Con anh, con em, con chúng ta, Tết này sẽ được về cùng một nhà

21/01/2023 - 17:00

PNO - Làm cha mẹ kế là điều không dễ dàng nhưng nếu thận trọng và kiên trì, các bạn có thể bảo vệ các con khỏi những tổn thương.

Chị Hạnh Dung ơi,

Chúng tôi đến với nhau sau khi cả hai đều đã trải qua những chuyện buồn, dang dở. Tôi có một đứa con trai với người yêu cũ nhưng không kết hôn. Cháu năm nay đã 9 tuổi và mẹ con không bao giờ xa nhau nửa bước.

Tôi quen biết anh thông qua ứng dụng hẹn hò trên mạng. Ban đầu cũng chỉ nghĩ làm bạn cho đỡ cô đơn. Nhưng khi tiếp xúc, dần dần chúng tôi nhận ra cả hai giống như sinh ra là dành cho nhau. Chỉ có điều éo le là chúng tôi gặp nhau quá muộn màng.

Anh cũng đã ly dị vợ được 7 năm. Hai đứa con gái của anh ban đầu ở với mẹ. Nhưng từ khi vợ cũ đi bước nữa cách đây hơn 2 năm, anh đã thu xếp cho các con về ở hẳn với ông bà nội.

Chúng tôi quyết định cưới nhau vào đầu năm 2020 và 6 tháng sau, tôi đã sinh em né. Con chung của tôi và anh là một cậu con trai bụ bẫm, giống bố như đúc. Chúng tôi ở riêng cùng con trai đầu của tôi.

Về chuyện này, chúng tôi cũng đã khổ sở gần 2 năm qua, sau khi dọn về sống chung. Dù rằng anh hết mực yêu thương và chăm sóc hai đứa con, nhưng con trai riêng của tôi đã lớn và tỏ ra khá khó chịu vì trước giờ đã quen một mẹ, một con.

Tết năm nay là cái Tết thoát hẳn bóng dịch bệnh. Từ Giáng sinh anh đã bàn với tôi sẽ mang hai con gái về sống chung luôn. Tuy đồng ý ngay, nhưng thú thật trong thâm tâm, tôi vẫn có điều gì đó e ngại. Nhất là chuyện phải giáp mặt vợ cũ của anh cũng như chuyện con trai riêng của tôi.

Chúng tôi vẫn thường xuyên qua thăm ông bà nội và dẫn hai con gái riêng của anh đi chơi. Những cuộc đoàn tụ đó chóng qua thì có vẻ vẫn vui, nhưng sống chung thì là chuyện phức tạp khác. Chúng tôi cần lời khuyên để chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Cảm ơn chị Hạnh Dung.

Trần Thị Đài Trang (TPHCM)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Chào Đài Trang,

Có thể nói, cả hai vợ chồng bạn đều đang là cha mẹ kế và rất bối rối trước câu hỏi làm thế nào để tạo ra sự hòa hợp giữa con anh, con em và con của chúng ta. Sắp tới, các bạn sẽ bước vào cuộc sống của một “gia đình hỗn hợp” và đúng như bạn lo lắng, ở đó luôn tồn tại những thách thức phức tạp ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân.

Thế nhưng, đừng vì khó khăn mà dễ quên rằng bạn và chồng đều có bổn phận và khả năng ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống mới này. Các bạn có nghĩa vụ tạo cho những đứa trẻ một môi trường giúp chúng trưởng thành tốt nhất.

Trẻ em nào cũng cần tình yêu và sự tôn trọng hơn bất cứ điều gì. Làm cha mẹ kế là điều không dễ dàng nhưng nếu thận trọng và kiên trì, các bạn có thể bảo vệ bản thân và con cái khỏi những tổn thương có thể xảy ra trong một “gia đình hỗn hợp”. Những lời khuyên này vì thế không chỉ dành cho bạn, mà còn cho cả anh ấy, nhất là cậu con trai riêng đang rất “khó ở” của bạn.

Một trong những bước đầu tiên để thu hẹp khoảng cách giữa thành viên trong ngôi nhà đặc biệt này, là hết sức tế nhị trong việc khen, thưởng nhằm khích lệ hoặc dạy dỗ các con.

Kế đến, đối với con riêng, khi bạn hoặc chồng cố gắng nói và làm những điều đúng đắn để được bọn trẻ ghi nhận, khen ngợi, chúng ta sẽ có nguy cơ nhanh chóng thất vọng và không còn động lực để thực hiện nữa. Bởi các con đôi khi rất hồn nhiên hời hợt, bạn nên lưu ý điều này.

Tương lai hạnh phúc của các con hoàn toàn phụ thuộc vào những nỗ lực vun xới của cha mẹ kế. Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự vun xới ấy vẫn là tình yêu. Phần thưởng của cha mẹ kế sẽ là sự thay đổi của các con, qua từng ngày gần gũi nhau.

Một vai trò nữa hết sức cần thiết, cha mẹ kế phải là người hòa giải trong cuộc sống mà mọi thứ đang trở nên lộn xộn giữa đứa trẻ và cha mẹ ruột. Dĩ nhiên, muốn làm được điều này, phải hết sức lắng nghe.

Còn hơn cả cuộc sống bình thường, “gia đình hỗn hợp” càng tối kỵ chuyện tranh cãi giữa cha mẹ ruột và cha mẹ kế. Hãy thật kềm chế bản thân khi tức giận, để tránh hoàn toàn chuyện không hay trước mặt các con.

Trong tiềm thức, con trẻ luôn nhận ra sự khác biệt giữa cha mẹ ruột và cha mẹ kế. Do đó, đừng bao giờ cho các con nghĩ rằng có những “giới tuyến” rằng kia là cha tôi, này là mẹ tôi, con tôi hoặc đây là cha mẹ của em bé chung… Đây là vấn đề phổ biến với các “gia đình hỗn hợp”.

Hai bạn cần xóa bỏ ngay các lằn ranh đó giữa các thành viên trong gia đình, ngay cả trong cách xưng hô. Điều này mang đến một lối suy nghĩ và tinh thần sống liền mạch cho các con.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Có một quy tắc mang lại sự gắn bó cho các con trong “gia đình hỗn hợp”, là thường xuyên đề cập đến cha, mẹ của chúng theo cách tích cực. Ví dụ, tạo mọi điều kiện để trẻ dễ dàng gọi cho cha mẹ ruột của chúng, và cho trẻ thấy rằng các bạn hoàn toàn thân thiện với cha hoặc mẹ của đứa trẻ. Trong trường hợp của bạn, đừng ngại việc vợ cũ của chồng đến thăm con. Điều này giúp xóa đi mọi lằn ranh trong tâm trí của các con chồng.

Một môi trường gia đình ổn định sẽ cho phép trẻ em và thanh thiếu niên hình thành các mối quan hệ tích cực, đáng tin cậy nhằm giúp trẻ phát triển, cảm thấy an toàn và sẵn sàng thành công.

Chúc “gia đình hỗn hợp” của bạn có những ngày Tết thật vui, đầm ấm bên nhau.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI