Những đường phân chia các khối màu dứt khoát làm cho các thiết kế color-block luôn tiềm ẩn sự mạnh mẽ, tươi vui và đầy sức sống. Color-block quyến rũ bởi sự pha trộn hài hòa mà ấn tượng của những khối màu có dạng hình học tưởng chừng đối lập nhau.
Một mùa thời trang đầy sắc màu
Khi thời trang trở nên ảm đạm bởi những sắc màu cơ bản hoặc quá hiền hòa với bảng màu pastel, color-block ra đời như một bản tuyên ngôn mạnh mẽ, bổ sung vào mảng màu còn thiếu, hệt như những bức tranh hình học thời kỳ hậu hiện đại của hội họa.
“Block” nghĩa là hình khối, tảng, ám chỉ các khối hình 3D như lập phương, hình hộp chữ nhật, hình lăng trụ hay khối chóp nhọn... Color-block không gì khác hơn các khối màu được sắp xếp theo quy tắc đồng màu hoặc đối lập bên cạnh nhau nhưng hỗ trợ nhau. Phong cách color-block trong thời trang là sự kết hợp từ hai đến nhiều khối màu trên cùng mẫu váy, áo, quần, các phụ kiện như giày, dép, túi xách… như thể một mùa xuân muôn hoa bừng nở.
Color-block xuất hiện lần đầu tại London (Anh) vào những năm 60 của thế kỷ XX, thập niên vàng son được bao phủ bởi tình yêu, sự tự do và phồn thịnh. London bấy giờ không phải là những thước phim ảm đạm như các bộ phim miêu tả mà trở thành kinh đô sản sinh các xu hướng thời trang, âm nhạc khiến các cô gái, chàng trai nhún nhảy cả ngày.
Công bằng mà nói, color-block như nhiều trào lưu khác được sinh ra trong giai đoạn này, đến tự nhiên như làn gió rồi từ đó lan tinh thần vui sống, ý tưởng tự do và sự đơn giản, thoải mái đi khắp châu Âu, sang đến Mỹ như âm nhạc của The Beatles, phim của William Klein, đầm dạ tiệc Mondrian của Yves Saint Laurent.
|
Trong thập niên này, lần đầu tiên, sàn catwalk đưa thời trang xuống phố. Và ngược lại, phong cách đường phố cũng tương tác đến bộ sưu tập của các nhà thiết kế. Color-block dần có mặt trong các bộ sưu tập thời thượng, tiêu biểu nhất là bộ sưu tập của Yves Saint Laurent năm 1965. Cũng trong thập niên này, các nhà thiết kế bắt đầu ưu ái trang phục may sẵn, ít đắt đỏ hơn và có thể tiêu thụ ngay lập tức. Đây cũng là khoảng thời gian việc ăn mặc đồng nghĩa tự do biểu đạt suy nghĩ, đặc biệt là với phụ nữ. Bởi vậy, khi các cô gái trẻ bắt đầu dạo bước trên những vỉa hè lát gạch cổ điển và thơ mộng của London trong những bộ cánh đầy màu sắc, người ta đương nhiên cũng bắt đầu coi đó là một phong cách để học theo.
Năm 1962, Mary Quant sáng tạo ra những chiếc mini jupe. Ngay lập tức, chúng được Twiggy phổ biến. Phô bày gần như trọn vẹn đôi chân thẳng tắp chẳng còn là điều cấm kỵ, chúng trở thành một hình thức đẹp và hợp thời dù Coco Chanel và Christian Dior chẳng mấy tán đồng. Mini jupe đỏ trở thành biểu tượng của sự quyến rũ và đầy khao khát.
Color-block không chuộng những họa tiết cầu kỳ. Thay vào đó, chúng kết hợp các khối màu trơn ở dạng hình học như hình vuông, chữ nhật, tam giác... với các đường cắt may tinh tế. Luôn rực rỡ, mới mẻ và đầy bất ngờ nhưng vẫn rất thanh lịch là lý do sau nhiều biến thiên, phong cách này vẫn giữ nguyên giá trị.
Năm 2011, color-block bắt đầu trở lại sàn diễn nhưng đến năm 2014 mới thực sự bùng nổ trong bộ sưu tập của những ông lớn như Dior, Chanel, Versace, Prada, Givenchy... Khi những trào lưu mới như unisex, minimalism… lên ngôi, color-block âm thầm lùi lại phía sau để mùa thời trang xuân - hè 2020 tiếp tục bừng sáng trên khắp các sàn diễn, street style, từ New York, Paris sang đến Milan. Từ Iceberg, Loewe, Pyer Moss cho đến Jacquemus, Gucci… hứa hẹn tạo nên một mùa thời trang đầy sắc màu.
Mặc sao cho chuẩn?
Đừng nghĩ chỉ cần khoác lên người trang phục nhiều sắc màu thì đó là color-block. Bất cứ khuynh hướng thời trang nào cũng có nguyên tắc cơ bản dành cho người mới bắt đầu. Với color-block, càng nắm vững nguyên tắc càng tốt, nếu bạn không muốn trở thành một… nàng vẹt.
Đầu tiên, chọn một tông màu chủ đạo, sau đó chọn một đến hai tông màu nằm sát tông màu chính, bạn sẽ có ngay set đồ color-block vừa chuẩn, vừa trẻ trung. Giải pháp an toàn nhất là kết hợp những gam màu tươi tắn như cam, đỏ, hồng, xanh lá, vàng tươi cùng những gam màu trung tính phổ biến như: ghi, xám, đen, trắng, be giữa phần trên và dưới của trang phục. Sự kết hợp này vừa tạo nên sự đồng điệu cho trang phục vừa nhấn nhá được nét trẻ trung tươi tắn.
Nếu không thích rực rỡ và ngại gây chú ý, color-block với những gam màu pastel là một sự kết hợp thú vị, mang đến nét thanh lịch, trang nhã.
Muốn thoát khỏi vùng an toàn, bạn hãy thử sức với nguyên tắc tương phản - chọn hai tông màu đối lập trên bánh xe màu sắc, một gam màu nóng kết hợp với một gam màu lạnh, bạn sẽ trở nên nổi bật và thu hút vô cùng.
Phối màu vuông góc là cách phối sáng tạo nhất, thiên biến vạn hóa, thường được các fashionista áp dụng. Thoạt trông hai màu chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng khi kết hợp thì hoàn hảo không tưởng. Chẳng hạn: cam - xanh lá, vàng - xanh biển, vàng cam - đỏ, xanh nhạt - xanh lá…
Thư Hiên