Cơn bão nào rồi cũng qua

24/03/2022 - 06:17

PNO - Những lúc đi chợ, thấy những người đàn bà tần tảo vén khéo, tự nhiên nỗi sợ bão giá êm dần và ai cũng tin rằng, cơn bão nào rồi cũng sẽ qua…

Mấy nay chị Bảy bữa nào ra chợ về cũng than giá cả tăng chóng mặt. Tuần trước cả nhà ngạc nhiên thấy chị lục cái nồi ủ làm sữa chua không biết mua từ hồi nào ra pha sữa bỏ vô hũ, dặn mấy đứa nhỏ từ nay ăn sữa chua nhà làm. Rồi chắc cũng học theo hội chị em, chị “đọc lệnh” cả nhà cắt giảm chi tiêu, từ hạn chế máy lạnh đến tắt mấy bóng điện cầu thang trong nhà. Cả nhà cùng thắt lưng buộc bụng, bắt đầu bằng việc dậy sớm ăn sáng uống cà phê ở nhà thay vì ra ngoài đường kêu tô này ly nọ…

Người tiêu dùng ngày càng phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá”
Người tiêu dùng ngày càng phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá”

Ba bốn bữa sau, nghe xăng tăng giá, anh Bảy chạy xe của chị ra cây xăng đổ đầy bình. Chị Bảy cảm động hết sức, nhưng khi thấy chồng lụi hụi lục lấy cái can nhựa 20 lít đòi chạy ra mua xăng để cất phòng khi tăng giá nữa, chị lật đật cất cái can, lớn giọng: “Ông tính coi mua can xăng này tiết kiệm được mấy đồng? Để trong nhà, con cái còn nhỏ, lỡ tay cháy nhà thì sao? Thôi bỏ đi, người ta sao mình vậy. Tăng giá vầy, chớ có… tăng nữa, tui cũng sống khỏe, không cần ông đi gom xăng!”.

Anh Bảy ngơ ngác, nhưng cũng nghe lời vợ. Chuyện thắt lưng buộc bụng, mấy bà có kinh nghiệm hơn. Cuộc bão giá này vần vũ xám trời, giá cả vật dụng từ giá xăng dầu, giá vàng đến con cá bó rau, chai dầu ăn, chai nước mắm đều lên bờ xuống ruộng.

Trong bụng mình lo lắng một phần, đọc tin tức, đọc mạng, nghe mấy bà bạn chép miệng, nỗi lo tăng lên tới năm, sáu phần. Nỗi lo nào cũng cần chia sẻ với chồng con, nên các bà nội trợ than vãn như một cách cập nhật tình hình vậy thôi. Nhưng nhìn vào từng gia đình, vẫn thấy các bà các chị có cả trăm cách thu vén. Người đàn bà Việt vốn giỏi chỗ này, cắt giảm, thu xếp, tính tới tính lui, rồi tất cả cũng đâu vào đó. Có chút khó khăn thiệt thòi nào thì mình là người nhịn trước, chồng con không đói đâu mà. 

Không thể tránh khỏi những tác động của bão giá, nhưng phụ nữ có năng lực thiên phú để giữ gia đình yên ổn, an toàn trước cơn bão ấy. Dịch bệnh chưa qua hết, lại chiến tranh, rồi vàng tăng giá, xăng tăng giá… không thể ngăn được những thông tin tiêu cực tràn vào cửa, nhưng trong mỗi nhà, các bà nội trợ đã khởi động cuộc chiến lặng lẽ nhằm đối phó, chống bão.

Đó đôi khi là những biện pháp đã trở thành quen trong suốt thời giãn cách chống dịch: đi chợ theo kỳ, sắp xếp lên kế hoạch bữa ăn một cách hợp lý, tập trung vào nhu yếu phẩm, giảm bớt những chi tiêu chưa thực sự cần thiết.

Đó còn là những kinh nghiệm của thế hệ đã trải qua chiến tranh, thiên tai địch họa: các bà mẹ, ông bà nội ngoại. Thường thấy nhất là sau khi than vãn một hồi, các chị các mẹ sẽ kết luận: “Thôi thì tới đâu tính tới đó, hồi xưa khó khăn giặc giã đến vậy mà rồi vẫn qua, bây giờ nhiêu đây đã nhằm nhò gì!”.

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” - cái chân lý được đúc kết qua thời gian khó giờ nghe như có hơi hướng… đàn bà. Nó nhấn mạnh vào cái khéo, như nói gia đình được no được ấm phần lớn nhờ vào cái khéo của người đàn bà. Mà thực tế là như vậy. Tiền nhiều chưa chắc được ăn ngon, nhà cao cửa rộng chưa chắc ấm áp. Nền tảng của ấm no là người mẹ, người vợ trong nhà biết quán xuyến, lo lắng miếng ăn giấc ngủ của chồng con. 

Biết có bão thì chuẩn bị mà tránh bão, xứ mình một năm mấy chục cơn bão lận mà! Cơn bão có thể rất đáng sợ trên đường nó tới, mạng xã hội, tin đồn, cả các dự báo nữa, có thể làm cho nó trở nên đáng sợ hơn. Nhưng một khi biết rằng không thể tránh né được, một thái độ “sống chung với bão” có thể làm cho con người bình tĩnh hơn.

Cũng có nhiều cơn bão thực không đáng sợ bằng nỗi lo sợ của con người. Bão thật chưa đến nơi, nhưng nỗi lo lắng, hốt hoảng đã tạo ra một cơn hoảng loạn, vơ vét “chạy bão”, tàn phá cuộc sống bình yên của mình.

Trong cái rủi có cái may, khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh đã là một bước đệm, để những bà nội trợ chuẩn bị một tâm thế bình tĩnh, đối mặt với khó khăn bằng cách tự gỡ ra, giải quyết dần từng việc một, không trông đợi ai đó sẽ đứng ra giải quyết cả gói cho mình.

Ra chợ những ngày này, thấy bóng bão giá thấp thoáng trên gương mặt cả người mua người bán, nhưng họ vẫn cười với nhau, chào mời ấm áp. Cái chợ nhỏ quen thuộc gần nhà, những bà nội trợ vẫn không ai trả giá riết róng để bớt chút tiền con cá bó rau. Họ biết ai cũng khó khăn, không nỡ đẩy cái khó của mình sang người khác. Những lúc đi chợ, thấy những người đàn bà tần tảo vén khéo, tự nhiên nỗi sợ bão giá êm dần và ai cũng tin rằng, cơn bão nào rồi cũng sẽ qua… 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI