“Hailey, cô ổn chứ? Nói chuyện với tôi” - Larry, 32 tuổi, cố gắng đảm bảo người bạn của mình đang tỉnh táo.
Khi Hailey, 38 tuổi, xác nhận rằng mình ổn, Larry, với đôi tay run rẩy, tiêm vào cổ cô hỗn hợp 2 loại thuốc an thần gây nghiện nặng: fentanyl và benzodiazepine.
Nằm cuộn người trên một góc vỉa hè nhếch nhác đầy những hình vẽ graffiti, Hailey thì thầm rằng cô “đang đếm ngược đến ngày mình có thể đi cai nghiện”.
“Bóng ma” mang tên fentanyl
Larry và Hailey nằm trong số khoảng 5,000 người nghiện đang định cư ở Downtown Eastside, khu dân cư lâu đời và nổi tiếng vì tệ nạn ma túy ở trung tâm thành phố Vancouver, Canada.
|
Sát bức tường cạnh một bãi đậu xe, nhóm con nghiện đang sử dụng thuốc. |
Những ngày gần đây, dọc theo tuyến đường Downtown Eastside là một cảnh tượng gây ám ảnh. Nhiều người nằm rải rác trên đường phố, một số chỉ còn lại hơi thở mong manh.
Kim tiêm đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi khắp nơi. Lều cắm trại, túi ngủ, bìa cứng - chỗ trú tạm bợ của các con nghiện - chiếm cứ trong hẻm hóc. Tiếng còi báo động của cảnh sát, cứu thương dường như không ngừng nghỉ.
Khủng hoảng ma túy tại Canada đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự xuất hiện của fentanyl – một dạng thuốc phiện tổng hợp mạnh gấp 50 lần heroin.
Khởi đầu từ những xưởng sản xuất bất hợp pháp ở ngoại ô, fentanyl đã phổ biến ở khu Downtown Eastside đến mức có thể nhìn thấy nó trên mọi góc đường.
|
Methamphetamine (ma túy đá) là một trong những chất gây nghiện chết người đang dễ dàng được tìm thấy trên đường phố Downtown Eastside. |
Vancouver từng đứng đầu bình chọn “những thành phố đáng sống nhất thế giới”. Thế nhưng, một thử nghiệm mang tính bước ngoặt , khi thủ hiến tỉnh bang British Columbia David Eby thí điểm quy định hợp pháp hóa quyền sở hữu một số loại thuốc nơi công cộng, gồm fentanyl, heroin, cocaine, methamphetamine, và thuốc lắc – đã đẩy cuộc khủng hoảng thuốc phiện ở Vancouver lên mức khó kiểm soát.
Trước tình hình bất ổn lúc này, chỉ qua nửa thời gian thí điểm, ông Eby cho biết sẽ tái hình sự hóa việc sử dụng ma túy nơi công cộng.
Từ tháng trước, cảnh sát đã lấy lại quyền kiểm tra – bắt giữ người dùng ma túy ở khu vực nhà hàng, bệnh viện, công viên, bãi biển.
|
Một người đàn ông bất tỉnh ngay trên vỉa hè sau khi dùng thuốc, cảnh tượng đã trở nên phổ biến. |
Dẫu vậy, bất kể nỗ lực tháo gỡ vấn đề từ giới chức trách, sử dụng quá liều thuốc phiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho độ tuổi 10-59 tại British Columbia. Năm ngoái, nơi đây ghi nhận hơn 2,500 ca sốc thuốc phiện, 87% trong số này liên quan đến fentanyl.
Tỉ lệ tử vong ở Vancouver là 56/100,000 người – cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình cả nước. Tỉ lệ này cao đến 30 lần riêng tại khu Downtown Eastside.
Bất lực và hy vọng
Vào năm đầu thí điểm hợp pháp hóa việc sử dụng thuốc phiện, tình trạng nghiện hút nơi công cộng nhanh chóng diễn ra tràn lan, trong khi cảnh sát địa phương rơi vào thế bất lực.
|
Cảnh sát tuần tra quanh một con hẻm có nhiều đối tượng sử dụng fentanyl. |
Fiona Wilson, Phó cảnh sát trưởng Sở cảnh sát Vancouver, cho biết: “Năm 2023, chúng tôi thu giữ hơn 1,000kg fentanyl từ những kẻ bán lẻ. Nhưng cảnh sát vẫn không thể can thiệp khi trông thấy chúng được dùng ngoài đường phố. Chương trình thí điểm hợp pháp hóa đã tạo ra trở ngại rất lớn cho chúng tôi”.
Dự án giảm tác hại của ma túy thông qua việc dựng nên các địa điểm “tiêm thuốc an toàn” là một giải pháp chính quyền British Columbia đang tiến hành.
Biện pháp cho thấy một số kết quả khả quan, giúp người nghiện tiếp cận nguồn thuốc được kiểm duyệt bởi chuyên viên y tế, giảm tác hại nhờ liều lượng an toàn hơn cho cơ thể.
|
Jaiden, 20 tuổi, nghiện thuốc từ năm 16 tuổi, hiện sống tại một trung tâm bảo trợ thanh thiếu niên. |
Thế nhưng hãy còn một mối lo ngại tiềm tàng: nguồn thuốc nói trên có thể bị tuồn ra thị trường chợ đen, mua đi bán lại bất hợp pháp, theo nữ cảnh sát Wilson.
“Chúng tôi đã ghi nhận trường hợp trẻ vị thành niên bị lừa sử dụng chất gây nghiện theo cách này”, cô tiết lộ. “Đáng căm giận là, một số kẻ bất lương đang lợi dụng dự án ‘tiêm thuốc an toàn’ của chính phủ để dụ dỗ thế hệ trẻ nghiện thuốc dần dần”.
Bên cạnh đó, hệ thống phúc lợi còn nhiều bất cập khiến việc cai nghiện trở nên khó khăn hơn. Danh sách chờ đợi quá lâu, đi cùng mức phí không hề phù hợp với đa số người sa vào chất cấm, vốn là người nghèo vô gia cư và trẻ vị thành niên.
|
Bà Weih với một bức ảnh của con gái, Renée, người đã qua đời vì sốc thuốc phiện. |
Lisa Weih phải chứng kiến con gái Renée ra đi khi mới 29 tuổi vì sốc thuốc phiện năm 2020. Bà đang lên tiếng đấu tranh để cải thiện hệ thống hỗ trợ người nghiện ma túy còn nhiều “lỗ hổng” ở Vancouver.
“Renée đã không ngừng nỗ lực để vượt qua nghiện ngập và trở lại cuộc sống bình thường. Con gái tôi rất kiên cường nhưng không ai thật sự giúp đỡ con bé hồi phục” - bà Weih nói.
Nhà điều hành một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo trợ người nghiện ma túy ở Vancouver, bày tỏ về cuộc khủng hoảng fentanyl tại đây: “Đây là một cuộc chiến bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi không muốn đánh mất hy vọng lúc này”.
Như Ý (theo Telegraph)