Colombia hợp pháp hóa việc phá thai

22/02/2022 - 12:57

PNO - Hôm 21/2, Tòa án Hiến pháp Colombia đã ra phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai, mở đường cho việc bảo vệ tốt hơn quyền lợi của phụ nữ ở đất nước Công giáo có bề dày lịch sử này.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Colombia - tòa án tối cao của đất nước - được đưa ra sau nhiều năm các tổ chức của phụ nữ trên khắp châu Mỹ Latinh đấu tranh đòi nhiều quyền lợi hơn, trong đó có quyền được phá thai, đồng thời có những thay đổi đáng kể luật pháp của một số quốc gia đông dân nhất trong khu vực liên quan đến quyền này.

Những người ủng hộ phá thai vui mừng Những người ủng hộ quyền phá thai ăn mừng trước Tòa án Hiến pháp Colombia sau phán quyết ủng hộ việc hủy bỏ việc phá thai ở Bogotá
Những người ủng hộ quyền phá thai vui mừng trước Tòa án Hiến pháp Colombia sau phán quyết ủng hộ việc hủy bỏ cấm phá thai ở Bogotá

Vào tháng 9/2020, Tòa án Tối cao của Mexico đã đưa ra một phán quyết tương tự, không còn xem phá thai là vi phạm pháp luật. Quốc hội Argentina cũng đã hợp pháp hóa thủ tục này vào cuối năm 2020.

Theo tờ The New York Times (NYT), phán quyết của các nước Mỹ Latinh đang đi ngược lại với những gì đang diễn ra  ở Mỹ, nơi có nhiều bang đưa ra các quy định hạn chế phá thai trong thời gian gần đây.

“Phán quyết có tính lịch sử này sẽ đưa Colombia lên vị trí tiên phong ở Mỹ Latinh trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái”, Mariana Ardila - một luật sư người Colombia thuộc tổ chức Women’s Link Worldwide, một thành viên của liên minh đã đưa ra một trong hai trường hợp để phản biện việc xem phá thai như một tội phạm hình sự - cũng nhận định.

Phát quyết của tòa án Colombia nêu rõ việc phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ là hợp pháp, có nghĩa là bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể yêu cầu chuyên gia y tế thực hiện quy trình này cho mình mà không sợ bị truy tố hình sự. Theo tờ NYT, phán quyết cũng sẽ tạo tiền đề để chính phủ Colombia đưa ra những quy định cụ thể về thủ tục này.

Trong 9 thẩm phán của Tòa án hiến pháp Colombia, có 5 thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ việc hợp pháp hóa thủ tục phá thai.

Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bỏ phiếu, Thẩm phán Alberto Rojas Ríos - người ủng hộ việc xem phá thai là hợp pháp - đã nói rằng, phán quyết này là “kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài vì quyền tự do của phụ nữ, và là một bước tiến trong quyền tự quyết của phụ nữ Colombia”.

Theo một quyết định của Tòa án Hiến pháp Comlombia năm 2006, việc phá thai chỉ hợp pháp trong một số trường hợp hạn chế, chẳng hạn: khi người mẹ gặp rủi ro về sức khỏe, khi thai nhi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc khi người phụ nữ mang thai do bị cưỡng hiếp. Ngoài các trường hợp này, bất kỳ ai phá thai hoặc giúp một phụ nữ phá thai đều có thể bị kết án tù từ 16-54 tháng.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền phá thai thường cho rằng, quy định pháp luật về việc phá thai hiện nay của Colombia sẽ phân cấp phụ nữ thành 2 nhóm: Những phụ nữ giàu có hơn ở các thành phố có thể phá thai vì họ biết cách vận dụng các trường hợp ngoại lệ được quy định trong luật, trong khi những phụ nữ nghèo hơn có trình độ học vấn thấp và kiến ​​thức hạn chế sẽ khó có thể làm điều này.

Mỗi năm, các công tố viên ở Colombia phải thụ lý khoảng 400 hồ sơ liên quan đến những phụ nữ phá thai hoặc những người giúp đỡ họ phá thai, theo văn phòng tổng chưởng lý. Trong đó, ít nhất 346 người đã bị kết án kể từ năm 2006.

Theo các nhà nghiên cứu của Causa Justa - một liên minh của các nhóm bảo vệ quyền phá thai - đa số các trường hợp phá thai được điều tra đều diễn ra ở các vùng nông thôn của Colombia, và liên quan đến các bé gái mới 11 tuổi.

Theo Bộ Y tế Colombia, phá thai bất hợp pháp có thể không an toàn và gây ra khoảng 70 ca tử vong mỗi năm ở nước này.

Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức phi đảng phái Ipsos thực hiện cho thấy, trong khi 82% người Colombia ủng hộ việc phá thai trong một số trường hợp, chỉ 26% ủng hộ việc này trong mọi trường hợp.

Vì vậy, theo nhận định của NYT, quyết định của tòa án cũng sẽ có thể khiến cho các nhà hoạt động vì quyền phá thai, các nhà hoạch định chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe gặp khó khăn trong việc thực thi.

Nhất Nguyên (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI