Cơn ác mộng của nghệ thuật

21/04/2015 - 18:44

PNO - PN - The Best Offer (tạm dịch Bộ sưu tập vĩ đại) là câu chuyện cuộc đời đặt trong thế giới nghệ thuật. Phim cùng ta trả lời cho băn khoăn: Cuộc đời mô phỏng nghệ thuật hay nghệ thuật mô phỏng cuộc đời?

Con ac mong cua nghe thuat

The Best Offer không phải là một bộ phim giản đơn và bình thường. Dù không hề dễ xem, nhưng với nhiều người yêu nghệ thuật, đây đích xác là một tuyệt tác được đạo diễn kiêm nhà biên kịch người Ý Giuseppe Tornatore tạo nên. Cả phim cùng tác giả đã được xướng tên trong nhiều giải thưởng quốc tế lớn.

Được sản xuất năm 2013, bộ phim duy mỹ - duy lý song hành này đưa khán giả bước vào thế giới thượng lưu Ý, nơi có những cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và những cổ vật quý giá. Trung tâm câu chuyện là Virgil Oldman (Geoffrey Rush thủ vai), một bậc thầy về phân tích, đấu giá và sưu tầm tác phẩm nghệ thuật rất được kính trọng. Đây cũng là một người đàn ông độc thân khá kỳ dị. Vốn cực đoan và vô cùng nguyên tắc, nhưng Oldman đã dần thay đổi tính khí và thói quen khi bước vào mối quan hệ với người phụ nữ trẻ hơn mình rất nhiều.

Ông biết đến Claire Ibbetson (Sylvia Hoeks) khi được cô thuê thực hiện đấu giá toàn bộ hiện vật được thừa kế từ bố mẹ. Như một người mắc chứng sợ khoảng trống và có nhiều ám ảnh khi tiếp xúc với con người, Claire luôn từ chối việc gặp mặt trực tiếp. Những cuộc nói chuyện gián cách giữa Oldman và cô gái 27 tuổi đã hơn mười năm không bước ra khỏi căn phòng và ngôi biệt thự cổ khiến bộ phim trở nên hồi hộp, làm cho người xem khó mà ngãng ra, dù không dễ gì để tiếp cận tác phẩm điện ảnh trùng trùng ẩn ý, triết lý và biểu tượng này.

Claire thực sự là con người như thế nào? Oldman có thuyết phục được cô bước ra ánh sáng? Tình yêu nảy nở hay những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá hơn?... Sau khi bị lôi kéo vì những câu hỏi đó thì đến cuối phim, khán giả có thể bị “sốc nặng” như cơn “ác mộng” đến với Oldman.

Con ac mong cua nghe thuat

Hai nhân vật Oldman và Claire trong bộ phim độc lập của châu Âu The Best Offer

Ngoài Oldman và Claire, còn một nhân vật khác đáng chú ý, đó là Robert, vai diễn của tài tử đang lên Jim Sturgess. Là chuyên gia chế tạo máy tài năng, Robert giúp Oldman từng ngày dựng lên một hình nhân, cũng có thể gọi là một con robot đơn giản, từ những mảnh bánh răng và phần máy móc vụn mà Oldman thu nhặt vì thấy “có vẻ bất thường” sau những lần đến căn biệt thự huyền bí để nói chuyện, tìm hiểu về nữ chủ nhân Claire.

Robert là tay đào hoa, thỉnh thoảng anh ta đưa ra những lời khuyên giúp Oldman thân mật hơn với Claire. Dần dà, không chỉ Claire thay đổi Oldman theo kiểu “thời gian làm cho người ta có thể chung sống với nhau”; mà chính Robert cũng “thôi miên” Oldman. Như khi anh ta nói: “Khám phá cách họ lắp ráp chúng với nhau là không dễ dàng nhưng không phải không thể. Các hệ thống thiết bị cũng giống như người. Nếu người ta lắp ghép chúng lâu, sau đó người ta không thể tách chúng”.

Riêng với Oldman, càng ngày ông càng nhận ra những “mảnh ghép” còn thiếu trong cuộc sống giàu sang, bao trùm bởi nghệ thuật và cái đẹp của mình. Tình yêu (và cả tình dục) nảy nở giữa ông với Claire như bù đắp cho ông tất cả. Đó ngỡ như sự tinh khiết nhất mà ông chưa từng có, chưa từng biết đến. Người phụ nữ bước ra từ căn phòng cô độc và tình yêu mà cô mang đến trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến Oldman sốt sắng hơn bao giờ hết.

Nhưng hóa ra, người đàn ông vốn rất rành những tiểu xảo trong đấu giá để mang về những món hời đã nhầm… Bước ra khỏi thế giới nghệ thuật của mình là Oldman bước vào một thế giới khác. Như người cộng sự già của ông nói: Bước vào cuộc sống với người phụ nữ như tham gia vào cuộc đấu giá. Anh sẽ không bao giờ biết khi nào giá đề nghị của anh là tốt nhất. Vậy thì, cuộc đời mô phỏng nghệ thuật hay nghệ thuật mô phỏng cuộc đời?

Có lẽ, thông điệp và cũng là chìa khóa quan trọng nhất của The Best Offer chính là sự phân biệt thật - giả trong nghệ thuật và trong cuộc đời. Khi Claire hỏi: “Tại sao ông từng nói trong tất cả các bản sao chép luôn luôn có một cái gì đó đích thực?”. Oldman nói: “Khi sao chép tác phẩm của người khác, người giả mạo không thể cưỡng lại sự cám dỗ để lại dấu ấn riêng của mình.

Thông thường nó chỉ là một chi tiết ít người quan tâm, một tính năng bất ngờ mà ở đó, người sao chép đã phản bội chính mình, tiết lộ cảm xúc của mình”. Lý giải tuyệt hay, nhưng oái oăm làm sao, ngay cả khi thấu suốt điều đó, Oldman vẫn bị qua mặt, rơi vào “cái bẫy” cuộc đời. Cũng vì có rất nhiều móc nối nên ngay ở The Best Offer, người xem cũng rất dễ bị “qua mặt” nếu để hụt, để trượt qua, hay nói như tay chơi Robert trong phim là để “mất dấu”.

Tuy vậy, với các bộ phim nghệ thuật, sẽ luôn có những chìa khóa riêng để giải mã những điều bí mật, với điều kiện là người xem, cũng giống như nhân vật trong phim, được tự do trong việc tìm kiếm câu trả lời. Điều gì xảy ra không quan trọng bằng cách nó xảy ra, The Best Offer thì thầm với chúng ta như thế.

 BÙI DŨNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI