Con cái - Hạnh phúc hay gánh nặng? - Nuôi dạy con thuận lợi giúp tăng tỷ lệ sinh

10/11/2021 - 06:37

PNO - Áp lực đời sống ở đô thị như công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt cao, không gian sống chật hẹp, thời gian hạn hẹp khiến việc có một đứa con là điều mà các cặp vợ chồng ở TPHCM luôn cân nhắc kỹ. Theo các chuyên gia về dân số và phát triển, chính sách dân số đúng đắn và công bằng là giải pháp để tăng mức sinh hữu hiệu nhất.

Ông Lê Thanh Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho biết, để khuyến khích sinh con, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ y tế, chế độ thai sản cho cả mẹ lẫn bố, các nước phát triển còn quan tâm đến việc bảo đảm học hành.

Ở TPHCM hiện nay, việc gửi con vào nhà trẻ khá tốn kém. Do đó, nếu chưa hỗ trợ được tài chính cho cha mẹ trẻ, chính quyền thành phố cần cố gắng cải thiện chất lượng các nhóm giữ trẻ, đẩy mạnh hơn nữa mô hình nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà tập thể để công nhân vừa có thể lao động, vừa có thể sinh con khi còn trẻ tuổi.

An sinh xã hội, bảo đảm chỗ ở chỗ học cho người lao động là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ sinh của TP.HCM - ẢNH: QUỐC NGỌC
An sinh xã hội, bảo đảm chỗ ở chỗ học cho người lao động là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ sinh của TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

“Tăng tỷ lệ sinh cũng là một cách bồi dưỡng nguồn lực cho tương lai. Để nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến 15 tuổi để bổ sung vào lực lượng lao động, ngay bây giờ, chính quyền thành phố cần quan tâm xây dựng môi trường sống tươi xanh hơn, thủ tục hành chính thông thoáng hơn, tức tạo ra một thành phố có nhiều điều kiện sống tốt. Khi người dân cảm thấy y tế, giáo dục tốt hơn, cảm thấy an toàn hơn thì tỷ lệ sinh sẽ tăng lên” - ông Lê Thanh Hải lập luận. 

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (HEPZA), tính đến đầu tháng 10/2021, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại đây đã về quê dù nhiều người trong số đó chưa biết sẽ làm gì khi trở về nhà. Trong khi đó, các nhà máy, doanh nghiệp ở TPHCM lại thiếu lao động để phục hồi hoạt động sau thời gian giãn cách xã hội.

Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Học viện Cán bộ TPHCM) cho rằng, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì mức sinh thấp kéo dài của TPHCM sẽ để lại nhiều hệ lụy, như tốc độ già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Làn sóng hồi cư khác thường vừa qua trong đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều điều đáng suy nghĩ về chính sách đối với lao động nhập cư.

Bà Thùy Trang cho rằng, cần xem lao động nhập cư là một bộ phận trong chính sách dân số của TPHCM, từ đó có chính sách và hành động cụ thể để tạo dựng tình cảm và mức độ gắn bó lâu dài, như hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề phù hợp, chăm lo về an sinh xã hội, hỗ trợ thuê mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho con em họ được học hành đầy đủ, bản thân họ được tiếp cận với chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản bình đẳng, dần dần tiến tới xóa bỏ mọi sự phân biệt trong chính sách dân số và an sinh giữa người có hộ khẩu thường trú và người không có hộ khẩu thường trú ở TPHCM.

Theo bà Thùy Trang, chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống: “Kết quả tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong chín tháng đầu năm 2021 âm 4,98%.

Có thể nhận định rằng, COVID-19 tác động tiêu cực đến chất lượng dân số thành phố trong ngắn hạn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác động của đại dịch về lâu dài đối với chất lượng dân số của thành phố nói riêng và cả nước nói chung là điều đáng quan tâm hơn và cần được khảo sát, nghiên cứu toàn diện nhằm có sự can thiệp chính sách phù hợp”. 

Quốc Ngọc

TPHCM có nhiều chính sách khuyến sinh

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về hiện tượng giảm sinh ở TPHCM, thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - khẳng định, TPHCM có nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao có hiện tượng người trẻ ngại sinh con? 

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung: Đó là do nhiều nguyên nhân. TPHCM có mật độ dân số cao, quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt… Áp lực của cuộc sống và công việc làm nảy sinh xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con.

 Các cặp vợ chồng cũng muốn sinh ít con để có sự đầu tư, chăm sóc con cái một cách tốt nhất trong bối cảnh việc nuôi dạy, chăm sóc con cái đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí. Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, sự thay đổi về quan điểm sống của giới trẻ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp.

Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều người không thể sinh con. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều gánh nặng về việc nhà, việc nuôi dạy con cái và công việc ngoài xã hội, nên họ lựa chọn có ít con.

* Vấn đề kinh tế có phải là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn không sinh đủ hai con, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, yếu tố kinh tế chỉ là một trong những nguyên nhân. Với thế hệ thanh niên ngày nay, quan điểm về cuộc sống thay đổi, nhu cầu đầu tư và phát triển bản thân rất quan trọng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có sự an tâm về đường học hành, sức khỏe và môi trường sống của con cái trước khi quyết định sinh ra đứa trẻ. Nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay là sinh con và nuôi dạy con trong điều kiện tốt nhất.

* Theo ông, tổng tỷ suất sinh ở TPHCM thấp, nếu kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy gì?

 - Ở một số quốc gia có mức sinh thấp, khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn nhưng hầu như không có tác động khiến mức sinh tăng trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, đó là tốc độ già hóa dân số sẽ nhanh hơn, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người trên 60 tuổi (cao tuổi) chiếm đến 9,35% dân số TPHCM. Tỷ lệ này nếu từ 10% trở lên thì một thành phố, vùng lãnh thổ, quốc gia đã bị đánh giá là bước vào quá trình già hóa dân số.

Mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của thành phố, trong khi nguồn ngân sách này nên được đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững.

* Nhiều ý kiến đề nghị nên khen thưởng các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, đồng thời cho phép sinh con thứ ba. Ông nghĩ gì về đề nghị này?

- Trong các nghiên cứu của các chuyên gia, để khuyến sinh hiệu quả, không chỉ cần các biện pháp kinh tế hay điều chỉnh về mặt chính sách mà còn phải đảm bảo cho các cặp vợ chồng yên tâm về điều kiện sống và phát triển của con cái mình. Và điều này được cấu thành từ nhiều yếu tố: điều kiện để trẻ em được tiếp cận với chất lượng giáo dục tiên tiến, chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đời sống tinh thần khỏe mạnh và môi trường sống an toàn. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dân số. 

* Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đã có những giải pháp gì để điều chỉnh tỷ suất sinh, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con? 

- Ngày 26/11/2019, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM tổ chức hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TPHCM: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả. Thông qua hội thảo, chi cục đã ghi nhận và có những đề xuất trong dự thảo về chính sách dân số giai đoạn 2021-2025 để trình HĐND TPHCM trong kỳ họp gần nhất, có thể là cuối năm 2021.

Cụ thể, các giải pháp được đề xuất tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí do bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai.

Song song đó, cần hỗ trợ toàn diện để các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con, như hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức và thời gian trông trẻ mầm non, mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…
* Xin cảm ơn ông! 

Diễm Chi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI