Dù pháp luật đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong việc mang thai, sinh con. Tuy nhiên trên thực tế, không ít chị em vẫn phải gánh chịu những “quy luật ngầm” và đánh mất nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khi lựa chọn sinh và nuôi con.
Điều này cũng là rào cản khiến các cặp vợ chồng ngán ngại chuyện sinh con. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn có hướng rẽ mới để cân bằng việc chăm con và phát triển bản thân. Các ý kiến gửi về Báo phụ nữ TPHCM đã phần nào nói lên nỗi niềm này.
|
Ảnh minh họa |
Chị Phạm Thị Huyền - thạc sĩ quản lý giáo dục: Nuôi con nhỏ, tôi phải bỏ nghề cũ
Tốt nghiệp cử nhân báo chí, tôi ra trường và có một thời gian làm phóng viên. Công việc này thường xuyên đi tỉnh công tác và làm đêm. Sau đó, tôi chuyển sang làm biên tập viên các chương trình truyền hình thực tế. Công việc này cũng thường xuyên phải đi làm vào cuối tuần, giờ giấc không ổn định. Khi có ý định lập gia đình, tôi xin vào phòng truyền thông của một tập đoàn với mong muốn khi làm giờ hành chính sẽ có nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng rốt cuộc thì tôi được giao mảng xử lý khủng hoảng truyền thông - cũng phải làm việc tối ngày sáng đêm.
Tôi lập gia đình năm 30 tuổi, lúc mang bầu tôi đã phải nghỉ việc vì đặc thù công việc làm truyền hình là phải đi quay và đi rất nhiều. Tôi ở nhà chăm con đến năm con 2 tuổi. Trong 3 năm đó, thỉnh thoảng tôi nhận viết nội dung cho một số website để có chi phí trang trải cuộc sống. Lúc đó, tôi buộc lòng lựa chọn hướng nào tốt nhất cho con, không thể nghĩ đến chuyện thăng tiến hay có chỗ đứng trong công việc. Một vài năm sau con lớn, tôi quay lại cộng tác với một số chương trình truyền hình, tuy nhiên giờ giấc làm việc cũng gây trở ngại lớn vì tôi phải gửi con và canh giờ đón con.
Sau 8 năm nuôi con nhỏ và hiện bỏ luôn ý định trở về nghề cũ. Tôi đã phải học thêm một bằng cấp khác về giáo dục để thay đổi công việc và có thời gian đưa đón con đi học, kèm cặp con mỗi ngày. Tôi nghĩ đây là lựa chọn của riêng mình vì có nhiều đồng nghiệp vẫn bám trụ với nghề khi con cái có ông bà nội ngoại phụ chăm nom. Dĩ nhiên, hành trình đó không hề nhẹ nhàng.
Một nhóm bạn của tôi chọn sống độc thân, không đám cưới, không sinh con, vì khi nhìn vào những người mẹ như tôi, các bạn thấy có con rất phiền và mệt mỏi: đi cà phê với bạn, ngày nghỉ lên công ty, đi du lịch cùng công ty… đều phải mang con theo, rồi con nhỏ nhiều khi quấy khóc làm phiền mọi người…
Chính sách, pháp luật cũng có nhiều ưu tiên để bảo vệ quyền lợi, khuyến khích phụ nữ sinh con nhưng không phải công ty nào cũng thực hiện đúng. Tôi từng làm ở một công ty có quy định trong 2 năm mới vào làm không được sinh con. Một đồng nghiệp của tôi sau khi nghỉ thai sản 6 tháng đã gửi con để đi làm, nhưng khi con bệnh lại phải nghỉ bất chợt. Nhiều lần như vậy, công ty gây áp lực khiến bạn phải chủ động xin nghỉ vì ảnh hưởng tới các đồng nghiệp khác khi cứ phải gánh việc cho mình.
Tôi cho rằng sinh con là lựa chọn của mỗi người. Sinh con và sự nghiệp - mình đặt bên nào hơn thì phải hạ bớt bên còn lại, chứ vừa muốn có thời gian cho con mà vẫn có thể cống hiến, thăng tiến như thời độc thân là rất khó. Còn khi con lớn, nếu phụ nữ muốn phấn đấu thì cũng có người thành công, nhưng phải có ý chí cao. Ở góc độ gia đình, nếu vợ chồng chia sẻ việc chăm con, việc nhà và có kinh tế ổn định thì người phụ nữ mới yên tâm về chuyện sinh con được.
Chị Đặng Thị Thảo Nguyên (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM): “Cô rất tốt, nhưng tôi rất tiếc”...
“Cô rất tốt, tôi thích hồ sơ của cô, nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng chúng tôi không thể nhận cô vào làm. Vì tính chất công việc ở đây phải dành rất nhiều thời gian, khi chạy dự án rồi thì làm bất kể ngày đêm, trong khi cô đang có con nhỏ…”.
Đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn nhớ hoài lời từ chối chân thành của một ông chủ người nước ngoài khi tôi nộp hồ sơ xin việc. Nói là chân thành, vì ông ấy đã cho tôi một câu trả lời rõ ràng, chứ rất nhiều nơi tôi gửi hồ sơ xin việc, họ đều im lặng. Tôi biết, tuổi tác (34 tuổi) và thông tin “nuôi con nhỏ” đã khiến tôi “rớt từ vòng gửi xe”.
Từng là kỹ sư hóa, nhưng vì mê vẽ, tôi quyết tâm thi và học lại đại học, ngành mỹ thuật công nghiệp. Con đường mới này dẫn tôi đến với những văn phòng thiết kế trong vai trò người thiết kế nội thất. Lần đầu được làm trong văn phòng của tòa nhà cao nhất thành phố, tôi thấy mình lâng lâng. Thế nhưng con đường này lại khiến tôi bối rối, hụt hơi khi có gia đình và sinh con.
|
Chị Thảo Nguyên (bìa phải) vui vẻ khi chuyển hướng công việc sang mở work shop thủ công tại nhà - vừa có thể chăm con, vừa theo đuổi đam mê và tạo thu nhập |
Tôi không thể cân bằng được giữa công việc và chăm lo cho con cái khi suốt ngày phải ngập trong deadline. Nhiều nơi tôi nộp hồ sơ xin việc và bị từ chối, nhưng nghĩ kỹ, nếu họ có nhận thì tôi cũng lâm vào cảnh bỏ bê con cái, xao nhãng chuyện nhà.
Trong những ngày tháng chông chênh lựa chọn giữa gia đình và công việc, nhờ mạng xã hội, tôi khám phá được tiềm năng khác của mình: làm thủ công.
Tôi tự học và làm ra được những sản phẩm xinh xắn, lúc đầu tặng người thân, bạn bè, sau đó đăng lên Facebook. Được bạn bè yêu thích, động viên, ủng hộ, tôi đã bán được những món đồ chính tay mình làm ra.
Tôi nhận ra mình được là chính mình khi đi trên con đường này, được cân bằng giữa công việc yêu thích và thời gian linh hoạt để lo cho con nhỏ và gia đình. Thế là tôi quyết tâm khởi nghiệp, dốc tiền để dành mở một shop làm đồ thủ công và tổ chức work shop truyền cảm hứng về nghề thủ công đến với mọi người.
Tôi thuê một căn hộ cùng lô với căn hộ vợ chồng tôi đang sống để làm nơi sản xuất, trưng bày các mẫu hàng thủ công xinh xắn, tuyển thêm cộng tác viên đồng hành. Tôi chuyên tâm thiết kế mẫu và người trực tiếp hướng dẫn work shop cho khách hàng. Công việc mới tuy chưa mang lại thu nhập cao, nhưng đang trên đà ổn định và quan trọng hơn là tôi tìm được niềm vui của một cuộc sống cân bằng.
Chị D.H.T - giám đốc sáng tạo một công ty quảng cáo truyền thông: Công việc quá áp lực, tôi xác định chỉ làm một thời gian rồi chuyển hướng
Là giám đốc sáng tạo cho một công ty “sân sau” của tập đoàn đa quốc gia chuyên về các sản phẩm tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới, công việc của tôi được xếp vào dạng công việc mơ ước của nhiều người. Nhưng đi kèm với đãi ngộ cao là “siêu áp lực”: thường xuyên phải đi thuyết trình với các đối tác, khách hàng ở nhiều quốc gia .
Việc chạy cùng lúc 5-7 dự án là chuyện bình thường. Công việc làm leader của nhiều nhóm mà trong đó toàn người giỏi, người có đầu óc sáng tạo, bay bổng và cá tính cũng không hề đơn giản. Sự bận rộn từ sáng đến tối khiến tôi căng thẳng, nhất là khi con bệnh, phải vừa chăm con, vừa làm việc từ xa.
Môi trường làm việc ở các công ty, tập đoàn đa quốc gia rất khắc nghiệt. Nếu công ty vẫn đặt yếu tố tăng trưởng lên hàng đầu thì rất khó cho phụ nữ khi sinh và nuôi con nhỏ. Một số công ty thấy phụ nữ có bầu sẽ không ký hợp đồng lao động, còn đang làm mà mang bầu thì sinh con xong sẽ mất vị trí tốt từng làm và bị điều chuyển qua các mảng việc kém hấp dẫn.
Tình huống này khiến bạn dễ bị stress khi quay lại làm việc sau sinh, áp lực lấy lại phong độ, lấy lại vị thế sẽ rất nặng nề khó khăn. Sau khi sinh con xong, để trụ vững với công việc, tôi phải phấn đấu rất nhiều.
Thật ra chức vụ hiện tại tôi đang đảm nhiệm, trước đây họ đã mời tôi làm, nhưng tôi không nhận vì biết rõ áp lực quá lớn. Sau dịch COVID-19, ngành quảng cáo gặp khó khăn, tìm công việc có mức lương tốt không dễ dàng, tôi mới đồng ý làm. Thế nhưng trong thâm tâm, tôi xác định chỉ có thể “cày” trong vài năm để kiếm tiền nuôi con.
Sau thời gian đó, nếu thấy vẫn có thể kham nổi áp lực, cân bằng với chuyện gia đình mới tính tiếp, còn không tôi sẽ chuyển hướng, tìm công việc nhẹ nhàng hơn để có thời gian nhiều hơn cho con, vì con tôi sắp vào lớp Một.
Mai Lâm (ghi)