Colombia ban hành "luật đồ ăn vặt"

11/11/2023 - 15:49

PNO - Quốc gia Mỹ Latinh này là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế y tế nhắm vào thực phẩm chế biến sẵn.

 

Kẹo được trưng bày tại một cửa hàng ở Cartagena, Colombia. Một luật mới trong nước sẽ đánh thuế thực phẩm chế biến sẵn. Ảnh: Jeff Greenberg/Universal Images Group/Getty Images
Một luật mới của Colombia sẽ đánh thuế thực phẩm chế biến sẵn. 

Với luật mới của Colombia sẽ  khiến nước này trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế vào thực phẩm chế biến sẵn. Quy định mới này đã được các chuyên gia y tế ca ngợi và cho rằng nó có thể làm gương cho các quốc gia khác.

Sau nhiều năm vận động, “luật đồ ăn vặt” đã có hiệu lực trong tháng này và thuế sẽ được áp dụng dần dần. Thuế bổ sung đối với thực phẩm bị ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ bắt đầu ở mức 10% sau đó tăng lên 15% vào năm tới và đạt 20% vào năm 2025.

Franco Sassi, giáo sư kinh tế và chính sách y tế quốc tế tại Trường Kinh doanh Imperial College London, cho biết: “Các quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện thuế y tế, chẳng hạn như đánh thuế thuốc lá hoặc đồ uống có đường, nhưng rất ít quốc gia mở rộng chúng sang thực phẩm chế biến sẵn. Mô hình của Colombia mở rộng hơn những gì chúng ta từng thấy trước đây và có thể dùng làm hình mẫu cho các quốc gia khác”.

Thuế nhắm vào các sản phẩm siêu chế biến được xác định là thực phẩm ăn liền được sản xuất công nghiệp, cũng như những sản phẩm có nhiều muối và chất béo bão hòa, chẳng hạn như sôcôla hoặc khoai tây chiên giòn. 

Chế độ ăn của người Colombia có nhiều natri, có liên quan đến sự gia tăng các bệnh tim mạch như đột quỵ và suy tim, nguyên nhân gây ra gần 1/4 số ca tử vong hàng năm. Người Colombia trung bình tiêu thụ 12g muối mỗi ngày - tỷ lệ cao nhất ở Mỹ Latinh và thuộc hàng cao nhất thế giới. Gần 1/3 người trưởng thành ở nước này bị huyết áp cao.

Các bệnh không lây nhiễm khác liên quan đến chế độ ăn kiêng và béo phì, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, với hơn 1/3 số ca tử vong do bệnh tiểu đường xảy ra ở độ tuổi dưới 70.

Beatriz Champagne, Giám đốc điều hành của Liên minh vì sức khỏe châu Mỹ, cho biết: “Chúng tôi muốn tránh đi theo con đường của các quốc gia công nghiệp giàu có khác - những nước mà các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống là một vấn đề lớn. Thuế này được áp dụng cho những sản phẩm có nhãn cảnh báo sức khỏe. Điều này tạo ra thông tin để người tiêu dùng tránh những sản phẩm này. Bởi cuối cùng, mục tiêu của nhà sản xuất thực phẩm công nghiệp hóa không phải là dinh dưỡng mà là kiếm tiền. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất không quan tâm liệu người tiêu dùng có ăn thực phẩm khiến họ bị bệnh hoặc tử vong hay không”.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI