PNO - Qua hơn một năm hoạt động, khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Quận 2 đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ có vấn đề, thậm chí là bị sang chấn tâm lý mà lỗi chính từ hành vi bạo lực của người thân, cha mẹ.
Tiến sĩ Lê Minh Thuận - trưởng khoa - cho biết: “Điều đau xót là nhiều phụ huynh vẫn vô tình, không biết chính mình đã gây vết thương tinh thần cho trẻ. Một lý luận mặc định trong đầu nhiều bậc cha mẹ là: con tôi, tôi có quyền đánh”. Cũng rất may, các vị phụ huynh này đã phát hiện biểu hiện bất thường của con mà đưa đi khám, cuối cùng cũng nhận ra cách hành xử sai lầm của mình để dần khắc phục. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vụ bạo hành trẻ em trong các gia đình từ thể chất đến tinh thần chưa được đưa ra ánh sáng.
Bé trai ở Hà Nội với những vết thương nghi do bị cha ruột đánh
“Tụi con sợ đòn của ba lắm!”
Anh Pha và chị Tấm có ba đứa con, hai trai, một gái. Dù làm nông khá vất vả, nhưng anh chị lo cho các con đi học tử tế. Cuộc sống gia đình khá bình yên nếu không có những trận đòn anh Pha trút lên hai đứa con trai 14 và 12 tuổi. Cái tuổi nghịch ngợm, ham chơi và có đôi chút cứng đầu. Nói đến chuyện này, chị Tấm rơi nước mắt: “Tôi nói ảnh hoài, con trai tới tuổi đó đứa nào không quậy phá. Con làm gì không đúng thì từ từ dạy. Có đánh thì cũng lấy roi quất vô mông nó thôi. Còn đằng này ảnh mà lên cơn giận, là cầm bất cứ thứ gì trên tay đập mấy đứa nhỏ liền. Có khi trúng tay, vai, có khi trúng đầu, trúng cổ… Mà trúng đâu là sưng vù, rướm máu ở đó”.
Có lần, anh đánh Tiền - con trai lớn tới sưng, bầm tím con mắt, chị Tấm phải đưa con đi thành phố khám, chữa mắt. Cháu Tiền nói: “Tụi con sợ ba lắm! Hồi nhỏ, tụi con hay phá. Giờ con hết phá rồi nhưng hay làm hư những chuyện ba dặn. Ba về, thấy không vừa ý là ba đánh liền. Má kêu tụi con chạy trốn mà chạy không kịp”. Sợ có ngày con gặp nguy hiểm tới tính mạng, chị Tấm cầu cứu ba má chồng can ngăn. Nhưng anh Pha nói: “Con tui để tui dạy dỗ, đừng ai bắc thang cho nó leo lên đầu tui”.
Ở gia đình anh chị Bính - Xuân thì đánh đập con tàn nhẫn lại từ tay người mẹ. Chị Xuân chuyên bán đồ trả góp cho công nhân khu công nghiệp, nên thường xuyên ở nhà. Anh Bính là tài xế xe tải nên hay đi vắng. Nhà có con gái lớn 13 tuổi, con trai nhỏ 10 tuổi. Nhưng bị đòn nhiều nhất là Mai - con gái lớn. Mai ở tuổi bắt đầu biết điệu, nên bắt chước bạn bè, xin mẹ mua những món trang sức hay quần áo, giày dép. Con xin gì chị Xuân cũng cho, nhưng Mai không biết giữ gìn, món gì xài vài lần cũng hư, gãy hay mất mát. Vậy là bị đòn. Mà chị Xuân “đã tay thì thôi, cho chừa tật”, chị nói vậy.
Có lần, Mai bị mẹ đánh bầm hết mông, cả tuần không ngồi được. Có khi thì bầm hết bắp chân, không dám mặc váy đi học. Lần mới đây nhất, bé Mai làm mất chiếc nhẫn vàng 18k, bị chị Xuân đánh tới chảy máu rồi nhiễm trùng ở mông, phải uống kháng sinh cả tuần, vết thương mới khép miệng. Khi đánh con, chị như bị lên cơn, người nhà hay bất cứ ai gần đó thấy xót, lên tiếng can ngăn, chị đánh càng dữ. Chị tuyên bố: “Tôi đang dạy con tôi, đừng ai xía vô”. Vậy là mọi người chỉ còn biết đứng nhìn, hoặc lảng đi chỗ khác.
Khi cả cha và mẹ đều xuống đòn với con trẻ, thì quả là bi kịch, như gia đình anh Tuấn, chị Hên. Anh chị có ba đứa con từ 6 đến 15 tuổi, chúng đều coi cha mẹ như hung thần. Đi học điểm thấp, quần áo dính mực, vướng rách, mất học cụ, lén chơi game, đi chơi với bạn quá giờ… là anh, chị nắm tóc con đánh ngay tại chỗ “cho xấu mặt mà chừa tật”. Nhưng với lứa tuổi thơ ngây như các cháu thì chỉ biết trân mình chịu đòn, rồi cũng đâu vào đấy. Bởi ở nhà chúng quá sợ cha mẹ, nên tranh thủ mọi lúc để lén ra khỏi nhà, rồi lại bị đòn và cứ tái đi tái lại cái vòng luẩn quẩn đó.
Tuần trước, bé Hùng lén đi chơi game, sau đó sợ quá không dám về nhà, đi lang thang rồi ngủ ngoài chợ. Hàng xóm thấy vậy đưa về, xin anh chị tha lỗi cho cháu, đừng đánh, để giáo dục, uốn nắn cháu từ từ, nhất là dùng tình thương để giữ chân các con ở nhà, lo học hành, phụ việc nhà, rồi các con sẽ gắn bó với gia đình, không ham chơi lêu lổng. Anh, chị ậm ừ, khi người hàng xóm tốt bụng vừa bước ra khỏi cửa, là bé Hùng bị đập liền một trận tơi bời, gãy luôn cái răng. Hôm sau, cháu xấu hổ bỏ học. Thầy chủ nhiệm phải đến nhà động viên cháu đi học lại.
Bé Đạt (tỉnh Bình Phước) trước khi bị Nguyễn Văn Hải - cha dượng đánh chết vào ngày 27/3/2018 từng nhiều lần bị đòn roi của kẻ này
Hiệu ứng ngược
Thạc sĩ xã hội học Phan Hoài Yến - khoa Y tế công cộng - Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng: “Câu tục ngữ ngày xưa “thương cho roi cho vọt” thật sự đã lỗi thời, khi xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Quyền trẻ em được luật pháp công nhận và nhất là việc giáo dục bằng hình thức đòn roi hay các biện pháp làm nhục cho trẻ sợ, phải vâng lời… đã bị đả kích và loại bỏ khỏi môi trường sư phạm. Thế nhưng trong gia đình, vẫn còn không ít bậc phụ huynh giữ quan niệm xưa cũ đó”.
Bà Yến khuyên rằng, mỗi bậc cha mẹ hãy kề cận bên con để kịp thời hiểu và nhận ra những sai phạm, lỗi lầm của con mà nhắc nhở, giáo dục. Đó mới chính là cách giúp trẻ từng bước chín chắn, trưởng thành, ít mắc sai phạm hơn. Việc thường xuyên sử dụng đòn roi sẽ khiến trẻ lì đòn. Lúc đó xem như đã dùng thuốc quá liều, nên đòn roi không còn hiệu quả nữa. Như thế, chính cha mẹ đã biến con mình thành đứa trẻ lì lợm, khó dạy bảo, kể cả không còn cách gì để uốn nắn. Quan trọng nhất là các con chỉ sợ hãi và đối phó chứ hoàn toàn không phải là kính trọng và yêu thương mà vâng lời cha mẹ.
Nghi Anh
Cần những quy định phù hợp quyền trẻ em
Sau 10 năm triển khai, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã có vị trí vững vàng trong hệ thống pháp lý nói chung. Nhiều quy định của luật đã gắn liền với đời sống. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, một số điều luật đã lỗi thời. Đặc biệt, từ khi Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016 ra đời, một số quy định trong Luật PCBLGĐ không còn phù hợp hiến định cũng như Luật Trẻ em. Đã đến lúc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ trên cơ sở rà soát, tổng kết thi hành luật, phù hợp các quy định pháp luật mới. Trong đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về can thiệp, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, đặc biệt với đối tượng trẻ em là nạn nhân của vấn nạn này. Bởi rất nhiều trường hợp, người gây nguy hại cho trẻ chính là người giám hộ, đại diện hợp pháp của trẻ theo pháp luật. Với những trường hợp đó, sự can thiệp của các cơ quan chức năng phải được luật hóa bằng những quy định cụ thể.
Ngoài ra, theo Luật Trẻ em 2016, nhiều hành vi đánh đập, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể trẻ em đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng ở Luật PCBLGĐ nhiều hành vi vi phạm tương tự vẫn chỉ dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính là chưa phù hợp.
Ông Đặng Hoa Nam
(Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Định khung tăng nặng với hành vi có đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước thực trạng các vụ việc vì tình, vì rượu dẫn đến gây ra thương tích trầm trọng, thậm chí là cái chết cho phụ nữ, trẻ em, vốn là thành viên trong gia đình xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, theo tôi, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGD vô cùng cấp thiết. Chúng ta phải sửa từ các khái niệm, quy định rõ thế nào là thành viên gia đình (thống nhất và chuẩn như Luật Hôn nhân - Gia đình 2014), các hành vi bạo lực…
Quan trọng nhất, cần ghi rõ vào luật những hành vi có đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự như cố ý gây thương tích, hành hạ, ngược đãi người khác, xâm hại trẻ em… gây ra cho chính người thân, thành viên trong gia đình đều phải được định khung tăng nặng. Bởi, bất cứ hành vi nào có nguy cơ xâm phạm, phá vỡ gia đình - tế bào của xã hội, một thiết chế xã hội đặc biệt quan trọng, đều cần được xử lý nghiêm. Việc xác định đây là tình tiết tăng nặng sẽ có giá trị răn đe, giáo dục, là hành lang pháp lý hữu hiệu bảo vệ cái gọi là giềng mối gia đình.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.