Còn bao nhiêu ông Năm, bà Thanh trên ghế nghị trường?

14/09/2019 - 06:30

PNO - Những đại biểu dân cử, mà trước, trong lẫn sau khi được cử, họ nào có nghĩ, có làm, có sống vì dân, cho dân.

Ngày 27/8/2019, ông Hồ Văn Năm - Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV. Lý do: “Sức khoẻ không ổn định và hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn”.

Tròn năm trước, cũng vào tháng Tám, ông Năm chính thức tiếp quản vị trí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thay bà Phan Thị Mỹ Thanh - người cũng có đơn xin thôi giữ chức Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, cái đơn cũng nắn nót lý do tương tự: “không đủ sức khoẻ”.

Con bao nhieu ong Nam, ba Thanh tren ghe nghi truong?
Cả ông Hồ Văn Năm lẫn bà Phan Thị Mỹ Thanh đều xin thôi chức Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khi những sai phạm đã quá rõ ràng

Trong hai trường hợp cụ thể này, “sức khoẻ” bị hàm oan, “hoàn cảnh gia đình” bị vạ lây. Cái lý do đơn giản và… trung thực nhất - ít nhất phải được gọi tên và viết ra - chính là không còn đủ tư cách, uy tín, năng lực đảm nhận vai trò đại biểu Quốc hội.

Hệ quả giống nhau thì dĩ nhiên xuất phát - diễn biến nguyên nhân không thể khác.

Những sai phạm “rất nghiêm trọng” xảy ra từ thời bà Thanh còn là giám đốc Sở Công nghiệp, Phó chủ tịch tỉnh và đương nhiên sai luôn cả khi đương chức Phó bí thư tỉnh ủy. Còn ông Năm thì sai từ lúc còn làm phó viện trưởng, lên viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh càng sai, đảm nhận Trưởng ban Nội chính tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội lại tiếp tục sai.

Sai chồng chất mà vẫn cứ vụt vù lên chức.

Tính chất, mức độ và hậu quả của từng loại sai phạm càng cho thấy một tay ông Năm túm gọn cả lưới trời. Một vụ án hiếp dâm trẻ em, ông Năm đã làm sai quy trình, dẫn tới oan sai. Một vụ án nhận hối lộ, ông Năm can thiệp để đình chỉ án. Người đã từng là lãnh đạo ngành tư pháp tỉnh, khi đảm nhiệm vị trí đứng đầu cơ quan nội chính và là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, lại liên tiếp có bút phê đình chỉ, bút phê đồng ý đình chỉ, can thiệp để đình chỉ điều tra, khởi tố nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ngay giữa ban ngày.

Oan sai một con người, trong vụ án hiếp dâm trẻ em (cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đại), cũng là cả cuộc đời của họ, gia đình, người thân của họ tan tác giữa miệng đời, ám ảnh trong oan án.

Bỏ lọt những kẻ đưa - nhận hối lộ, biển thủ, tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là dung chứa, đồng lõa cho cái xấu, cái độc ác vẫy vùng, lây lan trong xã hội.

Vấn đề là, mọi sai phạm cứ nhởn nhơ và tung hê trong vỏ bọc của một công bộc "dân cử". Phiếu vẫn được bầu, các ý kiến cử tri vẫn được lắng nghe, phản ánh, trên nghị trường vẫn dõng dạc lên tiếng. Bản thân đương sự vờ vịt, một tập thể có liên quan, có theo dõi, có nắm bắt cũng vật vờ (trong sự giả vờ?). Chỉ đến khi, sau những kiểm tra các dấu hiệu vi phạm, kết luận có sai phạm, sai phạm rất nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật thì ôi thôi, những khuyết điểm, vi phạm đã đầy ứ.

Giờ thì ngờ ngợ nhận ra rằng, lá phiếu là có thật, những cái tên đề danh lên phiếu cũng có thật, chỉ những “tín nhiệm” của cử tri, hay “chương trình hành động” của ứng cử viên hoặc “cam kết” của các đại biểu được bầu chọn là… tung chảo - thông qua hai trường hợp rõ ràng như bà Thanh, ông Năm.

Những đại biểu dân cử, mà trước, trong lẫn sau khi được cử, họ nào có nghĩ, có làm, có sống vì dân, cho dân.

Còn có bao nhiêu ông Năm, bà Thanh trong những phiên tiếp xúc, trên hàng ghế nghị trường?

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI