Con bình thường hay đặc biệt?

15/12/2024 - 06:48

PNO - Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Không học trường này thì trường khác!

Cha mẹ Bi đều từng là du học sinh, tốt nghiệp thạc sĩ ở các trường đại học danh giá, hiện tại công việc kinh doanh rất ổn nhưng sự lo lắng khiến cả hai căng thẳng, cãi vã là việc học hành của cậu bé ở trường. “Trường không trực tiếp khẳng định Bi mắc chứng ADHD (tăng động giảm chú ý) nhưng nhiều lần đưa nhận xét rằng Bi là đứa trẻ có hành vi cư xử thiếu trưởng thành và gợi ý cha mẹ nên cho con tham gia một số trung tâm hỗ trợ đặc biệt.

Thế nhưng gia đình ngần ngại không chỉ vì mức học phí khá cao (1,3 triệu đồng/giờ - 57 triệu đồng/tháng cho 20 buổi luyện tập) mà còn vì không rõ ai sẽ là người luyện tập cùng con, bằng cấp chuyên môn có thực sự đáng tin cậy, chương trình học, phương pháp chơi mà học này có thực sự phù hợp với con mình để có hiệu quả thực sự” - mẹ cậu bé chia sẻ với người thân.

Khi thấy sự ngạc nhiên của người viết về nhận xét “hành vi thiếu trưởng thành” được dành cho một bé trai chưa được 5 tuổi, người mẹ giải thích: “Thiếu trưởng thành là cách dịch thôi, kiểu như Bi không tự làm được những việc đơn giản mà các bạn trong lớp thường làm như mang giày, xếp gọn đồ chơi, cũng có khi chạy tới ôm cổ cô hay bạn mà không xin phép; ở nhà thì tranh luận, phản biện với cha mẹ rất nhanh nhạy, nói rất nhiều nhưng có lúc người lớn hỏi lại không trả lời…”.

Cô cũng chia sẻ rằng vợ chồng cô đã nghiên cứu nhiều thông tin, từ nhiều nguồn và biết ADHD là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ em. Họ nhiều lần định đưa con đi khám, điều trị tâm lý nhưng ông bà nội ngoại đều gạt đi. Ông ngoại Bi khẳng định: “Trẻ con ham chơi, gọi không thưa là chuyện thường. Nhà toàn người lớn, mấy việc dọn dẹp đồ chơi, mang giúp con đôi giày có gì mà phải làm quá lên! Người lớn cũng lơ đễnh, công việc lộn xộn, chính anh chị cũng làm mất chìa khóa, ví, kính... rồi tìm loạn lên. Thằng bé chẳng sao cả, không phải vẽ chuyện học thêm lớp này lớp kia bắt nó chạy sô cho mệt. Cứ để nó chơi thỏa thích”.

Khi con rể cho biết trường có thể từ chối nhận nếu thái độ và hành vi ứng xử của Bi không được cải thiện, ông ngoại nổi giận: “Không trường này thì trường khác, học phí mấy trăm triệu đồng 1 năm mà phàn nàn coi cháu tôi như công dân hạng hai! Nó mà trưởng thành rồi thì cần trường học để làm gì!”.

Giữa vòng xoáy nhà trường - thầy cô - trung tâm giáo dục đặc biệt - cha mẹ - ông bà, Bi vẫn không được đưa đi khám, không ai quyết liệt tìm câu trả lời rõ ràng và chính xác cho sức khỏe tinh thần của cậu nhóc ở các bệnh viện chuyên khoa. Tất cả chỉ là “nghe nói”, “có thể là”… nên Bi thực sự có mắc chứng ADHD hay chỉ là do quá được cưng chiều vẫn là một dấu chấm hỏi.

Con tôi đặc biệt!

Khác với trẻ mầm non hay tiểu học thường được cưng chiều, khi vào THCS và lên đến THPT, xu hướng phản ứng của phụ huynh trước thông tin về tình hình học tập, hạnh kiểm của con ở trường được tách nhóm rất rõ.

Nhóm thứ nhất là các bà mẹ kangaroo (luôn muốn bảo bọc con) hay cha mẹ trực thăng (luôn “rà rà trên đầu”, theo con từng bước) luôn có niềm tin mãnh liệt rằng con mình ngoan ngoãn, cố gắng học tập. Nhóm thứ hai (phần đông là các ông bố) không theo sát như nhóm 1, phó mặc con cho trường nhưng cũng coi việc học hành của con quan trọng như giữ mặt mũi cho mình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cả 2 nhóm này khi nghe thầy cô phàn nàn về những điểm chưa tốt của con (nhận phiếu báo điểm với vài “con ngỗng”, “cây gậy”; hút thuốc; đánh bạn…) lập tức can thiệp quyết liệt, áp dụng đủ mọi biện pháp, từ buộc con thay đổi phương pháp học, trung tâm học, lớp học, thầy cô dạy kèm tại nhà, tăng cường giờ học… đến cấp tập bổ sung dinh dưỡng cho con và đưa con đi… chữa lành! Động thái tăng áp lực này có kết quả khả quan hay gây hậu quả nghiêm trọng, trước tình hình những vụ tự sát thương tâm, số lượng trẻ trầm cảm tăng lên, người lớn dè dặt hơn khi đưa ra câu trả lời.

Nhưng cũng có phần giống câu chuyện thứ nhất, việc tìm kiếm câu trả lời chính xác cho nguyên nhân dẫn đến sự sút kém trong học tập hay hành xử không chuẩn mực của con không được cha mẹ bình tĩnh, nghiêm túc đặt ra và thực hiện rốt ráo. Do sức khỏe hay nguyên nhân khách quan nào khác, tất cả đều cần câu trả lời chính xác, đáng tin cậy từ những nhà khoa học, các bác sĩ chứ không phải phán đoán từ các tư vấn viên tự phong chức danh, tự soạn tài liệu, chăm chăm gửi báo giá các khóa học hỗ trợ đặc biệt hoặc “chữa lành”.

“Chúng ta cần lưu ý rằng sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ không đột nhiên diễn ra nên nếu chỉ khi nhìn thấy kết quả điểm số hay thông báo của nhà trường, thầy cô (thậm chí chỉ khi trẻ vi phạm pháp luật - trộm cắp hay dùng chất cấm), cha mẹ mới “té ngửa” hay “nhảy dựng” lên, có nghĩa là cha mẹ không thực sự quan tâm và nuôi dạy con đúng cách” - chị Bích T. - một chuyên gia giáo dục trẻ đặc biệt - khẳng định. Cũng theo chị, các biểu hiện chứng ADHD hầu như lộ rõ từ khi trẻ 4 tuổi. Cũng có những trường hợp trẻ học đến trung học mới được xác định rõ. Thực sự xót xa nếu suốt thời gian chưa được xác định, trẻ không được quan tâm và công nhận là một đứa trẻ đặc biệt, thường xuyên bị trách phạt hay coi như “thiếu trưởng thành”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đáng cho những ông bố bà mẹ thuộc 2 nhóm phụ huynh trên tham khảo là các phương pháp nuôi dạy con thuộc nhóm thứ ba.

“Từ khi con tôi vào lớp Một, bác sĩ đã chẩn đoán bé mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng stress thị giác. Mắt bé hoàn toàn bình thường nhưng não gặp vấn đề khi xử lý thông tin thị giác. Chứng này khiến khả năng đọc của bé rất hạn chế, thường bỏ qua các từ, đánh vần sai. Mà đã đọc sai, khả năng viết chính tả cũng sẽ rất tệ khi trật tự các chữ cái trong một từ bị đảo lộn. Tôi cố gắng để con tin rằng dù có chút khác biệt so với bạn bè, con vẫn có năng khiếu âm nhạc và khả năng ghi nhớ hình ảnh tuyệt vời.

Gần tết, cả nhà đi chơi chợ hoa, tôi chỉ cho con những chậu hoa giấy, mai chiếu thủy... muôn hình dạng và đều nở hoa rất rực rỡ, rất thơm. Con người cũng như cây, dù khác biệt nhưng theo cách của mình mà lớn lên, có ích.

Dù vậy, không phải thầy cô nào cũng hiểu và thông cảm cho cháu. Tôi luôn trao đổi nhẹ nhàng với nhà trường để thầy cô chú ý tới con một cách thích hợp. Cũng có lần tôi phải chuyển trường, đổi lớp cho con trong nước mắt nhưng cứ ở bên con là tôi rất bình tĩnh. Tôi hiểu khi con mình khác biệt, cách hành xử của mình lại thiếu kiểm soát, nóng giận thì mọi người càng khó chấp nhận sự khác biệt của con, con sẽ mất niềm tin vào bản thân, mà niềm tin ấy là điều sống còn ở trẻ.

Dù đến giờ bé vẫn có những điểm 2-3, thậm chí với môn tiếng Anh, nghe rất tốt, phát âm chuẩn nhưng điểm viết rất thấp, mẹ con tôi luôn kiên trì và tin rằng khi lớn lên, con sẽ có một công việc phù hợp, sẽ có cuộc sống của một người bình thường” - một người mẹ chia sẻ.

Người mẹ này đã nói rằng cùng con lớn lên, tạo mọi điều kiện để con là một người bình thường, độc lập, sống lương thiện, có ích là mong muốn lớn nhất của chị và nhiều người bạn thuộc nhóm thứ ba - rất đáng mừng là ngày càng đông, thay vì trước đây luôn kỳ vọng con mình thông minh, vượt trội.

Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

L.L.A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI