Con 5 tháng tuổi đã bị bắt khỏi mẹ

02/11/2016 - 06:55

PNO - Suốt bốn tháng qua, chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ 11, KP.5, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tìm đến các cơ quan chức năng đòi quyền nuôi đứa con, đã bị gia đình chồng cách ly hoàn toàn khỏi mẹ...

Con mới 5 tháng tuổi đã phải xa mẹ

Chị Hạnh kể: “Tháng 3/2015, tôi và anh Lê Ngọc Thành kết hôn. Anh Thành từng có một đời vợ, hai cô con gái nhưng không đăng ký kết hôn. Lúc gặp tôi, anh Thành đang nuôi con gái nhỏ. Tôi về sống chung với anh và con gái ở nhà riêng của anh, sát vách nhà bố mẹ anh. Vì con riêng của anh, tôi và bố mẹ chồng phát sinh mâu thuẫn, tôi làm gì cũng bị ông bà xét nét, chê bai…

Khi tôi mang thai, bố mẹ chồng thậm chí còn bắt tôi phá thai. Không chịu nổi sức ép này, trước khi sinh con hai tháng, tôi phải về nhà mẹ ruột ở Xuân Lộc. Tháng 2/2016, biết tôi sinh con trai, chồng tôi mới lên đón mẹ con tôi về. Về được vài ngày, tôi lại bị bố mẹ chồng mắng chửi. Ngày 5/8 tôi bị gia đình chồng đuổi khỏi nhà, giữ lại con tôi”.

Sau nhiều lần đòi con không thành, ngày 19/8, chị Hạnh nộp đơn đến TAND TP.Biên Hòa xin ly hôn, yêu cầu được nuôi con. Ngày 5/9, TAND TP.Biên Hòa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu anh Thành giao con cho chị Hạnh. Ngày 19/10, Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) TP.Biên Hoà đã tổ chức cưỡng chế, buộc anh Thành giao con cho chị Hạnh nhưng bất thành.

Con 5 thang tuoi da bi bat khoi me
Suốt mấy tháng ròng, chị Hạnh mòn mỏi lui tới các cơ quan chức năng đòi quyền nuôi con

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND P.Long Bình cho biết: “Không chỉ là việc tranh giành cháu bé mà mâu thuẫn của gia đình này đã kéo dài từ lâu, UBND phường và các ban ngành, đoàn thể đều từng can thiệp. Trước phiên cưỡng chế, chính quyền đã hai lần đến gia đình anh Thành vận động giao con cho chị Hạnh nhưng không được. Lý do là anh Thành và gia đình khẳng định chị Hạnh có biểu hiện thần kinh không bình thường, bỏ bê con, nên không thể giao con cho chị Hạnh”.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, anh Thành cho biết: “Chúng tôi chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn thì cô Hạnh bắt đầu thay đổi, cứ cho là tôi quan hệ trở lại với vợ cũ. Khi mang thai, cô ấy càng ghen tuông, suy diễn nghiêm trọng hơn. Mỗi lần giận tôi, cô ấy lại đấm vào bụng mình, đòi giết con, nên lúc cô ấy đòi về Xuân Lộc tôi đã đồng ý.

Con đầy tháng, tôi đón về chăm sóc, hy vọng vợ chồng sẽ cùng lo cho con, không ngờ cô ấy vẫn tiếp tục kiếm đủ chuyện gây sự với bố mẹ chồng. Vợ cũ của tôi lên đón con gái về quê nghỉ hè, cô ấy cũng ghen. Con mới 5 tháng tuổi mà cô ấy khăng khăng đòi dọn đi, còn bắt tôi cấp dưỡng mỗi tháng 3,5 triệu đồng để chờ đến ngày ly hôn, tôi cũng đồng ý (có biên bản của Hội LHPN P.Long Bình, ban điều hành khu phố và cảnh sát khu vực).

Đưa con đi chưa lâu, giữa đêm cô ấy gọi điện nói nếu tôi không đến nhà trọ đón con về, cô ấy sẽ ôm con nhảy sông Đồng Nai tự tử. Cả nhà tôi tỏa ra tìm từ sáng đến trưa mới phát hiện con tôi bị bỏ một mình trong căn phòng trọ nên đưa cháu về. Nhiều lần con tôi bị cô ấy hành hạ nên tôi không thể giao con được”.

Vì sao không giao con cho mẹ?

Về lý do vì sao đến ngày 28/10, Cơ quan THADS TP.Biên Hòa vẫn chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không giao con của anh Lê Ngọc Thành, chấp hành viên (CHV) Nguyễn Thế Hạnh giải thích: “Chúng tôi đã tổ chức thi hành quyết định của tòa đúng luật, nhưng thuyết phục nhiều lần anh Thành vẫn cương quyết không giao con cho vợ, nên chúng tôi ban hành thông báo, quyết định cưỡng chế. Ngày 19/10, chúng tôi tổ chức cưỡng chế nhưng không thành.

Hiện chúng tôi đang lúng túng vì theo quy định tại điều 120 Luật THADS, mức xử phạt cho hành vi không chấp hành bản án, quyết định của tò a từ 10-20 triệu đồng; nhưng theo hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 110/2013/ NĐ-CP ngày 24/9/2013, THADS cấp huyện chỉ được xử phạt đến 500.000đ. Chúng tôi đang xin ý kiến Hội đồng CHV của tỉnh để hướng xử lý trường hợp này”.

LS Phạm Lĩnh Sơn, Phó trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí dành cho phụ nữ số 6, phân tích: “Hiện Nghị định 110/2013 dù vẫn có hiệu lực nhưng một số điều đã bị thay thế bằng Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015. Trong đó, điều 52 quy định về việc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ THA trong trường hợp có điều kiện THA sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng.

Ngoài ra, điều 120 Luật THADS cũng quy định rõ: “Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì CHV ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì CHV tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.

Ở đây việc áp dụng pháp luật bị làm ngược quy trình: chưa xử phạt anh Thành mà THADS TP.Biên Hòa đã tổ chức cưỡng chế”.

Luật gia Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc xử lý của THADS TP.Biên Hòa đã vi phạm quy định pháp luật: “CHV hoặc thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện có căn cứ xử phạt tiền mức 3-5 triệu đồng theo thẩm quyền về hành vi vi phạm hành chính, đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng THADS cấp tỉnh. CHV hoặc thủ trưởng cơ quan THADS TP.Biên Hòa phải phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để buộc đương sự phải chấp hành quyết định của tòa án”.

Trả lời về việc bị gia đình chồng cùng chính quyền địa phương “quy tội” có vấn đề về thần kinh, chị Hạnh cho biết: “Tôi không hề mắc bệnh tâm thần. Lý do tôi phải đi khám sức khỏe toàn diện ngày 8/7/2016 là vì bị bố chồng đánh đa chấn thương. Hành vi này của ông đã bị Công an P.Long Bình lập biên bản xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng”.

TS tâm lý Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2, TP.HCM cho biết: “Không người mẹ nào bị tước quyền nuôi dưỡng con khi bé đang còn bú mẹ mà không phải chịu những áp lực tinh thần. Việc được thực hiện quyền làm mẹ, được gần gũi, yêu thương, chăm sóc con luôn là liệu pháp tinh thần tốt cho người mẹ.

Thiết nghĩ, khi tòa án và cơ quan chức năng chưa kết luận chính thức về việc chị Hạnh có vấn đề về thần kinh hay không, thì không ai có quyền phán quyết chuyện này. Đồng thời, việc cháu bé mới năm tháng tuổi bị cách ly khỏi mẹ, không cho bú mẹ; việc chị Hạnh bị đánh đuổi khỏi căn nhà, nơi chị có hộ khẩu thường trú là những hành vi bạo lực gia đình phải xử lý theo quy định pháp luật”.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI