Còn bao nhiêu vụ bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện?

06/08/2018 - 11:12

PNO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi tại hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. Trên thực tế số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở Việt Nam không dừng lại ở khoảng 2.000 trường hợp như báo cáo của Bộ LĐTB&XH.

Phó thủ tướng đặt câu hỏi: “Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê, còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?".

Con bao nhieu vu bao hanh, xam hai tre em chua duoc phat hien?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Theo ông Vũ Đức Đam, điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại. Dù được can thiệp, hỗ trợ, nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại đã được nghiêm trị, nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn các em.

Phó thủ tướng cho rằng Điều 90 (Luật Trẻ em) quy định rõ phải xác định người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, tuy nhiên theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH đến nay mới có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh/thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Nghĩa là mới có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai một công việc có thể nói là không khó. Dẫn đến nhiều trường hợp khi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được báo có vụ việc xâm hại trẻ em không biết liên hệ với ai ở cơ sở để xử lý.

Con bao nhieu vu bao hanh, xam hai tre em chua duoc phat hien?
Bị cha dượng xâm hại tình dục, bị mẹ ruột bạo hành, không cho đi học, bé Thạch Thị H. (tỉnh Trà Vinh) may mắn được dì, dượng cưu mang

Được biết, 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...

Một số ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Thái Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI