Trong màu áo cam, thoạt nhìn, L. không khác những bạn đồng trang lứa 13-14 tuổi là bao. Nhưng bên trong cánh cổng Trường nội trú IVS (trường đầu tiên tại TP.HCM nhận học sinh là thành phần cá biệt và nghiện game có độ tuổi từ lớp 6-12, thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển võ Vovinam và thể thao), L. đang phải tự cứu mình thoát khỏi một thế giới khác.
Game “nhập” chỉ sau thời gian ngắn
L. thừa nhận rằng, với “giới” nghiện game, những câu chuyện như ở đời thực, một “game thủ” đưa tay làm động tác bắn súng vào cha mẹ khi không được đáp ứng nhu cầu, là chuyện bình thường. Hành vi đó gần như trở thành một phản xạ, biểu thị cảm xúc khi game xâm nhập quá sâu vào hành vi “game thủ”.
|
Khoảng 16 giờ mỗi ngày, các em sẽ luyện tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe |
Có thời gian nghiện game khoảng hai năm, bắt đầu từ lớp Sáu, có ngày L. cày game đến 16-17 tiếng. Em cũng từng bỏ học một năm chỉ để chơi game. “Có một sức hút nào đó rất mãnh liệt, buộc em phải chơi. Em không còn biết mọi thứ xung quanh mình. Em không giao tiếp với gia đình, người thân, bạn bè. Nếu có, đó cũng là thứ ngôn ngữ của game, xưng hô bằng tên mà mình hóa vai trong game”, L. nhớ lại.
Lúc nhập học, L. chỉ nặng hơn 40kg, người gầy gò, xanh xao, gần như mất nhận thức về mọi thứ, thậm chí đến việc đổ nước sôi vào mì gói L. cũng không biết làm. L. bị cận từ nhỏ, nhưng ngày càng nặng hơn từ việc chơi game, một bên 8,5 độ, bên còn lại 7,5 độ.
Cùng độ tuổi như L., K. và Kh. cũng phải đang tự cứu mình khỏi thế giới game. K. cho biết sau khoảng một năm làm quen game online, em cũng rơi vào tình trạng không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Thế giới của K. là những gì ở trong game, từ nhân vật cho đến ăn, uống, ngủ… “Không hiểu vì sao em thường xuyên có cảm giác tức giận, mâu thuẫn với cha mẹ, đặc biệt khi bị la, cấm chơi. Em không có thói quen vận động mà thường ngồi một chỗ. Em ít khi ăn cơm chung với gia đình. Em cũng trốn học khoảng nửa năm”, K. nhớ lại.
Còn Kh. quê ở Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, đã vào học tại trường hơn một năm. Em tự tin hơn nhưng khả năng ăn nói vẫn chưa lưu loát. Ban đầu Kh. được bạn rủ rê chơi game, rồi nghiện lúc nào không hay, có khi chơi đến 16-17 tiếng/ngày. Kh. không bỏ học nhưng trở nên khép kín, ít nói và hầu như không giao tiếp với gia đình. Khi bố mẹ Kh. phát hiện em nghiện game thì đã muộn. Gia đình buộc phải đưa Kh. vào TP.HCM để cai.
Việc mất dần nhận thức, ảo tưởng, rối loạn hành vi, ngôn ngữ, ăn cắp, nói dối... là những tác hại dễ nhìn thấy nhất từ các trường hợp nghiện game. Thầy Lê Văn Nhân, giáo viên quản sinh Trường nội trú IVS, cho biết, có trường hợp khi được đưa vào trường không thể nói chuyện do một thời gian dài không giao tiếp với mọi người. Ở nhà, khi muốn ăn gì, cần gì, em này sẽ viết giấy để ra ngoài cửa phòng, chứ không cho người thân tiếp cận suốt 3-4 tháng liền.
Một trường hợp khác, thời gian đầu vào trường, em này chỉ dùng giấy để vẽ bàn phím máy tính, ngồi gõ như đang chơi game và khắc họa lại gần hết những diễn biến trong game. Em luôn tưởng tượng bản thân là nhân vật trong game. Nhiều học sinh của trường đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, ban đầu đều mang những hành vi na ná nhau: muốn được sống trong thế giới của game, được tôn vinh.
Mất 6-7 tháng mới thoát thế giới game
Ông Đặng Lê Anh, phụ trách giáo dục của Trường nội trú IVS, nhận định: “Khi chơi game, các em thường tập trung 100% sự chú ý, trong khi đó điều này khó có được với các hoạt động thường ngày. Chơi game thường sẽ có phần thưởng, thành tích tạo nên sự hưng phấn nhanh chóng, còn việc học lại mất nhiều thời gian, chơi thể thao lại tốn nhiều sức, khó có được cảm giác này. Chính điều này khiến các em bị cuốn, bị trói buộc vào game”.
Theo Trường nội trú IVS, với trẻ nghiện game phải tách ra khỏi môi trường nghiện game, cho hoạt động thể chất trong môi trường có ánh nắng, kết hợp xoa bóp, trị liệu tinh thần. Sau khi cai nghiện, tiếp tục hỗ trợ các em nhận thức, dạy kỹ năng... để tránh việc tái nghiện. |
Theo ông Đặng Lê Anh, điều nguy hại nhất của việc nghiện game online là giết dần, giết mòn con người từ bên trong. Các em không thể trưởng thành một cách bình thường, dẫn tới hành vi, ứng xử sai lệch... Muốn giải quyết vấn đề này, phải đi từ gốc.
Các bạn nghiện game được đưa vào trường thuộc hai nhóm: quá được nuông chiều hoặc phụ huynh không quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như L., sống chung với bà từ nhỏ, được chiều chuộng hết mức, cha mẹ lại ít có thời gian gần gũi.
Phần lớn các bạn được đưa vào trường đều trong diện cưỡng chế. Việc buộc phải dừng chơi game đột ngột khiến các bạn bị ức chế, như phát điên. Do đó, bạn thì gào khóc, có bạn không nói chuyện hoặc tuyệt thực vài ngày. Như K., những ngày đầu, cảm giác bứt rứt không được chơi game khiến em chỉ muốn thu mình lại, hoặc bùng nổ theo một cách nào đó.
Tại Trường nội trú IVS, học sinh học tập, sinh hoạt theo kỷ luật quân đội. Mỗi phòng có 10 học sinh. Các công việc như lau phòng, quét dọn được phân công cụ thể. Quần áo các học sinh tự giặt. Thông thường, trung bình học sinh mất khoảng 6-7 tháng để cai nghiện game, trường hợp nặng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Cuộc đời của K., L. và Kh. bước sang trang mới sau khi cai được game. Các em phát triển về thể chất, tinh thần minh mẫn, kết quả học tập tiến bộ, biết phụ giúp gia đình... Nhưng không phải em nào cũng có cơ hội được viết lại tuổi trẻ của mình kịp thời như trường hợp của H. ở Nghệ An.
Theo Trường nội trú IVS, với trẻ nghiện game phải tách ra khỏi môi trường nghiện game, cho hoạt động thể chất trong môi trường có ánh nắng, kết hợp xoa bóp, trị liệu tinh thần. Sau khi cai nghiện, tiếp tục hỗ trợ các em nhận thức, dạy kỹ năng... để tránh việc tái nghiện.
Thành Lâm