Con bị ba mẹ đối xử bất công

08/04/2024 - 21:23

PNO - Cháu đừng để mình chìm vào mặc cảm tự ti, thua thiệt giận hờn, dẫn đến những hành động nông nổi.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu năm nay 14 tuổi. Cháu đang thấy hết sức buồn tủi vì cách đối xử của ba mẹ với chị em cháu. Cháu là đứa trẻ bất hạnh, sinh ra với một khuyết tật (vết chàm lớn) trên mặt. Cháu lớn lên trong sự hắt hủi của cả nhà. Ông bà nội và ba mẹ rất ghét cháu, họ nói rằng người ta dè bỉu ba mẹ làm gì đó sai mới sinh ra con như vậy.

Trong khi đó, em gái cháu lại rất xinh đẹp. Em thua cháu 2 tuổi, cao ráo, trắng trẻo và xinh như búp bê. Từ nhỏ, cháu đã nghe cả nhà nói rằng nó là món quà ông trời bù cho ba mẹ cháu.

Càng lớn, cháu càng nhận thấy rõ sự phân biệt đối xử của ba mẹ với hai chị em. Trong khi cháu phải làm hết việc nhà, thì em cháu không bao giờ phải động tay vào bất cứ việc gì. Trong nhà có gì đẹp, ngon thì em cháu được ưu tiên, còn cháu chỉ được những thứ em chê.

Ba mẹ luôn nói rằng cháu phải nhường em, nhưng cháu biết đó không phải là lý do thật sự. Tất cả là vì cháu xấu, vì cháu khuyết tật, và cháu làm cho bố mẹ nghĩ rằng họ sống sao đó mới đẻ ra đứa con khuyết tật.

Cháu không ghét em, nhưng cách bố mẹ cháu cư xử khiến em cháu ghét cháu, coi thường cháu. Nếu có gì không hài lòng là em ấy ném đồ vào người cháu. Nó thích gì của cháu mà cháu không đưa, là sẽ tìm cách phá nát món đồ đó.

Mới đây, gia đình cháu được mời đi đám cưới anh họ, nhưng bố mẹ chỉ dẫn em cháu đi, để cháu ở nhà với cơm nguội và chút canh. Chắc họ sợ xấu hổ với họ hàng.

Ở nhà buồn, nên cháu đi uống trà sữa với bạn bè, rồi karaoke. Khi cả nhà về không có chìa khóa vào nhà, nên khi cháu về, mẹ đã tát cháu trước mặt hàng xóm, và đuổi cháu "muốn đi đâu thì đi đi".

May mấy chú bảo vệ chung cư cho cháu vào phòng trực ngủ nhờ. Nhưng bố mẹ cháu cũng không thèm kiếm cháu, không để cửa cho cháu vào nhà. Đến sáng nay, chú tổ trưởng đưa cháu lên nhà, bố mẹ lại nói là cháu bị mắng và tự bỏ đi chứ họ không đuổi.

Bây giờ cháu rất muốn ra khỏi nhà, không muốn sống với bố mẹ và em cháu nữa. Nhưng cháu không biết đi đâu, làm gì để sống. Cháu muốn kiếm tiền, rồi đi sửa vết chàm trên mặt, làm lại nhan sắc. Khi xinh đẹp rồi cháu sẽ trở về nhà cho ba mẹ cháu phải hối hận.

Xin cô Hạnh Dung cho biết cháu có thể xin việc làm, hay xin vào sống ở trại trẻ nào đó không ạ? Cuộc sống này với cháu là địa ngục, xin cô giúp cháu.

Cháu gái bất hạnh

Cháu gái thân mến,

Người ta thường bảo rằng "Con nào cũng là con", ý là hễ con thì thương thôi, không phân biệt con nào cả. Và cô cũng nghĩ như vậy. Sâu thẳm trong trái tim của những người làm cha mẹ, con mình sinh ra, thì chắc chắn sẽ dành mọi yêu thương cho nó.

Thế nhưng, biểu hiện ra ngoài, trong cách đối xử của cha mẹ với các con thì sẽ có những điều phân biệt, như biểu hiện của yêu - ghét, là do cảm tính của họ mà thôi, cháu ạ.

Có cha mẹ thì cưng chiều những đứa con thiệt thòi, xấu xí hơn, nhưng cũng có người lại cưng chiều những đứa xinh đẹp, giỏi giang hơn.

Có điều còn lạ hơn nữa, mà qua thời gian, cô nhận ra, là nhiều khi những đứa con hư lại được mẹ thương hơn, xót hơn. Và có cả những gia đình cho rằng những đứa trẻ có chút khiếm khuyết về hình thể hay trí tuệ, thì vô cùng đáng thương, vì nó gánh nghiệp cho cả nhà...

Nói tóm lại, mọi chuyện hoàn toàn phụ thuộc vào lý trí và cảm xúc của những ông bố, bà mẹ mà không có một nguyên tắc nào cả. Vì thế mà những yêu ghét, thiên vị, cũng đều có thể thay đổi theo thời gian, theo sự kiện và theo sự nỗ lực của cả "hai bên".

Từ phía cháu, cô nghĩ cháu đừng để mình chìm vào mặc cảm tự ti, thua thiệt giận hờn, dẫn đến những hành động nông nổi. Hãy cố gắng bù vào khiếm khuyết nhỏ của mình bằng việc nổi trội trong học hành, trong những hoạt động xã hội, trong việc trau dồi khả năng của mình.

Sự vượt trội và những thành tích đó sẽ khiến ba mẹ phải thay đổi cách nhìn về cháu. Nhưng quan trọng hơn là sự tự tin, sôi nổi, vui vẻ của cháu sẽ khiến mọi người nhìn cháu bằng con mắt tích cực, bỏ qua những khiếm khuyết nhỏ kia.

Bên cạnh đó, cháu cũng có thể trò chuyện với ba mẹ về cảm xúc của mình, sự tủi thân, buồn tủi và suy nghĩ của cháu, để ba mẹ hiểu cháu bị tổn thương thế nào.

Việc cháu mong muốn sau này có tiền để chỉnh sửa khuyết điểm của mình, theo cô là một suy nghĩ rất hay. Cháu hãy thử tìm hiểu về việc này, xem có khả năng làm điều đó càng sớm càng tốt hay không. Cô nghĩ nếu cháu có những thông tin chính xác, chắc ba mẹ sẽ sẵn sàng giúp cháu.

Việc cháu muốn bỏ nhà ra đi, muốn vào trại trẻ... theo cô là không nên. Năm nay cháu đã 14 tuổi, chỉ thêm vài năm nỗ lực tập trung vào học tập, phấn đấu là cháu đã có thể tự lập được để lo cho mình. Dù có bị một chút thiệt thòi trong việc đối xử của cha mẹ, nhưng không ở đâu cháu được an toàn và đầy đủ như ở nhà mình.

Hãy cố gắng sử dụng thời gian còn được chăm sóc, nuôi dạy một cách bình an này để tích lũy những sức mạnh, khả năng của mình, để mai này có thể bước vào cuộc sống một cách tự tin cháu nhé!

Tương lai luôn là của cháu nếu cháu tự tin làm chủ nó bằng kiến thức, sự hiểu biết và thái độ sống tích cực.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI