Comic strip: Tương lai của comic?

05/01/2021 - 06:29

PNO - Comic strip (truyện tranh ngắn, hài hước) xuất hiện ngày càng phổ biến trên mạng xã hội… Cuộc chơi tự phát của những người trẻ đang dần trở thành xu hướng giải trí mới. Comic strip cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, định vị tên tuổi cho các họa sĩ trẻ.

Đề tài mênh mông, tự do sáng tác 

Buổi workshop miễn phí chủ đề về comic strip (do Viện truyện tranh và Hoạt hình - Comic Media Academy tổ chức cuối tháng 12/2020) thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ yêu hội họa. Huỳnh Thị Mỹ Duyên (tốt nghiệp khoa thiết kế công nghiệp, Đại học Kiến trúc TP.HCM) hào hứng cho biết em cùng bạn bè đến học hỏi kinh nghiệm chuẩn bị cho kế hoạch lập fanpage chuyên về comic strip của nhóm. Lâu nay comic strip chủ yếu phát triển tự phát, ít có các khóa đào tạo bài bản, chuyên sâu. 

Một bạn trẻ chia sẻ về nỗi khổ tâm khi vừa lấy bằng tốt nghiệp đã nhận được những câu hỏi: “Đi làm chưa?”, “Bao giờ đi làm?”, “Đi làm đi cho bố mẹ nhờ”… Đề tài chỉ vậy thôi, họa sĩ Lạc An đã biến nỗi căng thẳng thành câu chuyện biếm họa hài hước qua comic strip. Bài học đầu tiên chính là bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống cũng có thể khai thác thành comic strip. 

Bạn trẻ hào hứng với thành phẩm hoàn thiện từ workshop về comic strip
Bạn trẻ hào hứng với thành phẩm hoàn thiện từ workshop về comic strip

Trong hơn hai giờ đồng hồ làm việc, các bạn trẻ được người đi trước chia sẻ kinh nghiệm lên ý tưởng, phác họa nội dung và hoàn thiện thành phẩm. Sau đó được thực hành vẽ theo chủ đề. “Giảm cân”, “xăm trổ nhưng hiền lành”, “khẩu nghiệp trên facebook”, “thích chat chit mà ít gọi điện cho mẹ”, “crush có người yêu”… là những chủ đề được đặt ra, thử thách tay nghề của người tham dự. Kết quả khá bất ngờ khi từ ý tưởng đến tranh vẽ thành phẩm, rất nhiều bạn đã cho ra đời những câu chuyện khá ấn tượng.  

Comic strip là những câu chuyện ngắn, hài hước được thể hiện bằng tranh. Tác phẩm càng ít khung tranh, lời thoại tiết chế tối đa càng tốt. Tiêu chí là nội dung dí dỏm, gây cười, chuyển tải được thông điệp ý nghĩa. “Trước tiên là cần tìm một chủ đề, hoặc lựa chọn một hình tượng nhân vật xuyên suốt để phát triển câu chuyện. Chủ yếu là các bạn cần có tư duy hài hước, bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành đề tài thú vị” - họa sĩ trẻ Lạc An (28 tuổi, người sáng lập fanpage lacan.art) chia sẻ. Comic strip không khó, nhất là với những ai đã có năng khiếu vẽ, đề tài mênh mông tha hồ sáng tác. Lợi thế của comic strip là ngắn gọn, dễ hiểu, buồn cười, dễ lan tỏa… Đây cũng là xu hướng giải trí phù hợp với thời đại công nghệ.

“Những câu chuyện có mô típ hài hước hóa từ truyện cổ tích luôn được bạn đọc yêu thích. Nét vẽ nhân vật có “xấu độc lạ” mà thoại hài hước thì câu chuyện vẫn có thể thu hút được người xem, lan tỏa rất nhanh” - họa sĩ Phan Hồng Đức (nickname Cá Chó, hiện công tác tại báo Tuổi Trẻ Cười) nhìn nhận. Trong năm qua, có thể thấy độ phổ biến phủ rộng của comic strip từ fanpage đến các trang cá nhân. Vài phút cọ quẹt của họa sĩ có thể mang đến những câu chuyện, lời thoại “làm mưa làm gió”, trở thành “trend” trong cộng đồng mạng.  

Xu hướng mới

Trên mạng xã hội hiện đã có một số fanpage comic strip nổi tiếng, được yêu thích nhiều năm qua: Thỏ Bảy Màu, Đầm Lầy, Quỳnh Aka, Bà già kêu ca, Thăng Fly Comics… Mỗi page mang một phong cách, nhân vật có dấu ấn riêng. Tất cả đều bắt đầu bằng niềm đam mê cá nhân, vẽ theo sở thích của các họa sĩ trẻ. Đến giờ, đã trở thành một xu hướng - tương lai của comic. 

Thành công bất ngờ nhất có thể kể đến nhân vật “nổi tiếng sau một đêm” Pikalong của Thăng Fly (họa sĩ trẻ Bùi Đình Thăng, sinh năm 1988). Pikalong là nhân vật kết hợp giữa Pikachu và tạo hình con rồng cảnh ở Hải Phòng gây sốt hồi đầu năm 2017. Một nhân vật khác làm mưa làm gió từ page Đầm Lầy là chú hổ tên Thỏ Con điệu đà, hài hước (cùng với đội hình gồm: chú thỏ trắng, gấu chó, gấu trúc, mẹ con Kanguru…). Có “tuổi đời” lâu nhất trong dòng chảy comic strip là page Thỏ Bảy Màu của họa sĩ 9x Huỳnh Thái Ngọc, cũng là fanpage đầu tiên về comic strip, được thành lập từ năm 2014. Bắt đầu bằng những phát ngôn siêu hài hước “gây bão”, chú thỏ với nét vẽ khá đơn giản nhưng dễ thương nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Cuộc chơi vì sở thích cá nhân của Huỳnh Thái Ngọc đã mang về cho anh cơ hội kiếm tiền. Đến giờ, hình tượng Thỏ Bảy Màu đã trở thành một thương hiệu thu hút quảng cáo từ các nhãn hàng. Không chỉ xuất hiện trên fanpage, nhân vật Thỏ Bảy Màu còn được in thành sách, phát hành lịch bàn, ba-lô, trò chơi trẻ em…

Không tốn kinh phí, xuất bản chủ động, lại phù hợp khả năng, sở thích nên ngày càng có nhiều cây cọ trẻ đến với comic strip. Ngoài việc được tự do vẽ theo sở thích, nhiều họa sĩ trẻ cũng nhận được dự án quảng cáo từ các nhãn hàng, MV ca nhạc… “Làm không kịp deadline” với các đơn đặt hàng liên tục là bật mí của một họa sĩ trẻ khá thành công với comic strip.

“Thời gian để bạn gầy dựng tên tuổi có thể kéo dài trong vài năm, cho nên, theo tôi cũng không nên đặt vấn đề kiếm tiền quá sớm. Khi bạn tổ chức được tác phẩm có nội dung tốt, tranh vẽ hài hước tự khắc sẽ được nhiều người biết đến. Lúc mới lập fanpage, tôi chỉ xem đó là nơi luyện tay nghề của mình mỗi ngày. Cứ làm tốt, mọi cơ hội sẽ đến” - họa sĩ Phan Hồng Đức bày tỏ. 

Comic strip đã phát triển ở phương Tây từ thập niên 30 của thế kỷ trước, xuất hiện nhiều trên các báo biếm họa. Những câu chuyện ngắn được phát triển với ý tưởng hài hước, tranh vẽ trên giấy. Ngày nay, hầu hết comic strip được vẽ bằng digital. Thông qua fanpage trên facebook, Instagram, Twitter, Zalo… nhu cầu giải trí của người dùng cần ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động, gây cười. Comic strip phát triển như một tất yếu của thời đại. Nhưng để tránh giẫm chân nhau và xuất hiện ồ ạt tràn lan, người trẻ cũng cần định hình phong cách, dấu ấn nhân vật thật sự riêng biệt, cá tính. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI