Con bụng chướng, gan to do mẹ không điều trị giang mai

28/06/2020 - 10:15

PNO - Mới đây, một bệnh viện tiếp nhận bé một tháng tuổi trong tình trạng bụng chướng, gan to… Kết quả chẩn đoán cho thấy bé bị giang mai lây truyền từ mẹ.

Bé một tháng tuổi mắc bệnh tình dục

Cuối tháng Năm, Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) tiếp nhận bệnh nhi một tháng tuổi nhập viện trong tình trạng bú kém, da xanh nhợt, khó thở, rút lõm lồng ngực, bụng chướng, gan - lách to và đặc biệt có vết loét vùng mông, lòng bàn chân…

Qua xét nghiệm, bác sĩ Mai Hồng Tình, Khoa Nhi BV Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, xác định bé bị giang mai bẩm sinh. Sau thời gian điều trị, da bé trở lại hồng hào, hết khó thở, hết nổi tĩnh mạch bụng, gan - lách trở lại bình thường. Bác sĩ Mai Hồng Tình giải thích, bé bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai do mẹ truyền sang lúc mang thai. 

Thai phụ bị bệnh giang mai điều trị ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM để sinh con không bị giang mai bẩm sinh
Thai phụ bị bệnh giang mai điều trị ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM để sinh con không bị giang mai bẩm sinh

Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Mạnh Hà, Phó khoa điều hành Khoa Lâm sàng 3 BV Da liễu TP.HCM, cảnh báo: "Trong năm qua, BV có khoảng 7.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giang mai. So với cách đây 10 năm, con số này chỉ là trên dưới 1.000 lượt/năm. Các đối tượng đến khám chủ yếu giới trẻ, trong đó người quan hệ đồng giới nam cũng rất thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai hầu như tuần nào cũng ghi nhận một vài ca". 

Bệnh giang mai cũng lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn bào thai, do xoắn khuẩn từ máu mẹ xâm nhập qua nhau thai, đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con như: sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, dị dạng... Nếu trẻ có thể sống được thì sau đó cũng xuất hiện nhiều tổn thương rất nghiêm trọng ở da, niêm mạc, xương khớp và các cơ quan nội tạng.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, BV Từ Dũ TP.HCM, người đã nhiều lần đỡ đẻ cho sản phụ bị giang mai, cho biết: “Em bé sinh ra rất đáng thương. Tôi nhớ có lần, em bé chào đời với hai lòng bàn tay và hai bàn chân nổi nhiều bóng nước, gan bé to hơn bình thường, xét nghiệm cho thấy bé bị giang mai bẩm sinh. Bé được điều trị ngay sau đó nhưng bị giảm thính lực, phát triển thể chất và tinh thần kém”.

Giang mai bẩm sinh đến từ đâu?

Người bệnh được phát hiện mắc giang mai do nhận ra nguy cơ từ quan hệ tình dục không an toàn, cũng có nhiều trường hợp không có triệu chứng và được phát hiện thông qua xét nghiệm tầm soát khi kết hôn, hiến máu…

Xoắn khuẩn gây bệnh giang mai
Xoắn khuẩn gây bệnh giang mai

Bệnh giang mai lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các vết trầy xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh giang mai do quan hệ tình dục không an toàn. Ngay cả khi chỉ một lần lỡ quan hệ không an toàn vẫn có thể lây bệnh. 

Bác sĩ Bùi Mạnh Hà thông tin, sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thời gian ủ bệnh từ 10-90 ngày, trung bình ba tuần. Triệu chứng đầu tiên của bệnh giang mai có thể là một vết trợt hình tròn hoặc bầu dục, màu đỏ, không đau, không ngứa và không có mủ… xuất hiện tại vị trí vi khuẩn xâm nhập, có thể là ở bộ phận sinh dục của nam và nữ hoặc ở miệng, hậu môn. Thời gian sau, người bệnh còn có thể nổi dát đỏ giống phát ban, thường gặp ở lòng bàn tay hoặc bàn chân.

Ngoài ra, một số triệu chứng không đặc hiệu như: cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt, nổi hạch… Những dấu hiệu bệnh có thể tự biến mất sau một thời gian nên người bệnh dễ mang tâm lý chủ quan, tưởng đã khỏi bệnh rồi lại quan hệ không an toàn với người khác. Giai đoạn muộn bệnh có thể gây biến chứng tim mạch, thần kinh, xương khớp… 

Bệnh giang mai đã điều trị khỏi, vẫn có nguy cơ tái nhiễm khi tiếp xúc lại với nguồn lây (người đang bị bệnh). Cách phòng bệnh giang mai duy nhất là quan hệ tình dục an toàn. 

“Thai phụ phải xét nghiệm tầm soát bệnh giang mai ở lần khám thai đầu tiên tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện bệnh và điều trị sớm trong ba tháng đầu của thai kỳ, trẻ sinh ra sẽ không mắc bệnh. Ngược lại, nếu thai phụ bị giang mai không được điều trị thì hầu như 100% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Hà khuyến cáo. n

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân bị giang mai nên đến BV chuyên khoa da liễu để được theo dõi, điều trị cũng như tránh các tình huống sốc thuốc có thể xảy ra mà không cứu chữa kịp. 

Tại BV Da liễu TP.HCM, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp  bệnh nhân “tiền mất tật mang” do điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc, dẫn đến tốn cả vài chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp bệnh nhân không mắc bệnh lây qua đường tình dục nhưng vẫn bị vẽ bệnh để thu lợi bất chính. Trong khi chi phí điều trị tại BV công chỉ khoảng 100.000 đồng/mũi thuốc và thường chỉ tiêm tối đa ba mũi trong ba tuần.

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI