'Cơn ác mộng bị thầy giáo đánh đòn và nhục mạ' gây bão mạng Trung Quốc

22/08/2017 - 18:45

PNO - Bài luận “Thưa thầy, em muốn nói với thầy” của một học sinh tiểu học ở Trung Quốc về những lời mắng nhiếc và đánh đập của giáo viên đã gây bão trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Đây là một bài tập làm văn 2.000 chữ do một học sinh tiểu học ở thành phố Lữ Lương tỉnh Sơn Tây viết.

Chẳng bao lâu sau khi xuất hiện trên internet, nó đã gây bão trên các mạng xã hội WeChat và Sina Weibo ở Trung Quốc.

Bài luận được được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ và bình luận hàng nghìn lượt.

Bài luận này làm dấy lên những cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội về tình trạng bạo hành cảm xúc và trừng phạt thể xác trong các lớp học ở Trung Quốc.

Trong bài luận, một nữ sinh lớp 4 viết về cảm giác của mình khi em bị thầy giáo đánh đòn và nhục mạ.

'Con ac mong bi thay giao danh don va nhuc ma' gay bao mang Trung Quoc
Bài luận cảm động của một học sinh lớp 4 gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc - Ảnh: Chinanews.com/Weibo

Toàn bộ 7 trang viết tay của em học sinh 9 tuổi là những gì em muốn nói với với giáo viên của mình sau khi bị bạo hành từ năm lớp một, khi em mới lên 6 tuổi.

"Em đã cố gắng hết sức để có thể được thầy coi là một học trò ngoan”, tác giả bài luận viết.

Bài luận viết tiếp: "Thưa thầy, thực sự em không biết mình đã làm gì để thầy không hài lòng với em như vậy. Em nhớ rõ lần đầu tiên khi thầy trở thành thầy giáo lớp một của chúng em, ngày học thứ 5 thầy đã ném cuốn sách vào mặt em (…) Em sẽ không bao giờ quên thái độ của thầy khi đó, kể từ đó em rất sợ thầy”.

"Em đã cố gắng hết sức để trở thành trò ngoan, nhưng dường như tác dụng thì ngược lại. Em luôn luôn là đứa học trò bị mắng nhiếc và đánh đập mà không biết mình làm sai điều gì (…). Trong mơ em cũng thấy thầy đánh em, thức lại giữa đêm em không sao ngủ lại được”.

'Con ac mong bi thay giao danh don va nhuc ma' gay bao mang Trung Quoc

Ngoài việc chia sẻ sự bối rối không biết vì sao mình bị đánh, nói lên mong muốn làm hết bài tập về nhà, nữ sinh này còn viết về sự ngược đãi nhiều năm qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô như thế nào: “Những giấc mơ của em đều tan vỡ”.

Bài luận được phụ huynh học sinh vô tình phát hiện ngày 6/8, khi họ dọn dẹp bàn học của con gái.

Đau lòng khi đọc những điều con mình viết ra, họ đã chụp ảnh các trang bài luận và chia sẻ với bạn bè trên WeChat. Từ đó, bài luận nhanh chóng được hết nhóm này đến nhóm khác chia sẻ cho nhau và nó xuất hiện trên mạng xã hội Weibo, nhận được 450.000 bình luận và 22.000 lượt chia sẻ.

Ngày 10/8, bài luận được Caijing (Tài kinh), trang mạng hàng đầu của truyền thông Trung Quốc, chọn đăng và phóng viên của trang mạng này đã liên lạc với nhà trường để xác minh câu chuyện.

Cha mẹ của học sinh viết bài luận biết thầy giáo đã kỷ luật con em của họ một cách không thích hợp, và đã báo cáo vụ việc với nhà trường hồi tháng 6. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết các cơ quan quản lý giáo dục đã phớt lờ vấn đề này.

Họ nói rằng khiếu nại chỉ liên quan đến một “giáo viên dạy thay” đã nghỉ việc.

"Cho đến nay, đôi khi em vẫn mơ thấy thầy đánh em”. Bài luận gây xúc động mạnh mẽ, đồng thời dấy lên sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Một cư dân mạng viết: "Tôi đã rất tức giận và ước gì có thể ôm đứa trẻ tội nghiệp vào vòng tay mình”.

Cư dân mạng không thể chấp nhận câu trả lời của nhà trường: "Một giáo viên dạy thay trong bốn năm ?! Thật lố bịch!"

Mặc dù một số người nhận xét rằng "những loại giáo viên này ở đâu cũng có”, nhiều người cho biết họ bị sốc vì “làm sao một giáo viên như vậy đủ điều kiện dạy học?”

Nhiều người lên tiếng chống lại hành động đánh đòn trẻ em, họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến suốt quãng đời còn lại của đứa trẻ.

'Con ac mong bi thay giao danh don va nhuc ma' gay bao mang Trung Quoc
Một video giám sát cho thấy một cuộc cãi vã giữa cô giáo và một học sinh - Ảnh: Weibo

Năm 1986, Trung Quốc đã cấm việc đánh đòn học sinh trong trường. Đánh đòn (thuật ngữ chính thức là hình thức kỷ luật thông qua trừng phạt thể xác) đi ngược lại Luật Giáo dục bắt buộc, Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên và Luật Giáo viên.

Giáo viên Trung Quốc thường có nhiều hình thức để xử lý kỷ luật, như tạm nhốt, bắt đứng úp mặt vào tường, tịch thu cặp sách, khiển trách bằng lời, lao động chân tay (dọn dẹp lớp học) hoặc bắt làm bài tập.

Bất chấp việc đánh đòn học sinh đã bị cấm, tình trạng này vẫn còn khá phổ biến ở các địa phương. Một cuộc khảo sát học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở 10 tỉnh của Trung Quốc cho thấy 15,4% học sinh bị đánh đòn như là một hình thức kỷ luật ở trường.

Nhờ sự phổ biến của truyền thông xã hội và điện thoại thông minh có máy ảnh, các trường hợp bạo hành của giáo viên ngày nay thường bị học sinh đưa ra ánh sáng.

Năm 2016, cư dân mạng Weibo chia sẻ clip một giáo viên ở Sơn Đông đánh đập và nhục mạ một học sinh đến muộn một buổi tập quân sự.

Tuần này, trên mạng xã hội Weibo lan truyền một video giám sát cho thấy một cuộc cãi vã giữa giáo viên và học sinh. Video cho thấy cô giáo hét vào mặt một nam sinh. Khi cô giáo tát vào mặt cậu học sinh, cậu ta ngay lập tức đưa tay phát mạnh vào vào lưng cô giáo.

Hoàng Diệu (theo Whatsonweibo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI