Có những ngày, chị bỗng thấy khát khao một chiếc vé về với tuổi thơ, về với những bữa cơm nhà. Mẹ hái rau ngoài vườn vào nấu canh, vớt cà muối trong chum sành vén thành một đĩa, có nồi cá kho cha kiếm được từ bữa dọn ao của nhà bên... Bữa cơm thường dọn ra ngoài hiên, cả nhà lẻng xẻng bát đĩa dưới ánh trăng vằng vặc, gió trời mát dịu. Nhớ ngày mưa giông tối sầm, mẹ thổi một nồi cơm nếp đỗ đen, vùi trong lớp than hồng cho nóng, khi nhấc ra đã nguyên lớp tro lẫn vào cơm nhưng sao vẫn thấy ngon đến lạ. Vì khi đó có mẹ, có cha, có anh, có chị, có đó một gia đình.
Những bữa cơm nhà. Ảnh minh họa
Để rồi ngày xa quê, trưởng thành, lấy chồng nơi đất khách quê người, dù mâm cao cỗ đầy bày biện ngay trước mắt vẫn thấy sao không bằng nổi những bữa cơm nhà như xưa. Chồng chị thường đi đến tận đêm khuya mới về, nghe đâu dự án đang gấp, hết cái này lại sang cái khác, quanh năm suốt tháng không bao giờ về đúng một bữa cơm. Hai đứa nhỏ được mẹ dọn cơm cho ăn trước, lúc nào cũng ngước lên thắc mắc sao bố không về ăn chung với mình hả mẹ. Chị chỉ biết nuốt nước mắt, cố gằn giọng mắng con thật to để át đi cả nỗi trống trải bên trong.
Chị thương con, thương mình, nhiều khi không ngăn nổi được việc bày tỏ nỗi niềm với anh. Nhưng mỗi lần chị bảo anh về sớm ăn cơm nhà, anh đều gạt đi. Anh bảo, một hạt gạo, một bó rau, một con cá, một buổi đi học của con hay đơn giản là cốc nước lọc giữa thành phố này, tất cả đều là tiền. Bao nhiêu áp lực đè nặng, anh đâu thể ngồi đó đợi cả nhà chết đói. Cái gì cũng phải đánh đổi. Anh đi kiếm tiền chứ không đi chơi, nên xin chị ngồi yên lo phận đàn bà trong nhà cho xong. Cơm nào chả là cơm, ăn vào trong bụng rồi cũng như nhau, ăn trước hay ăn sau chả thế!
Ảnh minh họa
Anh ngờ đâu được, những lời anh nói như nhát dao cứa vào lòng chị đau nhói. Tối hôm sau anh đi làm về, chỉ còn thấy một mâm cơm đã được bày biện sẵn, lồng bàn úp lại gọn gàng. Anh nhấc lồng bàn ra, bên trong là 4 chiếc bát và 4 đôi đũa, thể hiện cho 4 người trong gia đình anh, nhưng lại chẳng còn thấy ai ở nhà nữa. Dưới đĩa nem rán là mẩu giấy chị để lại: “Không có những bữa cơm nhà, còn đâu là một gia đình”. Anh bỗng cảm thấy căn nhà lạnh lẽo đến vô cùng, đó là lần đầu tiên cố gắng lắm anh mới ăn hết nổi một bát cơm, dù cho những món chị để lại đều rất ngon đi nữa.
Anh mới biết, không phải cơm nào cũng là cơm nhà. Anh gọi điện cho chị, nhưng chị không nhấc máy. Chị chỉ nhắn lại cho anh: “Mẹ con em về ở nhà ngoại. Cứ coi như nghỉ hè. Nhưng thực ra là đợi đến khi anh hiểu điều gì là quan trọng nhất với mình”. Đến lúc này, anh mới bình tâm suy nghĩ lại. Điếu thuốc tàn trên tay, cũng là khi anh hiểu rằng chẳng có điều gì trên đời này quan trọng hơn gia đình, kể cả đó có là công danh, sự nghiệp hay tiền bạc đi nữa. Có một gia đình rất dễ nhưng giữ được một gia đình mới thật là khó.
Ảnh minh họa
Bao lâu nay, anh không hay con mình đã biết những gì, đã lớn lên ra sao. Những lần anh về nhà, các con đã đến giờ chuẩn bị đi ngủ, chỉ chào bố qua loa rồi vào phòng. Anh không nhận ra những cái ôm, cái thơm hay sự hỏi han thân mật giữa bố con đã biến mất từ lúc nào. Anh cũng không biết một ngày ở nhà vợ làm những gì, có tâm sự, nỗi niềm gì không? Vợ chồng cứ khách sáo, cứ có khoảng cách với nhau vì mỗi lần ăn cơm chung, anh đều mải dán mắt vào màn hình điện thoại hay tivi, chẳng trao đổi gì nhiều. Nhiều khi anh bảo chị ăn cơm trước, đừng đợi, chị chỉ trả lời ăn muộn thành quen rồi.
Nhưng anh đâu biết, là chị luôn cố gắng đợi anh dù bụng cứ đến giờ cơm tối là sôi liên tục đi nữa. Chị nghĩ anh làm việc vất vả, thường chỉ lót dạ bằng bữa phụ bánh trái ở công ty nên mình ăn trước thì không đặng. Chị cũng sợ anh ngồi cặm cụi ăn cơm một mình thì buồn, sợ vợ chồng không có khoảng thời gian nào để gặp nhau ngoài bữa cơm muộn. Chị cố gắng rất nhiều, mà anh nào đâu có hay. Dù cho chị có ngồi đối diện với anh bên những mâm cơm vào 10h tối, anh cũng chỉ xem chị như người vô hình, ừ hữ cho qua những câu chuyện chị gợi ra.
Đúng là có những thứ khi mất đi, người ta mới hiểu giá trị của nó. Anh vội vàng bắt chuyến xe trong đêm để về quê với mẹ con chị. Tờ mờ sớm, khi chị thức dậy đã thấy anh nằm ngủ trên chiếc trường kỷ nhà ngoại từ lúc nào. Chị có chút giật mình, nhưng rất nhanh thôi đã thấy lòng mình hát khúc hoan ca. Chị gọi anh dậy, nhìn dịu dàng vào gương mặt còn ngái ngủ của anh. Mở mắt ra, câu đầu tiên anh nói với chị: “Anh xin lỗi. Mình sẽ cùng nhau về nhà nhé! Không có gia đình, tiền cũng chẳng nghĩa lý gì cả”.
Ảnh minh họa
Chị mỉm cười. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đã cướp mất anh của chị, nhưng nay anh đã lại trở về vẹn nguyên nơi đây. Anh nắm lấy tay chị, thủ thỉ: “Anh tính rồi, anh sẽ về sớm ăn cơm và cùng chơi với các con. Đến đêm con ngủ, anh sẽ thức để làm việc thêm một chút. Em nhé!”. Trong ánh mắt của anh, chị nhìn thấy được tình yêu và sự cố gắng anh dành cho chị và gia đình nhỏ. Chỉ bấy nhiêu thôi là đủ rồi.
Ông ngoại đi đâu từ sáng sớm đã về ngoài ngõ, gọi to, giọng sang sảng: “Hai đứa dậy chưa? Ông bắt được con cá to chưa này! Tối nay, cả nhà bác Trung, bác Thủy cũng sẽ về đấy! Đại gia đình mình làm một bữa cơm nhà thật hoàn tráng nhỉ?”. “Dạ vâng! Cơm nhà là nhất bố ơi!”, chị hào hứng đáp lại. Đúng là dẫu cho có đi xa vạn dặm, những bữa cơm nhà vẫn là nơi neo đậu tâm hồn mỗi người con, là nơi đoàn tụ sum họp đầy yêu thương. “Thiếu cơm nhà, còn đâu là gia đình, mình nhỉ?”, chị nháy mắt tinh nghịch nhìn anh.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.