Con bỏ du học theo nhóm người lạ

17/06/2024 - 09:46

PNO - Thay vì kiên quyết dẹp bỏ chuyện “sinh hoạt lạ” của con, ba mẹ hãy bảo vệ đời sống lành mạnh của con bằng những nguyên tắc hợp lý, với cách tiếp cận có lý có tình.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Con trai tôi 21 tuổi, là sinh viên. Từ nhỏ cháu đã học giỏi, có chính kiến, nên luôn được ba mẹ tôn trọng. Nói vậy để chị hiểu rằng việc cháu sa ngã bây giờ không phải là vì thiếu sự công nhận hay yêu thương từ gia đình.

Hơn 1 năm nay, cháu theo một nhóm người lạ và sinh hoạt kiểu một loại “tôn giáo” (tôi tạm gọi vậy dù cháu khẳng định đó không phải là tôn giáo). Cháu thay đổi sinh hoạt, tác phong. Đỉnh điểm là cháu bỏ luôn học bổng du học Canada, chỉ giải thích “vì không còn phù hợp”.

Chồng tôi từng theo cháu đến gặp nhóm người kia. Họ cũng ăn mặc bình thường, gặp gỡ ở quán cà phê, rồi cùng trò chuyện, mổ xẻ các hiện tượng xã hội như một nhóm cà phê bình thường.

Chồng tôi cho rằng họ không làm gì quái lạ là vì có “người lạ” (là anh). Thấy ba nghi ngờ, cháu từ chối dắt chúng tôi theo mỗi lần đi “sinh hoạt”. Cũng từ đó, cháu sống tách biệt. Cháu ăn riêng (ăn chay và ăn rất ít), ít giao tiếp với ba mẹ.

Tôi đã làm đủ mọi cách, từ ngăn cản gay gắt cho đến dỗ dành, khóc lóc. Có đêm vào phòng, thấy cháu đang ngồi đọc “kinh”, tôi khóc òa lên nói cháu “hãy trả con trai lại cho mẹ”.

Cháu bình tĩnh nói “con vẫn là con mẹ, chỉ có mẹ không còn chấp nhận con”. Cháu khẳng định bản thân rất tỉnh táo và luôn tự suy xét việc mình làm. Cháu nói những người cháu gặp phần lớn đều thành đạt, họ sống tích cực, chỉ giúp đỡ chứ không hại cháu.

Tôi nói rằng cháu đã đánh mất mình - một cậu thanh niên từng khao khát đi du học, trở thành công dân quốc tế thành đạt. Cháu nói mục đích cuối cùng của cháu là sống hạnh phúc, có ý nghĩa dù đứng ở vị trí nào trong xã hội. Còn ba mẹ thì chỉ quan trọng việc cháu đứng ở vị trí nào trong xã hội mà không quan tâm đến suy nghĩ hay lý tưởng của cháu.

Chồng tôi đã 3 tháng nay không còn nói chuyện với con trai. Hiện con tôi chưa làm ra tiền nên chưa bị lợi dụng về tiền bạc, nhưng nghe mọi người nói theo “kịch bản” thì cháu sẽ dần tận hiến cho “tôn giáo” mà cháu theo. Tôi quá lo lắng, không biết đời con mình sẽ đi về đâu.

Phương Hồ (Cần Thơ)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Phương Hồ mến,

Theo lời chị kể, con trai chị vẫn rất ý thức về những suy nghĩ, lo lắng, phản đối của ba mẹ; nhưng cháu vẫn không lung lay. Như vậy, việc thể hiện sự lo lắng, phản đối đã không còn hiệu quả. Bây giờ không phải là lúc ba mẹ nói “không” thì con sẽ từ bỏ. Vì vậy, chị không cần thể hiện sự phản đối hay đau khổ nữa. Đây là giai đoạn chị cần ở bên con bằng phiên bản tỉnh táo, thấu hiểu nhất của mình.

Thay vì chỉ luôn nói về cộng đồng mà cháu đang theo, chị hãy nói về những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của cháu. Hãy tạm thống nhất rằng “nhóm người lạ” kia là một cộng đồng sinh hoạt tinh thần mà cháu chọn và trước khi tìm thấy điều gì tiêu cực, ba mẹ sẽ ngưng phán xét, phản đối.

Với một thanh niên 21 tuổi, ta rất khó để cấm cháu chơi với nhóm bạn mà cháu đã khẳng định là tốt và giúp ích cho cháu; nhất là khi ta cũng chưa đủ cơ sở để nhận xét rằng những người lạ kia có thực sự xấu và điều cháu đang theo đuổi có thực nguy hại. Khi ta cấm cản trong sự mơ hồ, sẽ chỉ làm mối quan hệ với con rạn nứt.

Nhưng, bên cạnh đời sống tinh thần thì một thanh niên 21 tuổi vẫn có nhiệm vụ chính là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai, kể cả những kỹ năng xã hội và hòa nhập với đời sống gia đình.

Hãy tiếp tục nói chuyện với cháu về những vấn đề trong đời sống hằng ngày bằng sự lắng nghe và hỗ trợ. Việc du học, chị có thể hỏi xem vì sao cháu thấy không phù hợp và cháu dự định thế nào. Hãy củng cố những nguyên tắc sống lành mạnh trong gia đình, giữa ba mẹ - con cái, đề nghị cháu tuân thủ những giới hạn hợp lý đối với một thanh niên 21 tuổi.

Ví dụ: giờ giấc đi về, phép giao tiếp, ứng xử trong gia đình, minh bạch kết quả và kế hoạch học tập, kế hoạch trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng.

Thay vì kiên quyết dẹp bỏ chuyện “sinh hoạt lạ” của con, ba mẹ hãy bảo vệ đời sống lành mạnh của con bằng những nguyên tắc hợp lý, với cách tiếp cận có lý có tình. Đây cũng là cách giúp cháu cân bằng giữa trách nhiệm với bản thân, với tương lai và bất kỳ một mối quan tâm mới lạ nào khác.

Mong chị vững tâm.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Phan Vũ 18-06-2024 07:09:50

    Con trai tôi cũng 21 tuổi chuẩn bị bước sang năm cuối đại học nhưng tôi luôn theo sát việc học tập và bạn bè của cháu, trao đổi hàng ngày về việc học hành cũng như quan điểm cuộc sống thông qua các sự việc cụ thể. Rất có thể vì nghĩ con đã lớn nên chị và chồng không còn để ý đến con hàng ngày trong lối sống bạn bè, đi đâu,chơi với bạn nào, ăn uống ở đâu , quan điểm về cuộc sống khi trò chuyện với cha mẹ và trên mạng xã hội để uốn nắn ngay khi có biểu hiện lệch lạc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI