Cơm nhà, cơm hàng

15/02/2020 - 17:33

PNO - Cuối cùng, đời người quý giá phút quây quần ngó mặt nhau trong bữa cơm nhà, chứ không phải nhàng hàng sang trọng hay lẻ loi bên hộp cơm trắng rệu rã.

Giờ trưa ở văn phòng, mọi người tíu tít rủ nhau đi ăn. Một chị đồng nghiệp bỗng lấy từ trong cái túi giữ ấm ra cơm và đồ ăn mang sẵn từ nhà. Chị có phần ngại ngần trước nhiều ánh mắt tò mò xen lẫn ngạc nhiên.

Bất ngờ có nhiều tiếng lao xao vang lên: “Chị sướng nhất phòng mình rồi đấy, có cơm nhà mà ăn”, “Ước gì mình được như chị ấy, có mấy món đơn giản mà đủ chất thế này cho bữa trưa vội vàng nhỉ?”, “Ai chuẩn bị cho chị vậy? Thích quá!”. Rồi họ rủ rê nhau: “Hay chúng ta cùng bắt chước chị, từ ngày mai, chịu khó một chút mà an toàn, ngon miệng, lại đỡ tốn kém?”.

 

Biết đấy chỉ là những cảm xúc, ý định bộc phát nhất thời trước bữa cơm nhà làm, nhưng cũng đủ để hiểu, người ta bắt đầu ngán ngẩm cảnh cơm hàng cháo chợ lắm rồi. Những bữa ăn trệu trạo lẫn lộn được đựng trong hộp nhựa màu trắng, ngờ ngợ về xuất xứ lẫn mức độ dinh dưỡng.

Các mâm cơm văn phòng nhiều ngăn nhưng ít ỏi, chẳng đủ no cho cả ngày làm việc. Ngay cả những dịp được ngồi với nhau trong một nhà hàng sang trọng, gọi những món thời thượng thì người ta cũng dần thấy e sợ bởi tính công nghiệp của nó. 

Nhớ khi xưa, lúc “cơm hộp” mới xuất hiện, thiên hạ cũng đầy háo hức. Cảm giác mình hiện đại, sành điệu, sắp được giải phóng khỏi bếp núc chợ búa và những lần nát óc chẳng biết mua gì, nấu gì. Thấy ai ăn “cơm hộp” thì lại nghĩ, họ sống vậy mới… đúng điệu, thật là một người thức thời và nhanh nhẹn, năng động làm sao!

Nhiều gia đình làm cuộc cách mạng bằng cách chiều chiều tối tối kéo nhau ra hàng cơm đầu hẻm, mỗi người một dĩa, tiện lợi, nhanh gọn, đỡ tốn thời gian và công sức, tính ra cũng rẻ. Thế nhưng năm bữa nửa tháng thôi, là đã vướng phải sự phản kháng có phần quyết liệt của các thành viên trong gia đình. Là thôi mình về nhà, cắm nồi cơm, làm mấy món dễ nấu, rồi chan chan húp húp, có khi hay hơn à…

Bây giờ, càng không lạ gì mấy câu than thở, kiểu như: “Trưa nào cũng chẳng biết ăn gì”, “Tôi ngán cơm căng-tin muốn chết”, hoặc “Quán đó chả có món gì ăn được”. Thực ra chưa hẳn vì hàng quán nấu dở hay ít món, mà bởi người ăn cứ thấy thiếu một thứ gì chẳng rõ. Của tiềm thức, của thói quen, của thân thương, của bếp ấm nhà vui thì phải…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một người đàn ông độc thân kể, từng có lần được chị đồng nghiệp thân tình mời đến nhà dùng bữa tối với gia đình chị ấy. Lòng đã hình dung ra mâm bát xôn xao, trẻ con rơi vãi, ấm áp bên canh riêu cá ăn với cà nhà muối, dĩa rau xanh ngắt chấm trứng luộc hay mắm nêm… Thế nên anh không khỏi bất ngờ và thất vọng khi được gia chủ “lùa” ra nhà hàng sang trọng gần đấy. Lịch sự, chu đáo, đủ đầy, tất nhiên không có gì để anh chê trách. Nhưng hỏi lòng vui không, anh chỉ biết gượng cười…

Còn nhớ có dạo cư dân mạng xôn xao ngưỡng mộ trước những bữa cơm trưa do một cô vợ trẻ bỉm sữa chuẩn bị cho chồng mang đi làm: nhiều sắc màu, đầy đặn, thay đổi món thường xuyên. Cô ấy thổ lộ, là chỉ cần biết sắp xếp, chịu khó dậy sớm chút, quan trọng là có lòng với nhau. Bên cạnh những lời trầm trồ, học hỏi xin ít kinh nghiệm, bí kíp, cũng không ít những câu khó nghe như “rảnh rỗi sinh nông nổi” hay “mất thời gian” như có người đã lo sợ gặp phải. Bởi vì đâu nhịp sống ngày càng vội, càng nhanh, càng đặt mục tiêu tiện lợi lên hàng đầu, mà người ta lại bắt đầu đi ngược lại xu thế, bằng cách nâng niu từng bữa cơm nhà như thế này?

Ừ thì, cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi. Điều gì phù hợp thì ở lại, những thứ ảo diệu nhưng đánh mất sự tự nhiên an lành thì tất sẽ bị cuộc sống đào thải. Những cơm hộp, cơm quán, cơm tiệm, cơm hàng cũng thế. Ngon thì có ngon đấy, đổi món lạ miệng cũng có, nhiều tiện ích cũng không ai chối cãi. Nhưng cuối cùng, đời người quây quần nghỉ ngơi ngó mặt nhau trong những bữa cơm nhà chứ không phải trong những khoảnh khắc tất bật hoặc lẻ loi bên hộp cơm trắng rệu rã.

Người ta muôn đời vẫn mong một chỗ đi về, dù chỉ để được ăn bữa cơm đơn sơ bình thường nhất… 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI