Con bắt gặp “cảnh nóng” của cha mẹ

24/09/2021 - 13:01

PNO - Để tránh sự cố con cái chứng kiến chuyện ân ái của cha mẹ, nên vạch ra các ranh giới về quyền riêng tư.

Để tránh sự cố con cái chứng kiến chuyện ân ái của cha mẹ, nên vạch ra các ranh giới về quyền riêng tư. Từ ranh giới về mặt thân thể, đến các ranh giới trong việc tôn trọng quyền lợi, cảm xúc của những người sống chung dưới một mái nhà. 

Bị con phát hiện khi đang làm “chuyện đó”, cha mẹ nào cũng bất ngờ. Có người la mắng con để che giấu nỗi xấu hổ rồi luống cuống “phi tang chứng cứ”. Có người chữa thẹn bằng cách giải thích quanh co. Có người bối rối, sượng ngắt, sợ mất hết “uy tín”. Có người chống chế, “giấu đầu hở đuôi” thậm chí xua đuổi con… 

Tất cả những thái độ hành vi trên chứng tỏ chuyện cha mẹ nghĩ mình làm việc “mờ ám”, liên quan đến cái gì đó bậy bạ, thô tục khiến trẻ thêm tò mò, sợ hãi, hoặc cảm thấy trẻ có lỗi. 

Hậu quả để lại dấu hỏi to tướng trong lòng cả hai phía: Con thì không biết cha mẹ đã làm gì? Cha mẹ thì không rõ con biết chuyện này tới đâu, liệu mình xử trí thế đã ổn chưa?

Thực ra chuyện cha mẹ ôm ấp, hôn nhau không có gì đáng ngại. Hành động âu yếm này xuất hiện nhiều trên ti vi và trong cả các phim hoạt hình. Nhưng chuyện chăn gối thì khác, nếu chỉ hở hang “vùng an toàn” may ra còn “nói giảm nói tránh” được, còn đang trong tình trạng của Adam - Eva thì phải có kỹ năng của… biệt đội phản ứng nhanh. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Xử trong vòng ba nốt nhạc

Việc đã lỡ rồi, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh, đừng đẩy câu chuyện đi xa hơn. Chỉ bằng một cú xoay người nằm sấp xuống, người kia gác chân lên che “khu vực trọng yếu” của người nọ, mất vài giây, trong khi tay kéo mền hoặc gối phủ lên người (ở tình thế ngặt nghèo đó, phải giúp nhau “ngụy trang”).

Bằng thái độ và giọng nói hòa nhã, hãy hỏi con: “Ủa? Sao con không gõ cửa?”, “Sao không gọi ba mẹ?” hoặc: “Có việc gì vậy con?”, “Sao con không tiếp tục chơi/học/ngủ?” nhằm đánh lạc hướng. Con mải tập trung trả lời cha mẹ, sẽ bớt dán mắt vào “hiện trường”.

Nếu cha mẹ “đứng hình”, đơ người ra, có khi người hỏi lại chính là con cái: “Ba mẹ đang làm gì vậy?”, “Tại sao ba đánh mẹ? Sao ba làm mẹ đau?”, “Sao mẹ lại rên? Mẹ đau bụng hả?”… hoặc có khi con mếu máo bật khóc.

Tùy vào lứa tuổi, nhận thức của con, cha mẹ nên có lời giải thích tương xứng. Một bé sáu tháng tuổi nhìn cha mẹ đăm đăm thì không việc gì phải ngại! Với trẻ ba tuổi, chỉ cần nói cha mẹ đang ôm nhau, đang “thương nhau” là đủ.

Ba hôn “moa moa” vào má mẹ, mẹ dụi đầu vào vai ba, cho bé thấy cha mẹ rất hòa thuận, không quên xoa đầu, vuốt tóc, vỗ về con.

Bé 5-7 tuổi lại cần phương án khác: “Cha mẹ đang sinh hoạt riêng, sao con vào đây? Con đã gõ cửa chưa?”. Khi được hỏi như vậy, đứa trẻ sẽ lúng túng và biết mình đang vi phạm chốn riêng tư của cha mẹ.

Câu hỏi này không nhằm đổ lỗi, quy trách nhiệm cho bé mà chỉ giúp bé hiểu mình đã sai khi bất ngờ vào phòng ngủ của người lớn, tự tiện bật đèn trong phòng, để bé biết ý mà “lui ra”, có bé còn sửa sai rất đáng yêu bằng cách chạy ra ngoài gõ cửa trước khi vào lại.

Học sinh cấp II, cấp III đã hiểu chuyện hơn, chúng biết cha mẹ đang ân ái, yêu đương. Một người bố dân chủ chỉ cần hô: “Đằng sau, quay!” như một vị sĩ quan với chú binh nhì, con sẽ nhanh chóng rút quân, cho cha mẹ có không gian riêng.

Có bạn nhỏ còn tế nhị khép cửa lại, với tay tắt đèn phòng ngủ giúp cha mẹ rồi đứng ngoài cửa nói vọng vào: “Lát nữa con xin phép gặp bố ở ngoài này nhé?”, thậm chí còn tiếu lâm: “Mười lăm phút liệu có đủ không ạ?” khiến hai bên cười xòa, cả nhà đều vui.

Ngược lại, cha mẹ phản ứng gay gắt bằng những câu như “cút đi”, “xê ra” thì vợ chồng ngượng ngùng mất vui, mà con cái cũng bẽ bàng, ấm ức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba điều cần nói với con

Hãy tận dụng “dịp may” này để trò chuyện với con cái một cách thẳng thắn, đàng hoàng về giới tính. Bởi cha mẹ không chỉ xử lý tình huống tại trận, mà còn phải giáo dục kiến thức giới tính cho con.

Khi ăn cơm, lúc rửa bát đũa hoặc ngồi vui đùa cùng nhau, cha mẹ khéo léo gợi chuyện với con về sự cố: “Hôm trước sao con tự dưng vào phòng ba mẹ?” rồi hỏi xem con muốn cha mẹ làm gì với con lúc đó.

Qua đó, đo lường được bé đã biết chuyện này đến đâu, có bé quả thật không biết gì, có bé đánh trống lảng, lúng ta lúng túng - chứng tỏ con đã biết mà không tiện nói ra. Cha mẹ nên trò chuyện sâu hơn với con với các nội dung gợi ý sau:

Thứ nhất, điều con nhìn thấy ở cha mẹ là hoạt động vô cùng riêng tư, hợp pháp của đời sống vợ chồng. Từ “riêng tư” nên được nhấn mạnh nhiều lần để đứa trẻ hiểu đây là chuyện kín đáo đồng thời rất thiêng liêng và đáng trân trọng. Đừng “bô bô” kể cho ông bà nội ngoại, cô dì chú bác hay bạn bè.

Điều thứ hai, chuyện ân ái chỉ xảy ra giữa một cặp vợ chồng, là cách hai người biểu đạt tình cảm, xuất phát từ lòng yêu thương và sự tự nguyện. Không phải chuyện cưỡng bức hay trò nghịch dại. Đó là khởi nguồn để những đứa bé và chính con đã được sinh ra.

Điều tiếp theo, nên nhấn mạnh là chuyện này xảy ra tương tự giữa người lớn với trẻ con, giữa trẻ con với nhau là xấu, là phạm pháp.

Điều này rất quan trọng, bởi trên nhiều phương tiện truyền thông, từ “giao hợp”, “ân ái” được quy đổi thành “yêu” (dù có để trong ngoặc kép) dễ khiến trẻ nhầm lẫn về khái niệm.

Khi ai đó dụ dỗ đứa trẻ làm “chuyện ấy”, bé tưởng họ muốn dành tình yêu cho mình, tưởng mình được yêu. Thế mới có chuyện hai anh em nhà kia bắt chước hành động trên phim, dù em gái không thích nhưng thấy anh hai mọi ngày trịch thượng, sai vặt, ký đầu mình… bỗng dưng xin được “yêu” em, liền cho rằng đó là cách anh trai thể hiện tình yêu với mình, mà yêu thì không có tội.

Nên vạch ra ranh giới về quyền riêng tư

Nhiều gia đình ở nhà thuê, sinh hoạt trong không gian chật hẹp, cha mẹ muốn “hành sự” cũng khó vì luôn bị các con “giám sát”.

Tuy nhiên, chuyện phòng the đâu chỉ diễn ra trên giường, trong phòng ngủ, vào ban đêm? Có thể thay đổi và ứng biến để cha mẹ không phải đánh đổi hay bỏ hẳn niềm vui ân ái vì trách nhiệm với con, mặc cho quan hệ vợ chồng lạnh nhạt. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong giai đoạn phải ở nhà cách ly chống dịch, có thể bày trò cho các con chơi ở một gian phòng khác, cha mẹ lui vào góc khuất nào đó trong nhà và làm “một chuyến tốc hành”. Nếu con đã đủ lớn khôn (trẻ ít đến trường như những em bán vé số hay lao động đường phố vẫn hiểu được) hãy nói thẳng rằng cha mẹ cần chợp mắt chừng nửa giờ.

Các con tự chơi với nhau trong khoảng thời gian này và đừng bước vào khu vực của cha mẹ. Cẩn thận thì thêm lớp “hàng rào bảo vệ” như “úp lồng bàn” (trùm chăn) ngay cả khi đã kéo rèm che hoặc ở chỗ kín đáo. Giảm âm lượng giường chiếu bằng cách mở nhạc hoặc bật ti vi.

Cho dù gia cảnh khó khăn đến mức cả nhà chỉ có chiếc giường đôi là nơi sinh hoạt chung của toàn bộ gia đình, tiếp khách, ăn, học và ngủ thì cha mẹ vẫn có thể tìm cách điều các con ra ngồi ở ngoài cửa chơi với nhau, cảnh giới cho cha mẹ “hoạt động bí mật”.

Trẻ con vốn bao dung và quảng đại, thường thì chúng sẽ hiểu và nhường cho cha mẹ chút không gian và thời gian riêng tư. 

Phụ huynh hướng dẫn con làm hẳn một tấm bìa cứng hai mặt, ghi “đừng làm phiền”/ “mời vào” để treo trên tay nắm cửa giống như ở khách sạn. Bọn trẻ được tập dượt trước, chúng treo tấm bảng trên cửa đóng kín hoặc ghim trên vách ngăn, màn ri-đô khi cần học bài hoặc làm việc riêng. Và cha mẹ phải tôn trọng mà không tự ý vào phòng.

Sau khi học được quy tắc, các con sẽ tự hiểu và khi đến phiên cha mẹ cần sự riêng tư, chúng sẽ không “phá đám”.
Để tránh sự cố con cái chứng kiến chuyện ân ái của cha mẹ, nên vạch ra các ranh giới về quyền riêng tư.

Từ ranh giới về mặt thân thể, đến các ranh giới trong việc tôn trọng quyền lợi, cảm xúc của những người sống chung dưới một mái nhà. 

Bác sĩ Lan Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI