Con cái nhất thiết phải có?

19/09/2015 - 11:03

PNO - Nếu không thích con cái và nghĩ không nhất thiết phải có thì đừng tạo ra chúng, đó cũng là trách nhiệm của bạn đối với xã hội này.

Con cai nhat thiet phai co?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có những câu hỏi rất cá nhân nhưng lại mang tính phổ quát, đến mức người Việt nào hầu như cũng đã từng hỏi hay bị hỏi và xem đó là chuyện bình thường, chuyện tất nhiên.

Khi ai đó hoàn tất phần đầu của cuộc đời mình, tức là khoảng ngoài 20, họ sẽ liên tục bị tra vấn “khi nào thì lấy vợ/ chồng” hoặc “chừng nào cho ăn cưới?”. Đáp ứng chuyện đó xong, bạn lại bị dồn ép “chừng nào có em bé?” hoặc “sao chưa sinh con đi?”.

Nếu một lần nữa, bạn làm xong nhiệm vụ thì tiếp theo là “chừng nào có đứa thứ hai” hay “thêm đứa nữa cho có anh có em đi chứ?”. Và, ngạc nhiên thay, hầu hết mọi người đều tin rằng đó là con đường phải đi, đó là cách duy nhất để đến với hạnh phúc.

Khi ai đó phản ứng lại với câu hỏi áp đặt trên, họ sẽ bị nhìn như kẻ quái dị, kẻ có vấn đề tâm lý. Dường như mọi người đều cho rằng mình biết đích xác người khác cảm nhận hạnh phúc như thế nào, có thể áp mẫu chung về hạnh phúc của bản thân mình cho bất kỳ ai trong cuộc sống. Nếu được như thế thì chúng ta đang sống trong vườn địa đàng mất rồi.

Có cô bán bánh mì khá ngon dù chỉ là cái tủ ọp ẹp ven đường, lâu lâu thèm bánh mì, tôi vẫn ghé mua. Nhưng mà lạ, cứ thỉnh thoảng ghé một lần là thấy bụng cô lại lum lúp.

Sau vài lần, tôi hỏi đùa “Chị có đứa thứ mấy rồi, ghé mua bánh là thấy chị lại có em bé”. Chị cười, không rõ là buồn hay vui: “Năm đứa rồi anh. Cứ đẻ, sau này mình già cũng có đứa chăm sóc”.

Tôi hết cười nổi khi nghĩ đến việc những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn từ vật chất đến sự chăm sóc, những đứa trẻ mà gần như chắc chắn chúng sẽ lăn ra đường phố kiếm sống sớm thôi, ngay cả khi chúng chưa đủ ý thức về bổn phận.

Cơ may nào để những đứa trẻ trong hoàn cảnh bất toàn ấy thành đạt, khỏe mạnh và nhân hậu, để nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo cho bà mẹ sinh chúng ra với ý định để chúng nuôi mình?

Ông bà nói “nước mắt chảy xuôi” có lý riêng, trách nhiệm của những phụ huynh là tạo mọi điều kiện cho đi và phải yêu thương sinh linh mình tạo ra, câu chuyện về sự đòi hỏi báo hiếu hay nuôi cha mẹ phải nằm ngoài toan tính khi tạo ra sinh linh ấy.

Đời sống hiện đại đang dần buộc mỗi người phải tự chủ về cuộc sống của mình. Đặt trách nhiệm về cuộc đời mình lên vai những đứa trẻ chưa ra đời không phải là chuyện nên làm.

Cứ nhìn những câu chuyện gia đình gần đây, hay thậm chí, nhìn vào chính câu chuyện của mình, bạn sẽ tin mưu cầu sự chăm lo của con cái là món đầu tư rất ít khi sinh lãi. Nếu bạn tạo ra đứa trẻ với ý định nói trên, thì tốt nhất là đừng nên tạo ra chúng.

Đã qua lâu lắm rồi cái thời mà “tội bất hiếu lớn nhất là không có con nối dõi”, thế mà vẫn có những đứa trẻ sinh ra không phải vì ba mẹ chúng chào đón chúng bước vào cuộc đời mà là vì áp lực gia đình và truyền thống.

Không ít người sinh con chỉ vì “ai cũng phải có con”, nhiều cặp vợ chồng còn tin rằng đứa trẻ là một thứ thú cưng để nựng nịu hay chụp ảnh post mạng xã hội khoe với mọi người. Trách nhiệm với một hay những đứa trẻ của mình không bao giờ là thứ có thể trở thành phong trào hay để chiều lòng ai đó.

Đó phải là một nhu cầu tự thân, một tình cảm vừa bản năng vừa mang tính xã hội. Sinh ra những đứa trẻ không vì tình yêu thương đối với chúng là điều đáng trách, vì đã gieo sự bất hạnh ngay từ lúc có ý định sinh ra đứa trẻ.

Những trường hợp không cố ý sinh trẻ không bàn ở đây. Một đứa trẻ không chỉ đòi hỏi trách nhiệm và sự chăm sóc, chúng đòi hỏi sự hy sinh của những người tạo ra mình.

Các toan tính hay áp lực không phải là tiền đề cho sự hy sinh vô điều kiện cho trẻ. Mọi tình thương của họ hàng không bao giờ lấp được nỗi bẽ bàng dành cho đứa trẻ sinh ra từ áp lực hay truyền thống.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI