Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều trải qua quá trình chuyển dịch nhân khẩu học do giảm tỷ lệ tử vong và giảm mức sinh. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng như TPHCM đã trải qua quá trình này và cơ hội “dân số vàng” vẫn đang mở ra và dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2039. Đây là giai đoạn đất nước cần tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bằng cách đầu tư đúng đắn vào thế hệ trẻ.
Phải tìm cách để giàu lên
Theo ông Lê Thanh Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), tỷ lệ sinh ở TP.HCM giảm một cách tự nhiên mà không phụ thuộc vào ý chí can thiệp của chính sách dân số đã thể hiện mặt nào đó tích cực. Quá trình phát triển đất nước đã kéo theo trình độ dân trí cao hơn, nhận thức tốt hơn, văn minh hơn, cuộc sống tự do hơn, người ta sẽ chọn sinh ít để có điều kiện đầu tư tốt hơn cho con cái cả về dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc tình cảm. Ở các nước phát triển, tỷ lệ sinh đều giảm.
|
Cơ hội “dân số vàng” vẫn đang mở ra và dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2039. Trong ảnh, gia đình anh Quang Phúc và chị Ngọc Minh (Quận 3, TP.HCM) - Ảnh: Quốc Ngọc |
“Tuy nhiên, trong 15 năm tới, tình trạng này sẽ dẫn đến hệ quả dân số già. Một nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam là chưa giàu mà đã già, ý nói rằng trong tương lai, tỷ lệ dân số phụ thuộc sẽ cao nếu hệ số sinh cứ giảm đều. Nếu nền kinh tế phát triển chưa đạt được quy mô ổn định mà tỷ lệ người phụ thuộc cao là một gánh nặng xã hội lớn” - ông Lê Thanh Hải nói.
Theo ông, chúng ta cần giải quyết hai vấn đề: già và giàu. Việc xây dựng một chính sách khuyến khích sinh để bổ sung người vào lực lượng lao động, giảm tỷ lệ người phụ thuộc là điều tốt cho quốc gia phát triển, nhưng không hề đơn giản. Nếu kỳ vọng rằng tỷ lệ sinh sẽ tăng nhờ những yếu tố hỗ trợ trẻ sơ sinh, chế độ thai sản, trợ cấp dinh dưỡng thì ngay cả các nước phát triển có nguồn lực tài chính lớn cũng chưa thành công. Tỷ lệ sinh giảm là do nhiều yếu tố, nên cần có giải pháp tổng thể.
Ông Lê Thanh Hải đưa ra góc nhìn: “Ngăn sự già đi là rất khó, chi bằng ta chọn vế còn lại, tức là làm sao cho giàu lên. Năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp, nhưng “dân số vàng” hiện nay là một điều kiện tốt để Chính phủ đưa ra các chính sách nhằm tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế. Khi người lao động giàu lên thì giới chủ cũng giàu lên, gia đình giàu thì đất nước giàu, từ đó tỷ lệ phụ thuộc có thể cao nhưng nếu của cải, vật chất nhiều hơn thì vẫn gánh được dân số già trong tương lai”.
Ông cho rằng, nỗi lo lắng TP.HCM sẽ thiếu hụt nguồn lao động do tỷ lệ sinh thấp là đáng quan tâm. Thế nhưng, nếu chính quyền TP.HCM quan tâm chăm lo nhà ở, giáo dục, y tế và không có sự phân biệt thường trú, tạm trú, việc luân chuyển lực lượng lao động sẽ dễ dàng: “Chúng ta có thể lấp được khoảng trống thiếu hụt lao động với điều kiện cơ sở hạ tầng xã hội tốt, môi trường sống ít ô nhiễm, môi trường hành chính thuận tiện, minh bạch, thủ tục rõ ràng, đơn giản”.
Đừng quên sự năng động của người già
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam - cho rằng già hóa dân số xảy ra khi tỷ lệ dân ở tuổi lao động bị giảm xuống, tỷ lệ người sống phụ thuộc tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động có chất lượng và tăng chi phí lao động. Nhiều quốc gia tiên tiến xử lý tình trạng này bằng cách tăng cường sử dụng công nghệ số, tăng năng suất thông qua các hệ thống tự động, đồng thời tận dụng lao động nhập cư.
Theo bà, tình trạng tăng tỷ lệ người sống phụ thuộc sẽ làm tăng quỹ hưu trí quốc gia, tăng phân bổ ngân sách cho y tế, giáo dục cùng các dịch vụ xã hội khác cho trẻ em và người cao tuổi. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, ngày nay, người cao tuổi vẫn rất năng động, vẫn có thể tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Người ở độ tuổi lao động (nam 15-62, nữ 15-60 tuổi, theo Luật Lao động) vẫn sẽ tiếp tục tăng từ 63,1 triệu vào năm 2019 lên 69,1 triệu vào năm 2040. Khi diễn ra quá trình già hóa dân số thì việc người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động là đương nhiên.
Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình dân số quốc gia trong những thập niên qua, nhưng chuyển đổi nhân khẩu học là một phần của xu thế toàn cầu. UNFPA cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc của hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, bởi vấn đề chuyển đổi nhân khẩu học đã diễn ra song song với tăng trưởng kinh tế, xã hội và quá trình hiện đại hóa đất nước. “Chúng tôi khuyến cáo các quốc gia nên tuân thủ nguyên tắc mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng cần và có thể tự mình quyết định một cách có trách nhiệm số con, thời gian và khoảng cách giữa các lần sinh con” - bà Kitahara nhắc lại tinh thần của hội nghị.
Từ năm 2018, trong báo cáo về tình hình dân số thế giới, UNFPA đã đề cập một số giải pháp, chính sách cho các quốc gia có mức sinh thấp. Các chính sách công như tăng cường các cơ sở chăm sóc trẻ, hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng, có chế độ cho cha mẹ nghỉ thai sản và nghỉ chăm trẻ sơ sinh có lương, ưu tiên cho giáo dục trẻ em... Ngoài ra, tăng cường bình đẳng giới và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng là cách hiệu quả để nâng cao mức sinh ở nhiều nước trên thế giới.
“Thưởng tiền để tăng mức sinh cũng được một số quốc gia áp dụng, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, cũng đã cố gắng áp dụng giải pháp này để khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con, nhưng cho đến nay, mức sinh vẫn thấp. Hơn nữa, giải pháp này tác động đáng kể đến ngân sách quốc gia, nên cần phải nghiên cứu kỹ” - bà Kitahara khuyến nghị.
Đến năm 2034, đàn ông Việt thừa 1,5 triệu người Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 11,8% tổng dân số Việt Nam. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang giai đoạn “dân số già”. Cũng theo kết quả tổng điều tra, cùng với giảm và hạn chế mức sinh, tâm lý thích sinh con trai và việc có sẵn các công nghệ để chọn lựa giới tính khi sinh, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng định kiến giới thai kỳ, dẫn đến chênh lệch giới tính khi sinh. Tỷ suất khi sinh 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái của Việt Nam hiện cao thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu người đàn ông. Con số này tăng lên 2,5 triệu năm 2059. UNFPA cho rằng, điều này có thể dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là “khủng hoảng hôn nhân”, nam khó tìm được vợ. Riêng ở TP.HCM, tỷ suất giới tính khi sinh năm 2019 là 114,1, cao hơn tỷ suất trung bình toàn quốc. |
Quốc Ngọc
Kỳ cuối: Nuôi dạy con thuận lợi giúp tăng tỷ lệ sinh