Cơn ác mộng COVID-19 quay lại trước Giáng sinh

20/12/2021 - 07:22

PNO - Sau một năm chiến đấu thắng lợi với COVID-19 nhờ vắc xin, nhiều nơi trên thế giới lại phải tiếp tục đối mặt làn sóng lây nhiễm mới với mối đe dọa từ biến thể Omicron. Dường như cơn ác mộng vào mùa Giáng sinh 2020 đã quay trở lại.

Làn sóng lây nhiễm mới

Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang chật vật ứng phó với tình trạng kiệt sức của các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế khác. Tất cả đều căng thẳng do vừa phải chữa trị cho những ca nhiễm biến chủng Delta, vừa phải gấp rút chuẩn bị cho sự bùng nổ của Omicron. 

Ohio trở thành tiểu bang mới nhất đã huy động vệ binh quốc gia để hỗ trợ những cơ sở y tế quá tải. Các chuyên gia ở Nebraska cảnh báo hệ thống bệnh viện của bang có thể sớm phải đối mặt với khủng hoảng về hậu cần và chăm sóc tích cực. Các quan chức y tế ở Kansas và Missouri phải trì hoãn phẫu thuật, từ chối chuyển viện và cố gắng một cách tuyệt vọng để có thể thuê thêm y tá khi số ca nhiễm COVID-19 tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, như những gì từng diễn ra trong ký ức kinh hoàng của mùa lễ năm 2020.

Tiến sĩ Jacqueline Pflaum-Carlson - chuyên gia y tế khẩn cấp tại hệ thống y tế Henry Ford ở TP.Detroit (bang Michigan) - cho biết: “Không lớp học y khoa nào có thể chuẩn bị cho bạn khả năng đối mặt mức độ chết chóc này. Những con số cứ tăng dần”. 

 

Người dân Hà Lan tranh thủ mua sắm cho lễ Giáng sinh trước khi lệnh phong tỏa nhằm ứng phó Omicron có hiệu lực - ẢNH: GETTY IMAGES
Người dân Hà Lan tranh thủ mua sắm cho lễ Giáng sinh trước khi lệnh phong tỏa nhằm ứng phó Omicron có hiệu lực - Ảnh: GETTY IMAGES

Tại Anh, các nhà khoa học cố vấn cho chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đã cảnh báo về số ca nhập viện kỷ lục do Omicron, trừ phi các quy định nghiêm ngặt hơn được áp dụng khẩn cấp. Theo họ, kế hoạch ứng phó hiện tại không đủ để ngăn chặn biến thể này tàn phá hệ thống y tế và khiến có đến 50.000 y bác sĩ phải nghỉ bệnh trước ngày Noel. Nước Anh đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do Omicron, với 90.418 ca nhiễm COVID-19 mới chỉ trong ngày 18/12. 

Trước tình hình này, Đức tuyên bố Anh là khu vực có nguy cơ cao nhất và thắt chặt các quy định cách ly bắt buộc trong 14 ngày đối với khách du lịch từ Anh. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, nước này sẽ tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian Giáng sinh và năm mới để cố gắng ngăn chặn biến thể Omicron. 

Không nên coi nhẹ Omicron

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã xuất hiện ở 89 quốc gia. Đồng thời số trường hợp liên quan đến biến thể này tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng. Do đó, dường như đã quá muộn để thế giới tìm cách ngăn chặn Omicron. Lợi thế tăng trưởng đáng kể khiến Omicron có khả năng sớm vượt qua Delta để trở thành biến chủng chiếm ưu thế toàn cầu.

Với số ca bệnh tăng quá nhanh, các hệ thống bệnh viện có thể bị quá tải như tại Anh, Nam Phi. Đáng chú ý, WHO cảnh báo không nên coi nhẹ biến thể Omicron, vì biến chủng này cũng gây bệnh nặng. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, chia sẻ: “Những người nhiễm Omicron có thể bộc lộ toàn bộ mức độ bệnh, từ nhiễm trùng không triệu chứng đến bệnh nhẹ, bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong”.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết: “Các quốc gia phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng mọi biện pháp hiện có. Vắc xin không thể thay thế khẩu trang, giãn cách, thông gió hoặc vệ sinh tay”.

Sự gia tăng của biến thể Omicron là động lực cho liều vắc xin bổ sung, tiêm nhắc và khiến nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tăng đột biến. Dù vậy, Michael Head - nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh) - nhận định, điều quan trọng là phải tiếp tục các biện pháp nhằm giảm thiểu ca nhiễm trong khi phải đảm bảo rằng dân số trên khắp thế giới, bao gồm cả các quốc gia nghèo hơn, được tiếp cận với vắc xin COVID-19 càng nhanh càng tốt, ngay cả khi lộ trình này có thể mất 12 đến 24 tháng nữa. 

Cuối cùng, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần thay thế phong tỏa diện rộng. Ví dụ, Pháp thông báo các sự kiện và tụ tập lớn ngoài trời sẽ bị cấm vào đêm giao thừa. Ireland đặt giờ giới nghiêm cho các nhà hàng và quán bar. Na Uy ban hành lệnh cấm phục vụ thức uống có cồn và áp đặt nhiều hạn chế hơn trong trường học…

Tuy nhiên, cũng có một số nơi chấp nhận rằng mọi người sẽ phải học cách sống chung với COVID-19. Tại bang New South Wales (Úc) - nơi 93,3% người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ - các hạn chế đang dần nới lỏng bất chấp nguy cơ từ Omicron. Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định: “Omicron đã đến Úc và chúng ta sẽ sống chung với virus chứ không để nó cản bước”. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, Reuters, CNN, CNBC, Guardian, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI