Má gửi vào nhóm chat gia đình hình chảo mắm ruốc xào sả, cùng mớ đậu rồng xanh um. Đám con nhao nhao. Đứa hít hà, đứa tiếc nuối. Má giờ 70 tuổi vẫn còn tự nấu nướng, tự trồng lấy cho mình dăm thứ rau củ nơi mảnh sân vườn nhà vỏn vẹn mấy chục mét vuông.
Đám con lớn dần tứ tán theo công việc, theo gia đình nhỏ của mình, còn ba má cứ bám mảnh đất ven đô mà sống. Đám con lần lượt dời vào nội ô, trong mấy căn chung cư hình hộp, đóng nhãn mác cao cấp, vỏn vẹn mấy chục mét vuông, tính ra chỉ bằng miếng vườn nho nhỏ của ba má.
***
Lấy chồng, chị là đứa con cuối cùng rời nhà đi. Khi đó, mấy anh em xúm lại bàn nhau rồi năn nỉ ba má bán đất bán nhà, theo đám con vào nội ô để bầy con tiện bề chăm sóc. Gì chớ ở cái đất Sài Gòn này, từ khu trung tâm dạt ra mé ngoại thành mất một, hai tiếng. Lúc kẹt xe hay trời mưa, ban đêm ban hôm, có khi còn lâu hơn. Tỉ như ông anh lớn lấy vợ rồi dọn về khu Q.10 cho tiện đi làm. Đoạn đường chạy về nhà ba má là hơn một tiếng. Con em gái kế theo chồng dọn về một khu đô thị mới bên Q.7, khoảng cách nới ra thêm.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Cứ vậy lần lượt mấy đứa con của ba má đứa quận này, đứa quận khác. Dụ dỗ suốt mà ba má vẫn không đi. Ở riết thành quen. Ở từ hồi ông bà đi qua sóng gió thời cuộc, tới ba má gầy dựng khi vùng đất còn toàn ruộng, lục bình. Mùa mưa ngập, mùa nắng nứt đất. Mang tiếng thị thành chớ khác chi miệt đồng bưng. Nên thôi, đám con lớn thì đi, hệt như sáo sổ lồng. Ba má thui thủi hai thân già ở lại căn nhà cũ thênh thang mang đầy ký ức.
Thời may, ba má làm nông quen tay, trời cho sức khỏe, ốm đau cứ uống mấy lá thuốc ba tự trồng trong vườn. Trong nhà, chai dầu gió như báu vật, hễ đau bụng nhức đầu thì xức. Mấy đứa con bôn ba ngược xuôi với cơm áo gạo tiền dần dà quên bẵng việc đón ba má về ở chung. Đôi lúc cuối tuần rảnh rỗi, đám con mới kéo về, mà cũng hiếm khi đông đủ. Mấy bận nhà giỗ tiệc, nếu không trùng ngày cuối tuần thì chỉ cặp vợ chồng già bày mâm cúng chụp hình gửi vô nhóm chat gia đình rồi tự dọn bàn ăn cùng năm ba ông bà già chung xóm. Tết nhứt có khi đám con chỉ ghé về một hai bữa rồi kéo nhau đi du lịch, thành ra mấy bữa cơm đoàn tụ trong nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.
***
Mỗi hè, mấy đứa cháu lại được dịp về chơi với ông bà. Đám con khỏe re, ba má thì mừng rơn. Xóm ven đô còn mấy con mương, cỏ lá xanh um, cây vườn nhà trĩu trịt mấy loại trái như mận, trứng cá, cóc…
Ven đô nên cái chợ dù mang tiếng chợ ở Sài Gòn mà đâu khác quê là mấy. Chợ họp sáng sớm bán mấy món bánh mà đám trẻ thị thành chưa từng ăn. Theo chân ông bà đi chợ riết tụi nhỏ đâm ra thích mấy món quà quê như bánh da lợn, bánh ú, bánh bò, chuối xào dừa, bánh ống… Đám trẻ quên luôn nội ô, quên căn nhà hình hộp trong chung cư cao tầng. Vậy chớ ông bà già hằng ngày vẫn chụp hình mấy món ăn gửi vào nhóm chat cho mấy đứa con yên tâm rằng tụi nhỏ vẫn được chăm chút đầy đủ, chu đáo từ miếng ăn.
Nhận tấm hình, chị rối rít gọi điện thoại trách con trai mê chơi, đi cả tuần chẳng thèm gọi điện cho mẹ. Thằng con chị cười hắc hắc: “Con mắc chơi, mẹ kiếm con thì cứ gọi cho ngoại là biết”. Chị ờ, cúp máy, nhẩm tính hình như cũng hiếm khi chị chủ động gọi cho ba má bởi mỗi lần có gì cần, ba má tự gọi, chị lu bu từ việc công ty đến chăm mấy đứa con. Hai ba tháng, chị chạy về một buổi đưa má vài triệu đồng dù lần nào ba má cũng lắc đầu: “Ba má sống bằng lương hưu mà. Ở đây đồ gì cũng rẻ, có thiếu thốn thứ chi đâu con”.
Chiều thứ Sáu, chị rủ anh về nhà ba má ăn cơm ké. Mấy thứ gà quay, thịt heo, thịt bò chị ngán quá. Anh hỏi chị nhớ con à, chị gật đầu cái rụp. Mà thiệt lòng quãng đường từ căn nhà ở Q.6 chạy về ven đô rất xa. Hẳn ba má sẽ bất ngờ lắm. Chị nhớ con khác nào ba má nhớ chị. Đám con cứ mòn gót đời mình qua nhiều ngả đường, mà đường về nhà thì xa mấy cũng gần, lừng khừng mần chi không về? Chị nhắn tin riêng cho mấy anh chị em khác. Chị hỏi có ai nhớ ba má bao nhiêu tuổi, ai cũng nhớ hết trơn! “Vậy chớ ba má còn bao nhiêu năm nữa để ăn cơm chung với tụi mình?” - câu hỏi của chị rơi vào im lặng. Chị nói nay chị về ăn cơm ké ba má.
***
Cơm ké ba má tầm 9 giờ tối ven đô thì chỉ có mớ ba khía má mới trộn, ít rau càng cua má hái ngoài vườn rồi bóp chanh tỏi ớt. Cơm nguội lạnh, ăn vậy mà bắt miệng. Chồng chị ăn ngấu nghiến. Thằng con chưng hửng hổng biết sao nay cha mẹ nó về. Mấy đứa cháu cứ tụm ngoài sân vườn chơi với nhau. Tiếng la hét rượt đuổi inh ỏi. Tầm sáu đứa chứ ít ỏi gì. Hổng biết ba má có mệt với đám cháu này không mà cứ cười miết.
Tiếng côn trùng rỉ rả vào một đêm sao chi chít. Mấy món đồ chơi ba má tự tay làm cho đám cháu nhìn cưng hết biết. Ông bà còn dạy tụi nhỏ làm bánh in, con chị khoe như vậy. Chị ngồi bên bếp sau nhà nhìn ra khoảng vườn mà nhớ cái thời trẻ nhỏ của mấy anh chị em mình. Đang miên man thì nghe tiếng xe thắng lại, đèn xe pha vào cổng nhà. Ai vậy kìa? Mấy đứa nhỏ reo rần rần: cậu Hai, cô Tư… Ông bà vội vã ra cửa. Lát sau, bếp nhà lại nhộn nhịp. Anh Hai nói thằng út đang chở vợ con về. Ba má dáo dác nhìn nhau: “Không phải lễ, chẳng có giỗ, càng không phải tết, tụi bây về chi?”. “Thì về ăn cơm ké. Dạo này mần ăn khó quá, mai mốt tụi con về ăn cơm ké hoài luôn đó nha” - anh Hai vừa nói vừa cười.
Trong ánh đèn vàng của cái bếp sau nhà, tóc của thằng con trai lớn nhất nhà đã lốm đốm bạc. Tóc ông bà cũng đã trắng phau. “Ăn cơm ké mà ăn tập đoàn vậy chịu sao nổi, thôi cơm gạo đâu nuôi nổi, đi lẹ lẹ giùm tui!” - má lấy tay xua xua. Nụ cười hạnh phúc của má làm hằn rõ dấu vết thời gian nơi đuôi mắt. Phía vườn nhà, ba vẫn cặm cụi theo mấy trò phá nghịch của đám cháu.
Đã gọi là ăn ké thì đuổi cũng đâu có đi. Đi qua thác ghềnh dâu bể cuộc đời, kỳ thực đâu phải ai cũng còn ba má để về ăn cơm ké. Mà dẫu có còn chăng nữa thì ai rồi cũng hiểu bữa cơm ké đó cũng chỉ còn kéo dài thêm được ít năm. Cơm nhà của ba má dẫu chỉ là lúc mình tạt về ké một thì một đỗi vẫn là chút ấm áp đầy niềm vui trong lòng hai người già.
Tuổi này của ba má, thiệt tình thì mấy bữa cơm ké như vậy khác nào những niềm vui xế chiều. Đám con ké càng nhiều ba má càng vui. Người già đâu ai muốn côi cút giữa căn nhà cũ chứa đầy ký ức từ những ngày đám con còn nằm nôi, thời đi học… cho tới ngày con bước vào đời, giã biệt mái nhà thơ ấu.
Người già sống bằng ký ức, người trẻ sống bằng tương lai. Vậy nhưng từ hiện tại ngoái nhìn ký ức vẫn thấy đâu đó hình ảnh của mình mươi năm sau nữa, sẽ lại trông chờ mấy đứa con về ăn cơm ké…
Tống Phước Bảo