Còn ai xới cơm bằng đũa cả?

03/03/2022 - 05:49

PNO - Ngày xưa có đôi đũa cả, có những kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào của ông bà, cha mẹ...

Bây giờ hầu như gia đình nào cũng dùng nồi cơm điện. Mua nồi cơm điện luôn kèm theo cái muỗng xới cơm bằng nhựa. Theo thời gian, nồi cơm điện có thể hư, thay nồi mới nhưng cái muỗng xới cơm thì còn xài được hoài, nhà tôi có đến mấy cái. Thế nên, nhiều người trẻ bây giờ không thể nào biết được ngày xưa có đôi đũa cả. 

Gia đình tôi quen gọi “đũa cả” do ba tôi là người Bắc. Tôi đoán, có lẽ do nó là đôi đũa lớn nhất (anh cả) trong các loại đũa. Mẹ tôi là dân Nha Trang, bà gọi đơn giản hơn, là đôi đũa bếp. 

Đũa cả làm bằng đoạn tre bẹt, dài khoảng 30cm, một đầu to hơi bè (bề rộng khoảng 3cm), một đầu nhỏ hơn. Mẹ tôi có đến hai loại đũa bếp. Một đôi dài hơn đôi đũa ăn cơm bình thường, dùng để chiên xào, tránh dầu mỡ bắn vào tay. Đôi đũa ấy bây giờ vẫn thấy trong nhiều gia đình, chưa có dụng cụ nào thay thế.

Loại thứ hai là đũa cả ngoài nhiệm vụ chính là để xới nồi cơm, nó còn dùng trở đầu gắp than hồng (vậy nên đầu này của đôi đũa luôn bị cháy sém đen), để bắc nồi; thậm chí không loại trừ việc bà mẹ đang trong cơn bực tức đứa con vì cái tội nào đó, tiện tay cầm cây đũa cả quất vào mông nó. Tôi nghĩ, nhiều người từng có kỷ niệm bị đòn kiểu này!

Chiếc đũa cả là một trời kỷ niệm với những người sinh sống thời Một ngàn chín trăm (Ảnh minh họa)
Chiếc đũa cả là một trời kỷ niệm với những người sinh sống thời "Một ngàn chín trăm" (Ảnh minh họa)

 

Thế hệ tôi, nói về đôi đũa cả, bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến bữa cơm gia đình đông đủ thường bày ra trên chiếc chiếu. Vị trí từng người cố định. Như mẹ thường ngồi cạnh nồi cơm làm công việc bới cơm cho từng người. Vị trí này gọi là ngồi đầu nồi. Người ngồi đầu nồi phải ăn thong thả, ý tứ quan sát mọi người, ai sắp hết cơm thì dừng ăn và chờ sẵn sàng để bới cơm. Ba có thể ngồi chính giữa, bên đối diện mẹ. Và những đứa con thì tùy, cố định hay thay đổi ngẫu hứng. Nhà có dâu thì con dâu ngồi đầu nồi đối diện với mẹ, để có thể thay mẹ bới cơm, bởi trong bữa ăn mẹ hay đứng lên lấy thêm thứ này, thứ khác. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vì thế. Tôi nghĩ một câu dạy khá hay của người xưa cho đến bây giờ vẫn chưa lạc hậu. 

Ngôi nhà cũ hồi ấy của chúng tôi gồm có nhà trên và nhà dưới, hai nhà được ngăn cách bởi một cái sân khá rộng. Chiều xuống, mẹ còn ở trong bếp thì ba trải chiếc chiếu ra giữa sân. Có lúc ba trải sớm hơn thì mẹ hiểu là ba đang đói bụng, khiến bà phải nhanh tay trong bếp hơn. Mỗi người một việc, đứa lau chén, đứa bê nồi cơm… Loáng cái đã đầy đủ các món trên mâm cơm cùng chén đũa cho từng người. Mở vung nồi cơm bốc khói, đầu tiên là mẹ xới lên cho tơi rồi mẹ bới vào từng chén. Nhà đông con, mẹ bới một lượt, chưa kịp ăn đã có đứa đưa cái chén trống không cho mẹ bới thêm. Có khi sạch nồi mà mẹ chưa có hạt cơm nào vào bụng là bình thường. 

Cơm nấu bằng nồi gang mới ngon. Để có được cơm mềm, dẻo bên trên và miếng cơm cháy giòn, vàng ươm dưới đáy nồi là điều căn bản của việc “biết” nấu cơm. Người vụng về, nấu ra nồi cơm “trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoét”. Mẹ tôi dạy, cơm sống là bởi than trong lò không đủ sức nóng làm chín cơm; khê là do để lửa quá lớn, cơm dưới đáy nồi bị cháy nâu đen, có mùi khét, không ăn được, phải bỏ đi. Bốn bề nhão nhoét là do cho quá nhiều nước. 

Bởi thế, bài học đầu tiên khi vào bếp của người phụ nữ có lẽ là việc nấu cơm. Hồi đó mẹ tôi kỹ lắm, trước khi nấu phải mang gạo ra lượm các tạp chất (nếu có) như bông cỏ, sạn… Thời bao cấp, gạo không ngon, nhiều sạn, mẹ còn làm công việc nhặt sạn trước khi vo hoặc đãi sạn khi vo. Sau đó có thể ngâm gạo một chút cho cơm mềm hay chỉ cần vo sạch rồi để ráo trong rá. Chờ nước sôi mẹ mới đổ gạo vào và phải ngồi ngay bếp canh chừng để nước nồi cơm không bị sôi trào làm tắt bếp, khiến tro bay lên tứ tung. 

Cơm sôi, mẹ lấy đũa cả đảo một vòng rồi hé vung chờ cơm cạn nước. Sau cùng, cời than bên dưới lò tản ra cho đều, lửa nóng vừa đủ chín cơm, đồng thời gắp một ít than hồng để lên nắp nồi cho cơm chín bên trên. Cơm chín, giở vung, lấy đôi đũa bếp xới lên cho cơm chín đều, tơi, ngon. Tôi cam đoan bây giờ khó tìm các cô gái thế hệ từ 8X về sau nấu được nồi cơm cho khéo. Còn nữa, có câu dặn của người xưa: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”, ý rằng vợ chồng phải biết cư xử đúng mực, khôn ngoan, cương thắng nhu, bài học về chữ “nhẫn” trong cuộc sống hôn nhân.

Cơm ngon là hạt cơm tơi, rời, mềm, bên dưới có miếng cháy vàng ươm. Có người thích ăn cơm cháy giòn, vàng sậm, có người thích cơm cháy mềm, vàng nhẹ. Biết ba tôi thích ăn cơm cháy, mẹ xới cho ba chén cơm cuối luôn có miếng cháy nhỏ. Ông cầm miếng cơm cháy chấm với nước cá kho hay thịt kho, nhai giòn rụm trong miệng. Đám con lau nhau đưa chén cho mẹ mong được miếng cơm cháy. Đó là bức tranh chiều bình yên, thân thương quá đỗi của bất cứ gia đình nào.

Tôi tìm trên mạng bây giờ vẫn thấy có bán đũa cả và đũa bếp dài, bằng nhiều chất liệu như gỗ, tre, dừa. Quá lâu rồi, gần nửa thế kỷ, tôi không dùng nó nên thấy không giống như những đôi đũa bếp ngày xưa của mẹ. 

Không biết có phải vì thiếu đôi đũa cả xới cơm mà ngày nay nhiều gia đình không có thói quen xới cơm cho tơi trước khi múc ra chén. Múc muỗng cơm cảm giác như múc một “khối” cơm bỏ vào chén. 

“Anh về bán bộ trã rang/ Bán đôi đũa bếp, cưới nàng có dư”, chợt nhớ hai câu ca dao ngày xửa xưa mẹ tôi hay đọc, bỗng dưng lại thấy thấm thía. Nhớ câu chuyện mẹ kể trong nhà ông Thạch Sùng giàu có, thứ gì cũng có mà thiếu cái mẻ kho nên ông bị mất cả gia tài khi cá cược. Ngày xưa đôi đũa bếp quý giá đến vậy có lẽ muốn nói lên mối gắn kết tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái với bữa cơm ngon mà nồi cơm làm “chủ đạo”. 

Tôi sẽ đặt mua một đôi đũa cả trên mạng để giải thích cho bọn trẻ biết rằng, ngày xưa có đôi đũa cả, để nhớ về những kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào của ông bà, cha mẹ, chẳng thể nào tìm lại được. 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Văn Quốc 08-12-2024 04:39:55

    rất hay, mình là thế hệ trẻ 2x nên không được tiếp xúc với nét văn hoá này nhưng khi tìm hiểu và đọc qua bài của tác giả thì mình thấy rằng việt nam mình cũng có 1 nét văn hoá rất hay mà người trẻ hiện nay đang dần đánh mất

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.