Con cái chúng ta cần một chú cún và sự thấu hiểu

28/05/2017 - 10:54

PNO - Một khảo sát do Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) thực hiện cho biết, gần 1/3 số trẻ em được phỏng vấn đã có các dấu hiệu liên quan đến stress trong tháng gần nhất như khó ngủ, đau đầu, đau bụng…

Nhắc đến stress, chúng ta vẫn nghĩ ngay đến người lớn với những gánh nặng của cuộc sống mà quên rằng trẻ em cũng có thể stress và nếu stress kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của trẻ, cũng tương tự ở người trưởng thành. 

Những dấu hiệu trẻ đang gặp stress

Stress ở trẻ có thể xuất phát từ những áp lực của việc học, rắc rối trong quan hệ bạn bè, lo lắng vì sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô… Người lớn đôi khi không nhận ra những cảm xúc của trẻ hoặc xem nhẹ những thay đổi đó. Sau đây là những dấu hiệu APA gợi ý để giúp bạn nhận ra việc con mình có thể đang stress.

Con cai chung ta can mot chu cun va su thau hieu
Ảnh minh họa

1. Hành vi của trẻ đột nhiên thay đổi theo hướng tiêu cực. Trẻ nhỏ thường không đủ ngôn từ để diễn đạt rõ ràng những gì chúng đang gặp phải, nên thay vào đó, ở trẻ sẽ xuất hiện những hành vi tiêu cực.

Một số hành vi thường gặp là dễ bị kích thích và cáu gắt, rút lui khỏi những hoạt động vui chơi mà trước đây chúng yêu thích, thường xuyên có vẻ lo lắng, phàn nàn về trường học, khóc, sợ hãi điều gì đó, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ăn quá nhiều hoặc quá ít. Trẻ tuổi “teen” thường có thái độ xa lánh bố mẹ và bạn bè vốn thân thiết. Những biểu hiện trên không phải lúc nào cũng là trẻ đang gặp stress, nhưng cha mẹ cần chú ý đến con khi thấy những bất thường đó.

2. Bệnh do stress. Một số triệu chứng thực thể có thể do trẻ đang stress, như đau bụng hay đau đầu. Nếu trẻ liên tục than phiền đau bụng, mà bác sĩ đảm bảo con bạn không có bệnh gì, thì có thể chúng đang stress. Tình huống này rất thường gặp khi trẻ chuẩn bị bước vào một kỳ thi hay kiểm tra.

Con cai chung ta can mot chu cun va su thau hieu
Ảnh minh họa.

3. Biết cách con bạn tương tác với người khác. Đôi khi trẻ sẽ hành xử một cách hoàn toàn khác hẳn lúc không có bạn bên cạnh. Vì vậy, phụ huynh nên thiết lập quan hệ với những người con mình thường tiếp xúc. Tương tác với thầy cô, bạn bè hay những câu lạc bộ mà trẻ tham gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của con. Đó là nguồn thông tin hữu ích giúp bạn sớm nhận biết con mình có stress hay không.

4. Lắng nghe để hiểu. Do trẻ không hiểu rõ ý nghĩa của stress nên thường biểu hiện sự suy sụp của mình qua những từ như lo lắng, không hiểu, giận, phiền lòng… Trẻ cũng có thể thể hiện cảm nhận thông qua việc nói những điều tiêu cực về bản thân như: "Không ai thích con hết", "Con ngốc quá", "Chẳng có gì vui"… Người lớn lại hiểu những từ đó một cách sai lầm, thậm chí cười đùa về sự “cụ non” của trẻ mà không nghĩ trẻ thực sự có vấn đề.

Đối phó với stress ở trẻ

Thông thường, khi tình trạng stress của trẻ không quá nặng, những cuộc nói chuyện sẽ giúp trẻ lấy lại được trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bạn không đủ tự tin giúp con vượt qua stress, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên viên tâm lý. 

ĐH Florida vừa công bố một nghiên cứu trên tạp chí Social Development về ảnh hưởng của thú nuôi đối với cảm xúc của trẻ. Nhóm nghiên cứu khảo sát mức độ stress của trẻ thông qua nồng độ hormone cortisol trong cơ thể - một loại hormone do tuyến yên tiết ra để đáp ứng với những tình huống gây stress hay nguy hiểm, còn gọi là “stress hormone”.

Cortisol là một dấu ấn sinh học cho tình trạng stress, nghĩa là chúng ta càng stress thì nồng độ cortisol càng cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ stress của trẻ thay đổi tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ xã hội mà trẻ nhận được và cả mức độ trẻ tương tác với thú nuôi của chúng.

Trong nghiên cứu này, thú nuôi là những chú chó. Trẻ có một chú chó cưng bên cạnh sẽ ít stress hơn so với trẻ chỉ được hỗ trợ xã hội từ bố mẹ hoặc không hề được hỗ trợ.

TS Darlene Kertes, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Giai đoạn trẻ đang lớn là thời điểm mà những hình tượng xã hội của trẻ vượt ra khỏi bố mẹ, nhưng khả năng cảm xúc và sinh học của trẻ vẫn chưa đủ để đối phó với stress. Việc đối phó với stress khi còn thơ ấu có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe về sau, nên chúng ta cần hiểu biết đầy đủ về những cách thức giảm đáp ứng stress trong giai đoạn này”.

Như vậy, sự thấu hiểu và một chú cún có vẻ là một công thức khá hữu hiệu cho con bạn!

Tuyến Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI