"Cơn bão" COVID-19 gia tăng nhanh chóng ở châu Á

05/05/2021 - 05:57

PNO - Sự bùng phát COVID-19 tại Ấn Độ khiến hệ thống y tế của đất nước gần 1,4 tỷ dân này hoàn toàn đổ sụp. Nhiều nước châu Á khác cũng đang chao đảo bởi làn sóng dịch bệnh này.

Một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân COVID-19 tại sân vận động  ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP
Một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân COVID-19 tại sân vận động ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP

Số ca nhiễm mới tăng chóng mặt

Số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh ở các quốc gia đang phát triển tại châu Á. Nepal - nước láng giềng phía bắc Ấn Độ - đã gia tăng chóng mặt số ca nhiễm. Ở phía nam, dù các ca bệnh tăng chậm hơn, nhưng Sri Lanka vẫn là quốc gia xếp thứ năm trong danh sách các nước châu Á bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới trong ngày 2/5. Con số này đã vượt qua kỷ lục 6.700 ca mới/ngày được thiết lập trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên hồi tháng 8/2020. Vào ngày 2/5, Malaysia ghi nhận trung bình có 97 ca mắc mới trên 1 triệu dân trong bảy ngày.

Các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Lào cũng có số ca bệnh tăng bất thường, chủ yếu do xuất hiện nhiều biến thể vi-rút dễ lây lan hơn, gây ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống y tế. Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Lào đã phải tìm sự trợ giúp quốc tế, nhất là từ Việt Nam, về trang thiết bị y tế, vật tư và năng lực điều trị khi các ca bệnh tăng gấp hơn 200 lần trong một tháng. Lệnh phong tỏa đã được ban hành ở thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh lân cận. 

Cơ sở y tế của Thái Lan cũng đang chịu áp lực cao khi số người nhiễm hằng ngày tăng kỷ lục. Các bệnh viện ở Nepal - quốc gia được xác định bị lây nhiễm vi-rút từ Ấn Độ - đã quá tải và cạn kiệt nguồn cung cấp ô-xy. Một số đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với đợt COVID-19 đầu tiên.

Yêu cầu vắc-xin khẩn cấp cho nước nghèo

Những diễn biến mới nhất càng cho thấy tính cấp thiết của việc cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo. Hans Kluge - Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - nói: “Tình trạng như Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đây là một thách thức lớn”. Về ca nhiễm mới ghi nhận trong tháng Ba so với tháng trước, Lào đứng ở vị trí đầu tiên với mức tăng 22.000%, tiếp theo là Nepal và Thái Lan, đều có số ca tăng vọt hơn 1.000%. Vị trí cao trong danh sách là Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia và Fiji với sự bùng phát ở tốc độ ba con số. 

“Tất cả các quốc gia đều có nguy cơ bùng phát dịch. COVID-19 sẽ vẫn là nguy cơ đối với tất cả các quốc gia trong tương lai gần” - David Heymann, giáo sư dịch tễ học Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), cho biết.

Theo Ali Mokdad - Giám đốc chiến lược về sức khỏe dân số, Đại học Washington, Mỹ) - tình hình hiện nay là “rất nghiêm trọng”. Các biến thể mới sẽ đòi hỏi các loại vắc-xin mới cho ngay cả những người đã được tiêm chủng trước đó. Tình trạng khó khăn về kinh tế của các nước nghèo khiến cuộc chiến chống dịch bệnh càng trở nên nan giải.

Lo ngại tác động tiêu cực của việc phong tỏa xã hội đối với nền kinh tế, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chọn giải pháp “không đóng cửa, không giới nghiêm quốc gia”, thay vào đó là tập trung vào việc tăng cường các biện pháp xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Hai loại vắc xin được phân phối ở Thái Lan cho đến nay là Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca. 

Campuchia ghi nhận 841 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 3/5, là số ca nhiễm/ngày cao thứ hai kể từ đầu dịch đến nay. Quốc gia hơn 16 triệu dân này hiện có 15.361 ca mắc COVID-19 và 106 trường hợp tử vong. Thủ đô Phnom Penh đang là “vùng đỏ” với nguy cơ bùng phát dịch cao. Campuchia đã nhận được hơn bốn triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua hình thức tặng và bán từ Trung Quốc. Khoảng 1,4 triệu người gồm dân thường và quân nhân đã được tiêm chủng. 

Nam Anh (theo Statista, Japan Times, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI