Cơm sôi nhỏ lửa

24/11/2023 - 16:41

PNO - Lúc ấy, mẹ chỉ lặng thinh, hai hàng nước mắt cứ thế rơi lã chã. Nhưng sự im lặng của mẹ khiến ba nhanh chóng hối hận.

Mùa đông trong miền xưa cũ, trong nỗi nhớ tuổi thơ tôi, là những ngày sống êm đềm, ấm áp bên cạnh mẹ cha ở làng quê nghèo. Bao nỗi nhọc nhằn ba mẹ gánh vác hết. Vào những ngày đông, trên cánh đồng đã gặt xong còn chỏng chơ gốc rạ, mẹ lom khom túm những đống rạ thành đụn như chiếc nón.

Độ vài ba hôm, khi rạ đã khô, mẹ chất đầy quang gánh, bước thấp bước cao trên con đường đê dài hun hút trở về nhà. Rơm sẽ để dành làm lương thực cho trâu, bò ăn. Còn rạ sẽ dùng làm nhiên liệu nấu ăn. Rạ khô luôn cháy đượm, khói rạ cũng đậm đặc hơn, bay bảng lảng trên chái bếp thâm nâu; mùi cơm lúa mới thơm ngào ngạt trong gió bấc.

Tôi hay chạy xuống chái bếp thấp lè tè, sà vào lòng mẹ hít hà mùi mặn chát của khó nhọc trên chiếc áo bông đã sờn vai. Tôi ôm thân hình mảnh khảnh của mẹ: “Sao mẹ nấu cơm lúc nào cũng ngon? Mẹ dạy con, để con nấu thay cho mẹ”. Mẹ tôi mỉm cười đôn hậu, vuốt mái tóc dài của tôi và chậm rãi chỉ dẫn tận tình.

Nấu cơm bếp rạ tưởng đơn giản nhưng rất khó đối với những đứa đoảng như tôi. Có lần tôi để ý mẹ rất kỹ từ khi mẹ đong gạo vào rá bằng nan tre. Gạo của thời ấy xát cũng không được kỹ như bây giờ nên thường có mày gạo, đôi khi sàng không kỹ còn bị lẫn sạn rất nhiều, nên mẹ tỉ mẩn nhặt từng hạt sạn.

Mẹ đong gạo, nấu cơm rất khéo, bởi mỗi hạt gạo đối với người nông dân là những hạt ngọc - thành quả xứng đáng cho những ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên cánh đồng, không được phí phạm. Mẹ thả chiếc gàu xuống giếng khơi, múc lên những giọt nước ngầm trong veo của lòng đất mẹ đổ ra thau nhỏ, vo cho đến khi gạo trắng tinh tươm.

Nấu cơm bằng nồi gang là ngon nhất, nhưng khi đổ nước phải để ý cho cẩn thận - nếu cho nhiều nước cơm sẽ nhão, cho ít nước cơm sẽ khô, tùy từng loại gạo mà canh nước sao cho phù hợp. Đối với gạo lúa mùa phải cho ít nước, đối với gạo mùa chiêm thì cho nhiều nước hơn. Khi nước sôi, chiếc vung xoong sẽ nhảy nhót như muốn trôi khỏi miệng nồi. Lúc đó mẹ sẽ hạ lửa, chỉ để ngọn lửa liu riu.

“Trong lúc nấu cơm, mẹ tỉ tê dặn con gái: “Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Sau này lớn lên, trong cuộc sống, dù con có gặp hoàn cảnh nào, nhớ “một sự nhịn, chín sự lành”, “lạt mềm buộc chặt”; trong gia đình không nên tranh cãi thắng thua, phân bì cao thấp với người mình yêu thương con ạ. Chúng sẽ khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, mọi người ai cũng sẽ tổn thương”. Lúc ấy tôi tò mò hỏi mẹ, đó là lý do mẹ luôn nhẫn nhịn ba đúng không? 

Tôi chứng kiến, có lần ba đã không nói không rằng, không để mẹ giải thích đã vội vàng kết tội bằng cú tát in hằn 5 ngón tay thô của ba trên mặt mẹ. Lúc ấy, mẹ chỉ lặng thinh, hai hàng nước mắt cứ thế rơi lã chã. Nhưng sự im lặng của mẹ khiến ba nhanh chóng hối hận.

Bữa cơm chiều, ba chủ động gắp cá vào chén mẹ để làm lành và quay sang tôi mắng yêu: “Mẹ con nấu ăn là số 1, đâu đoảng như con gái ba, lúc nào nấu cũng “trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoét”. Tôi phụng phịu cãi lại: “Nấu như thế khó lắm chớ bộ”. Cả nhà tôi cười giòn trong bữa cơm chiều đạm bạc và ấm cúng, xóa tan đi mọi hiềm khích, giận hờn, chỉ còn hơi ấm của tình thương.

Bài học “cơm sôi nhỏ lửa” đã theo tôi trên hành trình làm vợ, làm mẹ để giữ mái ấm gia đình luôn bình an, hạnh phúc. Bây giờ, tôi dùng nồi cơm điện, không cần phải “nhỏ lửa khi cơm sôi”, bài học “giận quá mất khôn” của mẹ vẫn luôn giúp tôi không làm cho những người mình thương yêu bị tổn thương. 

Nguyễn Thắm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI