Con cái lợi dụng, cha mẹ thành Osin cao cấp

18/06/2022 - 06:00

PNO - Họ lên kế hoạch chu đáo cho việc mang bầu, sinh con, và bố mẹ già sẽ là một phần… quan trọng trong kế hoạch sinh con, nuôi con đó.

 

Con cái ly hôn, bà phải một mình chăm mấy đứa cháu còn thơ dại (Ảnh minh họa)
Con cái ly hôn, bà phải một mình chăm mấy đứa cháu còn thơ dại (Ảnh minh họa)

Bà cụ rụt rè gõ cửa phòng cán bộ chuyên trách ở uỷ ban xã, chìa cái thẻ bảo hiểm y tế của một đứa trẻ ra, ngập ngừng đề nghị cấp thẻ mới. Do cụ lãng tai, người cán bộ xã phải nói thật to, giải thích, yêu cầu này kia để cụ được cấp thẻ mới.

Tôi ái ngại hỏi: "Thế bố mẹ cháu đâu mà cụ phải lo mấy việc giấy tờ này?".

Người phụ trách bảo: "Ly hôn rồi. Bố lấy vợ nọ, mẹ cưới chồng kia, vứt 3 đứa con cho bà cụ nuôi. Mà khổ lắm, cụ ấy nghèo, mấy đứa nhỏ đau ốm cụ cứ phải nhờ người chở ra trạm xá, có khi không nhờ được, lại đặt cháu lên xe đạp rồi... dắt từ nhà đến trạm. Ai thấy cũng thương".

Thấy tôi ngạc nhiên, chị bảo: "Những trường hợp thế này không hiếm, chị muốn tìm hiểu thì tôi đưa cho vài địa chỉ".

Tôi đi theo những địa chỉ ấy, và vừa ngạc nhiên, vừa xót xa, bởi chỉ trong một xã nhỏ, những chuyện ông bà già cả nuôi cháu thay con đã không hề ít. Trước hết là những trường hợp vợ chồng trẻ khúc mắc trong hôn nhân, ly thân, ly hôn, hoặc đi làm ăn xa.

Cả đời luẩn quẩn chuyện… con mọn

Bà Minh, một phụ nữ 65 tuổi, góa chồng, đang nuôi 3 cháu nhỏ và 1 cháu… sắp ra đời. Tất cả vì cô con gái sinh năm 1991 của bà không lấy chồng nhưng rất thích sinh con. Có điều lạ, cô thích sinh con nhưng không thích nuôi con vất vả, không thích thức khuya dậy sớm chăm con nhỏ. Vì thời gian đó cô còn mải đi du lịch với các bạn trai của mình.

Một trường hợp khác là chị Nhung, người đang nuôi dạy 5 đứa cháu, trong đó có 2 đứa cháu ngoại, trong khi chị cũng chẳng hề rảnh rỗi. Với 1.000 con gà đẻ trong trại, ngày nào chị cũng địu cháu ngoại mới 9 tháng tuổi vào chuồng gà nhặt trứng, cho gà ăn.

Tôi hỏi: "Sao cháu còn nhỏ mà chị lại cho cháu cùng vào chỗ nhiều vi khuẩn như thế?". "Vì bà nội cháu không chịu trông cháu, chỉ suốt ngày đi chùa này điện nọ", chị tiết lộ.

Những trường hợp bố mẹ đi làm xa, để con ở nhà cho bà nội, ngoại nuôi thì nhiều vô kể. Tôi nhớ mấy năm trước đi công tác vùng núi Nghệ An, vào một bản làng người Thái ở giáp biên giới Việt - Lào, tôi thấy trong làng toàn người già và trẻ nhỏ. Hỏi ra mới biết bố mẹ các cháu đều đi làm ăn xa, mấy tháng mới về một lần, có người chỉ về dịp tết. Mọi việc chăm lo, nuôi dạy con họ đều trao "tất tay" cho bố mẹ già.

Biến bố mẹ già thành Osin, mang tiếng ác cũng… kệ

Đến đây, tôi không thể không nhắc đến câu đạo diễn Lê Hoàng từng phát ngôn gây sóng lớn, đại ý: "Tôi nuôi con tôi, con tôi nuôi con của nó".

Vì sao phát ngôn trên lại gây sóng? Đó là một ý tưởng mới, đi ngược với suy nghĩ của số đông. Và quan trọng là đạo diễnLê Hoàng dám nói ra. Tôi chắc chắn đó là một sự thật mà không ít bậc ông bà, cha mẹ đều... thấy đúng, nhưng không dám thừa nhận, không dám ủng hộ, vì sợ búa rìu dư luận.

Sự ích kỷ trong lối nghĩ của những người trẻ chỉ muốn hưởng thụ rất rõ ràng. Họ lên kế hoạch chu đáo cho việc kết hôn, mang bầu, sinh con, và bố mẹ già sẽ là một phần… quan trọng, không thể thiếu trong kế hoạch đó. Thậm chí mang tiếng ác, họ cũng... phớt lờ.

Trường hợp của chị Nhung, chị phải cho cháu ngoại vào chuồng gà cùng, khi chị nhặt trứng, cho gà ăn là do bà nội cháu nhất quyết không trông cháu, mà dành thời gian đi chùa, đi du lịch. Tại sao vợ chồng trẻ kia cho rằng bà nội được quyền từ chối trông cháu, bà ngoại thì không?

Ông bà nào cũng yêu con thương cháu, nhưng họ đã để chính con cháu lợi dụng, hoặc tự biến mình thành Oshin cho chúng (Ảnh minh họa)
Ông bà nào cũng yêu con thương cháu và mặc nhiên để con cháu lợi dụng hoặc tự biến mình thành Osin (Ảnh minh họa)

Buồn khổ, nhưng không… thừa nhận

Bố mẹ già cả nhưng không được nhàn nhã, lại trở về cái vòng xoay… bỉm sữa, trước cho con, nay cho cháu, có hoàn toàn là lỗi của những cặp vợ chồng trẻ hay không? Tôi nghĩ nếu họ sai một thì các ông bà sai mười.

Trở lại câu chuyện gây bão của đạo diễn Lê Hoàng. Tôi nhớ thời điểm ông phát ngôn như thế, mạng xã hội tràn lan các bài viết chê ông ích kỷ. Rằng, ông đi ngược với truyền thống của người Á Đông; rằng ông già rồi, không biết hy sinh, không biết tìm niềm vui ở việc chăm sóc cháu chắt, thì mai mốt già cả, con cháu lãng quên, ông đừng trách.

Rồi chính cái quan niệm được chăm cháu là một cái phúc, là niềm vui; ai mà con cái không thèm gửi cháu về chăm là bất hạnh... đã trực tiếp làm khổ ông bà. Nói cách khác, ông bà tự tạo cơ hội để thành Osin cao cấp không bao giờ được trả lương của con cháu.

Ý Dĩ Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI