Vụ việc đau lòng của gia đình bà A. và cái chết thương tâm của bà vào những ngày đầu năm mới gợi nhớ về rất nhiều vụ án mạng đau lòng từng xảy ra chỉ vì mâu thuẫn do tranh chấp, phân chia đất đai của gia đình. Trong đó, vụ việc kinh hoàng nhất có lẽ là vụ 3 người con gái ở Hưng Yên đổ xăng đốt nhà mẹ ruột khiến bà chết cháy.
Những mất mát từ các vụ án thương tâm liên quan chữ hiếu là không thể bù đắp. Không những nạn nhân trực tiếp chịu đau khổ, mà nó còn để lại vết thương tinh thần sâu sắc cho tất cả người thân trong gia đình cũng như toàn xã hội.
![Con bất hiếu là do cha mẹ "bồi dưỡng" nên? Do mâu thuẫn đất đai, Phan Tấn Sơn đốt nhà của mẹ ruột vào ngày mùng Hai tết, khiến 2 người em gái và người mẹ già 72 tuổi bị phỏng. - Ảnh minh họa](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250208/images/697_ca111.jpg-711738940081.jpg) |
Phan Tấn Sơn đốt nhà của mẹ ruột vào ngày mùng Hai tết, khiến 2 người em gái và người mẹ già 72 tuổi bị phỏng, sau 1 tuần điều trị, người mẹ đã qua đời - Ảnh minh họa |
Do tư tưởng của người Việt từ lâu rằng cha mẹ phải "để của cho con", nhiều người cả đời lam lũ vất vả, chẳng dám ăn dám mặc mà luôn để dành cho con. Nhiều đứa con, không lo làm ăn mà chăm chăm vào tài sản của cha mẹ, có đứa còn mong cha mẹ qua đời sớm để chia của.
Cũng có những người con, giàu có dư ăn dư để, nhưng vẫn dòm ngó tài sản của cha mẹ, luôn sợ cha mẹ sẽ chia cho anh chị em mình phần hơn, và khi cảm thấy bị thiệt thòi, họ sẵn sàng bất chấp đạo đức và pháp luật giẫm đạp lên đạo hiếu làm con.
Có không ít trường hợp cha mẹ thương con, chia đất đai tài sản cho con có vốn làm ăn. Những đứa con sau khi đạt được mục đích liền trở mặt, bất kính với cha mẹ.
Lại có trường hợp, cha mẹ không vội chia tài sản cho con thì đứa con tìm cách bạo hành tinh thần, thể xác cha mẹ cho đến khi đạt được điều mong muốn.
Chúng ta thấy rằng, phần lớn những đứa con luôn muốn tài sản của cha mẹ đa phần chưa bao giờ làm tròn bổn phận con cái. Sự bao bọc quá mức tạo ra những đứa con vô ơn? Đúng vậy, có những đứa con được cha mẹ yêu thương lo lắng, chăm sóc cung phụng đủ đầy, khi cha mẹ chỉ làm trái ý là con sẵn sàng phản ứng, nặng lời.
Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển đi kèm với sự đề cao giá trị vật chất. Không ít kẻ coi tài sản là trên hết, xem cha mẹ như rào cản đối với quyền lợi của bản thân.
Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, con cái bất hiếu là do cha mẹ “bồi dưỡng” mà nên. Cách giáo dục của cha mẹ đã để lại trong tâm con trẻ sự oán trách, ám ảnh, bình thường không dễ biểu hiện ra, chỉ khi chịu sự xung kích mới bộc phát.
Đối với bậc làm cha làm mẹ dù có bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian chăm lo đến mái ấm gia đình của mình, giữ cho gia đình thuận hòa. Việc giáo dục con cái phải quan tâm thường xuyên, con cái phải được học hành đến nơi đến chốn, không để chúng mải mê với các trò chơi bạo lực. Nhất là, cha mẹ phải làm gương cho con cái trong cuộc sống, giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, ông bà mình.
Việc giáo dục về lòng hiếu thảo không thể chỉ dừng lại ở lời nói mà cần được thực hành trong cuộc sống. Cha mẹ cần làm gương cho con cái. Con trẻ cần được dạy về giá trị của tình thân, trách nhiệm và lòng biết ơn.
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” - câu thành ngữ này không phải ám chỉ trực tiếp người mẹ, người bà nuông chiều con cháu, mà sâu xa hơn, đó chính là cách giáo dục con cái trong mỗi gia đình. Nếu như cha mẹ luôn tìm cách gần gũi để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con, trở thành những người “bạn” của con, đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường đời đầy yêu thương, vị tha nhưng nghiêm khắc… biết cách kiềm chế cảm xúc, không dùng bạo lực, những lời mắng chửi mà luôn khôn khéo ứng xử thì chắc chắn những đứa trẻ lớn lên sẽ học được những điều tốt đẹp ấy và trở thành đứa con ngoan, hiểu biết, trưởng thành.
Thanh Vân