinh Thạc, Khoa Tâm lý tiếp nhận, hỗ trợ cho nhiều trẻ, trong đó có những bé IQ rất cao nhưng không học được do có các rối loạn mà cha mẹ không hay biết và không điều chỉnh sớm cho con. Thậm chí, có những bé phải sử dụng thuốc mới vượt qua được. Những lúc này con cần cha mẹ, cần điểm tựa. 

“Chấp nhận, tìm hiểu, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vấn đề của con sẽ giúp cho trẻ rất nhiều, không chỉ những vấn đề học tập mà còn sức khỏe, tinh thần cho con, tránh để trẻ rơi vào căng thẳng trầm cảm, nặng nề hơn là trẻ tự kết liễu”, bác sĩ Đinh Thạc lưu ý.

Đừng nghĩ vấn đề của trẻ là nhỏ

Trong quá trình công tác, tiến sĩ Thu Huyền từng chứng kiến một học sinh thích mang đôi giày rất đắt tiền. Em thích các bạn lắng nghe mình, đến nỗi mỗi lần em nói chuyện, các bạn phải đứng lại gần, đông đúc để nghe. Tuy nhiên, khi các bạn không đến nữa, em không biết làm sao và bị rơi vào căng thẳng với quá nhiều câu hỏi tại sao các bạn không lắng nghe mình.

Hay có học sinh quá cá tính, những bạn khác không chơi chung, có em còn bị bạn đồng trang lứa ức hiếp... Trường học cũng như một xã hội thu nhỏ, mỗi học sinh một cá tính, hoàn cảnh, chuyện xảy ra trong môi trường học đường cũng muôn hình vạn trạng. Lúc này, nhà trường phải cố gắng trở thành sợi dây kết nối cho học sinh và cha mẹ, giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô... Đó là chưa kể, trong quá trình đó, thầy cô phát hiện không chỉ học sinh, cha mẹ cũng đang có nhiều hành động tưởng chừng tốt cho con nhưng vô tình đẩy con đi xa hơn.

“Đến bây giờ vẫn có học sinh THCS, thậm chí THPT ấm ức khóc với tôi về một vấn đề mà người lớn cảm thấy rất nhỏ nhặt. Lúc tôi trao đổi với phụ huynh, nhiều cha mẹ bất ngờ vì nghĩ chuyện bình thường quá. Vì người lớn nghĩ là không đáng khóc, nên khó để chia sẻ với con. Dần dần, trẻ phải tìm đến những bài viết trên mạng, bạn bè để được đồng cảm rồi thu người lại. Có trẻ lại có những phản kháng tiêu cực chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ mà thôi”, tiến sĩ Thu Huyền chia sẻ.

Ngược lại, nếu cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu, cùng con trò chuyện, giải quyết vấn đề, có thể hướng giải quyết sẽ không thành công, nhưng giúp con tăng sự tin tưởng, giúp trẻ và cha mẹ tránh đi những đối đầu không đáng có. Hơn nữa, phụ huynh không nên có quá nhiều kỳ vọng vào con rồi đặt lên vai trẻ những áp lực vô hình. 

Không ít lần, người lớn chưa hiểu rõ về suy nghĩ của con, chưa kể khi trẻ đang lớn cũng sẽ tìm hiểu về mạng xã hội, và có những quyết định, tâm tư, tình cảm riêng. Nhiều khi cha mẹ càng muốn… xen vào vấn đề riêng tư của con nhiều quá càng cảm thấy bất lực. Có nhiều phụ huynh đặt câu hỏi vì sao con sẵn sàng chia sẻ với người khác, thích trải lòng trên mạng xã hội mà không chia sẻ với mình. Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thạc đưa ra lời khuyên: “Thay vì trách con, bất lực trước sự phản kháng của trẻ, cha mẹ nên bình tĩnh, điều chỉnh suy nghĩ, hướng tiếp cận con của mình”.

Phải thừa nhận rằng điều khó của cha mẹ là ngoài con trẻ còn có công việc, kinh tế, mối quan hệ với gia đình nội, ngoại… nên sẽ luôn cảm thấy thiếu thời gian, từ đó khó kiên nhẫn với con. Tuy nhiên, tiến sĩ Thu Huyền cho rằng: “Khi trẻ rơi vào căng thẳng, cha mẹ phải sớm biết và tháo gỡ cho con. Điều này rất khó khăn, nhất là với trẻ ở tuổi vị thành niên, ít nói, trẻ có thế giới riêng của mình. Lại có nhiều trẻ rất nghe lời, rất cố gắng để được như cha mẹ muốn, nhưng khó để đạt được, đâm ra chán nản, lại càng thu mình. Điều cuối cùng, con quá căng thẳng có thể dẫn đến hành động tiêu cực”. 

Bà Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM: Báo Phụ Nữ mong muốn bắc nhịp cầu đến bờ yêu thương cho mỗi gia đình

Trong cuộc sống hằng ngày, người lớn và trẻ em đang phải đối diện với những khó khăn riêng của mình. Cha mẹ có biết bao lo toan về chăm sóc gia đình, con cái, công việc… Trẻ con phải học tập, chăm ngoan, nghe lời… Trong mối quan hệ gia đình, làm cha mẹ rất khó, làm con cũng không dễ. Cha mẹ với thiên chức của đấng sinh thành bắt buộc phải học cách hiểu và đồng hành cùng con. Làm sao trở thành điểm tựa cho con là bài học lớn mà người làm cha mẹ phải học. Nhưng con cũng không thể đòi hỏi một chiều, bắt cha mẹ phải hiểu và đáp ứng mong muốn của mình nhưng lại không muốn chia sẻ... Ai trong chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với các mối quan hệ và vấn đề của chính mình, dù là con cái hay cha mẹ... 

Ngoài những bài viết trên mặt báo, Báo Phụ Nữ TPHCM mong muốn cùng các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý, bác sĩ... bàn luận, mổ xẻ tường tận vấn đề, cùng nhau tìm ra giải pháp để mỗi gia đình sẽ bớt đi phiền muộn, thêm nguồn yêu thương. Buổi trò chuyện “Cho con điểm tựa” là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến những vấn đề của trẻ và gia đình trong thời gian tới của báo. Mong muốn của chúng tôi là bắc nhịp cầu đến bờ yêu thương cho mỗi gia đình.

PV (ghi)


 Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI