Con cái và những món nợ khó đòi

26/11/2023 - 12:29

PNO - Việc anh chị không tính lãi bấy lâu nay đã là một khoản “cho” không nhỏ. Mọi chuyện nên được làm rõ: cái nào là cho, cái nào là vay mượn.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi có 2 con, con gái đầu đã lập gia đình. Hôm qua, vợ chồng con gái và các cháu về thăm. Dù nhà tôi với nhà con chỉ khác quận, cách mấy cây số nhưng con bận đi làm, 2 cháu còn nhỏ, nên tầm hơn tháng các con mới về thăm ông bà 1 lần. Tôi chuẩn bị từ trước mấy ngày, mua trái cây, đồ ăn vặt cho các con, đi chợ để sẵn tủ lạnh để con muốn ăn gì thì nấu.

Nhưng thực sự hôm qua vợ chồng con tôi không tập trung vào chuyện ăn uống vui chơi. Căn hộ chung cư hiện vợ chồng con đang ở chật và cũ nên con muốn đổi. Chuyện khiến tôi suy nghĩ là tiền mua căn hộ đó do vợ chồng tôi góp vô hơn nửa. Đó là khoản dành dụm dưỡng già của chúng tôi, khi ấy đang gửi tiết kiệm để lấy tiền lãi chi dùng.

Lúc con mua nhà có đề nghị ba mẹ cho vay nhưng mấy năm nay các con không hề nhắc đến khoản nợ cũ. Vì nghĩ rằng vợ chồng con còn phải lo trả các khoản nợ khác, lo nuôi con, nên tôi không nhắc nhở gì. Nay vợ chồng con định bán căn hộ, thêm vào một khoản nữa để đổi nhà. Con vẫn không nói gì đến việc trả lại khoản tiền trước đây mượn ba mẹ.

Thêm nữa, sau khi ăn cơm tối, con rể còn hỏi chúng tôi có cho vợ chồng con vay ít tiền được không. 2 đứa đang cần khoảng 100 triệu đồng. Tôi biết con đang nhắm vào khoản tiền tôi rút bảo hiểm. Mấy hôm nay tôi nhận việc thêm, con trai thỉnh thoảng cho tiền tôi cũng ráng dành dụm để tự lo lương hưu cho mình.

Dành được đồng nào, tôi hay chia sẻ với con, bởi vậy bây giờ các con biết rõ tôi có bao nhiêu tiền. Tôi chưa nói gì nhưng trong lòng cảm thấy không vui. Khoản tiền này là khoản cuối cùng của vợ chồng tôi, giờ đưa cho con rồi nay đau mai ốm biết lấy gì phòng thân, đến lúc đó con có tiền trả lại cho mình không còn chưa biết.

Biết tính con gái hay năn nỉ, nói to nói nhỏ đến chừng nào được mới thôi, tôi định nói thẳng rằng mình hết tiền rồi, các con nên tìm vay nơi khác. Như vậy liệu có ổn? 

Nguyễn Như (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Nguyễn Như thân mến, 

Anh chị thương con, muốn lo cho con được đủ đầy, toàn vẹn nhưng con của anh chị đã lớn, đã ra riêng, có thể tự thu xếp được cuộc sống của mình. Ở thời điểm này, các con phải lo cho ba mẹ mới phải. Trong câu chuyện của chị, vẫn thấy anh chị phải lo, vẫn thấy các con coi như ba mẹ đương nhiên phải lo cho mình. Xét về tình hay về lý cũng có điều gì đó không đúng lắm.

Về tình: trước đây ba mẹ đã cho mượn tiền, đã giúp đỡ con khi con khó khăn. Về lý: ba mẹ hiện nay đâu có nguồn thu nào lớn nữa, chỉ còn một khoản dự phòng cuối cùng. Vậy nên, trước việc con cần tiền, hỏi tiền, chị cần xác định rõ ràng: vợ chồng con nên tự lo lấy. 

Anh chị không cần nói gì quá căng thẳng. Cứ coi việc con hỏi tiền là bình thường. Con thiếu tiền thì hỏi vay mượn nhiều nơi, ba mẹ không còn tiền thì con sẽ hỏi nơi khác. Cũng không cần phân tích chuyện phải dành tiền phòng thân, anh chị cứ coi như đây là điều hiển nhiên.

Đây cũng là dịp để anh chị nói rõ với con về khoản tiền các con vay mượn trước kia, tránh trường hợp để sự không rõ ràng kéo dài lâu ngày rồi sau này mỗi người nhớ một kiểu. Nếu trước kia chưa có giấy tờ, nay nên lập giấy tờ vay mượn để 2 bên đều yên tâm.

Việc anh chị không tính lãi bấy lâu nay đã là một khoản “cho” không nhỏ. Mọi chuyện nên được làm rõ: cái nào là cho, cái nào là vay mượn. Đây là việc cần thiết để tình cảm gia đình không bị sứt mẻ. 

Ở tuổi anh chị, sống khỏe mạnh, an nhiên, tự lo được cho bản thân, không thành gánh nặng của con cái chính là thương con. Chị hãy thương con theo cách ấy - có kế hoạch, có nguồn lực cho cuộc sống của mình. Chúc chị bình tâm và nghĩ đúng, lo đúng cho các con. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Ngọc Anh (Vũng Tàu): Cứ thẳng thắn từ chối nếu thấy không hợp lý

Đọc thư của chị, tôi thấy lạ quá. Những đứa con trưởng thành không thể cứ mãi ngóng trông vào những đồng tiền ít ỏi của ba mẹ trong khi lẽ ra con cái phải phụ giúp ba mẹ mình ở tuổi xế chiều của ông bà. 

Tôi nghĩ chị không cần băn khoăn, ngại ngùng, cứ nói thẳng. Câu chuyện này có 2 vấn đề cần được giải quyết. Đầu tiên là món nợ mua nhà cũ, cả con gái và con rể của chị cần được nhắc nhớ việc này và có cam kết gửi lại tiền cho ba mẹ một cách nghiêm túc. Các con của anh chị cần học được bài học minh bạch về tiền bạc, dù đó là tiền của ba mẹ mình.

Thứ hai chính là lời hỏi han về tiền bạc của con gái và con rể chị. Theo tôi, nếu thiếu thì họ mượn cũng được, nhất là với ba mẹ mình thì dễ nói nhưng với điều kiện đã trả xong nợ cũ. Thế nên, nếu thấy không hợp lý, chị cứ thẳng thắn từ chối. Với con cái, có gì thì nói nấy, đừng để những việc như thế khiến mình phiền lòng mà ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Mỹ Đoàn (quận Gò Vấp, TPHCM): Chuyện tiền bạc phải phân minh 

Tôi vừa mua nhà và cũng mượn tiền của ba mẹ mình. Nếu ba mẹ dư dả thì mượn ba mẹ cũng tốt, đỡ phải vướng víu thủ tục ngân hàng. Nhưng tôi vẫn trả lãi vay cho mẹ, vì mẹ tôi đang sống bằng khoản tiền dưỡng già đó, không còn khoản thu nhập nào khác.

Cho dù là mẹ con nhưng khi tôi mượn tiền, mẹ tôi rất rõ ràng. Vợ chồng tôi ký vào giấy nhận nợ, lãi suất cam kết hằng tháng, thời hạn trả nợ. Lúc đầu, tôi cũng bất mãn lắm nhưng sau ngẫm lại thấy đúng. Thực sự mà nói, chuyện tiền bạc phải luôn phân minh. Bây giờ, vợ chồng tôi tuân thủ cam kết thôi, giấy trắng mực đen mà!

Có lẽ chị cần như thế với con mình, với tất cả các khoản nợ, để khỏi ấm ức sau này. Còn hiện tại, chị nên đứng ngoài việc đổi nhà của con lần này. Nếu con có hỏi tới, từ chối nhanh vẫn là giải pháp tốt nhất. Mong chị luôn tỉnh táo.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI