Con bán hàng online, vợ chồng căng thẳng

29/01/2022 - 12:13

PNO - Ngay từ khi là sinh viên, con gái đã không có ý định vào làm cơ quan nhà nước mà muốn tự mình kinh doanh, tạo thương hiệu riêng. Tôi nghĩ con đang đi đúng hướng nhưng chồng thì không.

Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cuối cùng con gái tôi cũng nhận được tấm bằng tốt nghiệp đại học. Tưởng rằng, con học xong, gánh nặng trên vai sẽ nhẹ bớt, nào ngờ không khí gia đình càng căng thẳng.

Con gái chọn khởi nghiệp bằng cách bán hàng online chứ không xin đi làm ở công ty. Ảnh minh họa
Con gái chọn khởi nghiệp bằng cách bán hàng online (Ảnh minh họa)

Chồng tôi là một người cầu toàn. Làm cơ quan nhà nước, anh thường kể về con cái của bạn bè thành đạt, tìm được việc làm ngay từ khi còn là sinh viên với mức lương đáng ngưỡng mộ.

Tôi lại nghĩ, mỗi đứa có một đam mê, sở trường riêng, không thể lấy con người ta ra làm chuẩn mực cho con mình. Anh trách tôi chậm tiến, lạc hậu, suy nghĩ như vậy khó mà khá lên được.

Nhưng thực tế, mỗi cái tên anh kể đều có nền tảng vững chắc, được đầu tư học hành bài bản từ nhỏ và cơ bản có tư chất do ba mẹ là doanh nhân thành đạt. Còn vợ chồng tôi chỉ làm việc bình thường, học hành không có gì xuất sắc thì làm sao đòi hỏi cao ở con.

Trong đợt dịch lần thứ 4, chúng tôi đã khuyên con gái về nhà cho an toàn. Con năng động, không chịu ngồi yên mà tìm cách kiếm tiền. Con tự làm bánh cộng thêm kinh nghiệm pha chế sau mấy năm đi làm thêm thời sinh viên để bán đồ ăn online.

Thời gian dịch bệnh, nhiều quán đóng cửa nên con bán rất chạy hàng. Có đợt con nhập khẩu trang, nước sát khuẩn về bán cũng đắt hàng.

Tôi ủng hộ con bán hàng online kiếm tiến chân chính. Nhưng chồng tôi lại khác, anh thấy xấu hổ khi con gái tốt nghiệp đại học mà lại bán hàng online. Mỗi lần về nhà, thấy con cắm cúi nấu nướng để bán, anh lại hằn học: “Cho ăn học tốn tiền, giờ lại buôn thúng bán bưng, nếu vậy học xong cấp ba làm luôn cho khỏe, cần gì trình độ đại học”.

Con gái giải thích, con học chuyên ngành thương mại điện tử nên bán hàng online cũng là cách thử nghiệm những gì đã học được nhưng anh không nghe. Anh cấm con không được “tag” Facebook của mình vào những bài đăng quảng cáo bán hàng. Anh muốn con tìm chỗ làm hợp đồng để chờ cơ hội vào biên chế, nếu ai hỏi làm ở đâu cũng có cái để trả lời “làm ở cơ quan X, công ty Y”.

Nhưng con gái không chịu vì nghĩ đến cảnh “rót trà pha nước”, “làm chân giúp việc” không lương phí thời gian mà không tích lũy được kinh nghiệm gì.

Chính vì quan điểm trái ngược nhau nên không khí gia đình rất căng thẳng, thậm chí vợ chồng tôi còn xảy ra cãi vã. Tôi từng phân tích cho anh hiểu, giữa lúc khó khăn, con biết cách kiếm tiền để tự chi tiêu là đáng mừng, nên khuyến khích thay vì ngăn cản. Có quan trọng gì khi khoe con làm chỗ này chỗ kia, quần áo phẳng phiu nhưng công việc áp lực, lương bổng thấp.

Ngay từ khi là sinh viên, con gái đã muốn tự mình kinh doanh, tạo thương hiệu riêng. Tôi nghĩ con đang đi đúng hướng dù bắt đầu sẽ rất vất vả.

Bất đồng về quan điểm khi con bán hàng online khiến vợ chồng tôi cãi vã. Ảnh minh họa
Bất đồng về quan điểm khi con bán hàng online khiến vợ chồng tôi cãi vã (Ảnh minh họa)

Gần tết, chồng than thở vì khoản tiền thưởng thường niên đã bị cắt giảm, không biết có đủ chi tiêu không. Thấy vậy, con gái bảo: "Tết này con sẽ lo sắm sửa cho gia đình, ba đừng lo".

Anh mỉa mai con: “Bán được mấy đồng bạc lẻ mà đòi lo tết cho cả nhà, còn non xanh lắm con”. Nhưng anh bất ngờ khi con đưa ra cuốn sổ thu chi có con số lợi nhuận tăng theo từng tháng.

Những tháng cận tết, con mạnh dạn nhập nhiều hàng về bán, khách hàng đặt mua rất đông. Lúc này, chồng tôi mới bớt thành kiến, dù chưa tỏ ra ủng hộ nhưng cũng không cằn nhằn nữa. Anh còn đi ship cho con những khi hệ thống giao hàng quá tải.

Tôi nghĩ, hai vợ chồng quá an phận với công việc hiện tại nên cuộc sống cũng vừa đủ chứ không dư giả gì. Đến lượt con, cần khuyến khích con mạnh dạn theo đuổi ước mơ để khẳng định bản thân. Chẳng có việc gì kiếm tiền chính đáng mà phải xấu hổ cả.

Hằng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI