Lần đầu tiên chị trở lại nhà sau một năm ở trọ gần công ty. Con đường về quen thuộc có chút nét mới vì vừa được trải nhựa phẳng lì và hoa tết vẫn còn khoe sắc khắp các cổng nhà hai bên đường. Năm nay chị một mình đón xuân ở quê mẹ, anh và các con bên nhà nội.
Sau cuộc điện thoại chúc xuân của bà ngoại hôm mùng Hai, ông bà nội đưa cả nhà sang thăm sui gia, nhờ vậy chị gặp con và anh. Nút thắt rối ren giữa anh chị được tháo gỡ với sự trợ giúp của cha mẹ hai bên. Vì vậy, hôm nay chị về nhà sớm để dọn dẹp tươm tất, hai ngày nữa anh đưa con về sau.
Mấy tháng không có hơi người, nhà lạnh lẽo, bụi phủ khắp nơi. Nhìn quanh không thấy ai, chị nhanh tay gỡ tấm biển rao bán nhà, vò rồi vứt vào thùng rác như phi tang một bằng chứng xấu hổ.
Thấy dáng chị, người hàng xóm mừng rỡ hỏi thăm, dặn đừng nấu nướng gì, “để dành bụng” qua ăn tiệc tân niên. Các con đều đang ở quê chồng, quê vợ nên dì hàng xóm chỉ một mình. Dì thật thà hỏi chuyện hai vợ chồng vì sao bỗng dưng bỏ nhà bỏ cửa khiến con cái phải về nội tá túc. Ban đầu chị rụt rè lẩn tránh, sau thành thật mở lòng. Chị thừa nhận mình có lỗi.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Anh đi làm, con đi học, chị nội trợ và mở tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Có nhiều thời gian rảnh nên chị thường giao tiếp trên mạng xã hội. Không biết bị “bùa mê thuốc lú” gì mà tâm hồn chị luôn đặt ở một người đàn ông quen từ Facebook.
Anh ấy ly hôn, có hai đứa con gái đang tuổi thiếu nữ. Sau khi gia đình đổ vỡ, anh bán nhà, cùng các con dọn về sống với cha mẹ. Câu chuyện không có gì đặc biệt nhưng sao chị cảm giác xốn xang thương người đàn ông ấy. Hai người hẹn gặp nhau và mối quan hệ tiến triển xa hơn, cho đến khi chồng chị phát hiện.
Đợi con cái ngủ say, hai vợ chồng đóng cửa thảo luận. Anh chỉ nghĩ đó là cảm xúc nhất thời, mong chị tỉnh táo suy xét. Anh sẽ bỏ qua. Chị vừa khóc vừa xin lỗi chồng, hứa không bao giờ liên lạc với người đàn ông ấy nữa. Nhưng, chị không giữ lời. Anh không còn giữ bình tĩnh, chửi mắng chị. Chị cũng đáp trả một cách tương xứng. Mối quan hệ vợ chồng đi vào ngõ sâu tăm tối, không ai còn nhận ra lỗi thuộc về ai, không có cách gì tháo gỡ được.
Chị đi. Bởi vì đó là một quyết định đột ngột nên người đàn ông ấy tạm thuê nhà cho hai người. Anh ta hứa sau khi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ sẽ đưa chị về ra mắt bố mẹ. Chị cố quên những rắc rối bỏ lại cho ba cha con, mãn nguyện với hạnh phúc mới, vẽ ra những viễn cảnh tương lai tươi sáng. Người đàn ông không để chị đợi lâu. Sau hai tuần chuẩn bị tâm lý, anh ta hào hứng chở chị về nhà. Bố anh không nói gì, lẳng lặng bỏ ra vườn.
Mẹ gọi chị ngồi xuống sau bữa cơm, ôn tồn bảo không thể chấp nhận chị. “Mẹ muốn con trai đi bước nữa nhưng mọi việc phải hợp tình hợp lý. Chị không độc thân, chồng con chị vẫn còn đó, bà làm sao ăn nói với họ hàng hai bên nếu xem chị như con dâu? Con trai mẹ không đúng, mẹ chẳng vì thương con mà chiều theo sự sai trái này”, bà nói với chị.
Rồi bà nói luôn với anh: “Còn nhớ vợ của con đã bỏ đi ra sao không? Con đã nói gì về tên đàn ông đó? Bây giờ con hành động có gì khác người ta?”. Hai đứa con gái của anh trốn biệt trong phòng. Chị biết, chúng không thích chị. Đó là lần gặp mặt duy nhất của chị với gia đình anh. Họ quay về căn nhà trọ nhỏ bé, chật chội, thiếu thốn đủ thứ.
Người đàn ông tìm cho chị việc phụ bếp trong công ty may. Công việc quần quật khiến một người chỉ quen nội trợ như chị mệt mỏi rã rời. Rồi sự nồng nhiệt của người đàn ông ấy phai dần. Chị bắt đầu nhận ra sai lầm của mình, nhớ con, nhớ cuộc sống bình yên thoải mái trước đây. Chị muốn quay về nhưng không dám liên lạc với chồng.
Từ một người chưa bao giờ bếp núc, anh phải vừa đến công ty hằng ngày vừa lo cơm nước cho con. Ba cha con gắng gượng được mấy tháng thì dịch bệnh bùng phát. Anh gửi hai đứa nhỏ về sống với nội. Sống trong mặc cảm của kẻ bị bỏ rơi, anh hầu như không tiếp xúc với bất kỳ ai.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nhớ con, chị gọi điện hỏi thăm hàng xóm mới biết bọn trẻ đang sống với ông bà nội và anh treo bảng bán nhà. Những ngày tết nhạt trôi qua. Cứ ngỡ mọi chuyện kết thúc nhưng chỉ vài lời yêu thương tâm huyết của cha mẹ đã cứu vãn tình hình. Chị vẫn còn rất ngại ngùng những lúc trò chuyện với anh, ngay cả khi chỉ qua điện thoại. Anh nhận ra thái độ của vợ, nên chủ động hạ giọng: “Coi mua gì nấu ngon ngon chút, khoảng bốn giờ chiều trời mát anh chở con về”.
Chị giật mình hỏi sao về sớm hơn dự định, nhà cửa bẩn lắm, chưa dọn dẹp xong. Anh cười nhẹ: “Con đòi về phụ mẹ”. Rồi anh đưa điện thoại cho hai đứa trẻ nói chuyện với chị.
Nhìn ba cha con qua màn hình video, chị nói nói cười cười với con. Thật may mắn vì sau sai lầm chị vẫn còn cơ hội sửa chữa. Mọi chuyện như cơn ác mộng do chính chị tạo ra đã kết thúc. Bây giờ chị mới cảm thấy mùa xuân đang hiện hữu xung quanh.
Việt Quỳnh