Phải chịu thay đổi, quyết thay đổi
Bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM - cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường số. Vấn đề còn lại là làm gì để thích ứng, thích nghi từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Bà nói: “Đối với tôi, tiêu chí quan trọng nhất để chuyển đổi thành công là kỹ năng số. Kỹ năng này phụ thuộc vào sự hiểu biết, khả năng vận dụng của mỗi người. Tôi thấy nhiều phụ nữ đã thành công nhờ tìm hiểu và biết cách vận dụng”.
|
Các đại biểu trao đổi tại talk show. Từ trái sang: nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM; tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM); bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện Âu Cơ - ẢNH: PHÙNG HUY |
Là giảng viên đại học đồng thời là nhà nghiên cứu, tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho rằng, khó khăn nhất trong chuyển đổi số chính là con người không muốn hoặc sợ chuyển đổi. Song cần phải nhìn nhận, việc số hóa giúp chúng ta mang sản phẩm bán ra thị trường rộng lớn hơn thay vì chỉ quẩn quanh trong làng xã, địa phương. Nếu hiểu chuyển đổi số là công cụ thì phải chủ động tự học hỏi công nghệ.
Ước tính, trong năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 25% cơ cấu GDP và đến năm 2030, đạt khoảng 30%. Theo nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - với sự phát triển tỉ lệ như vậy, sự tham gia của phụ nữ vào kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết. Bà thấy các bạn nữ trẻ mua đồ online “nhoay nhoáy”, đang sử dụng công cụ số rất nhiều. Bà lưu ý, phụ nữ cần được hỗ trợ để sử dụng công cụ số một cách hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế.
Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, không chỉ những phụ nữ thế hệ từ 9X trở về trước mới gặp khó khăn khi chuyển đổi số, áp dụng kỹ thuật số, mà ngay cả các bạn nữ sinh sau năm 2000 cũng cho rằng không có sự bình đẳng trong tiếp cận công nghệ thông tin, bởi vẫn còn định kiến rằng đây là lĩnh vực dành cho nam giới. Do đó, để khẳng định bản thân trong lĩnh vực này, phụ nữ phải cố gắng hơn nam giới rất nhiều, phải chăm chỉ, cần cù, quyết tâm hơn, bởi họ phải tốn nhiều thời gian, công sức để vượt qua định kiến giới và cân bằng giữa chăm sóc gia đình với đam mê nghề nghiệp.
Chủ động bày tỏ những điều cần hỗ trợ
Tham gia vào rất nhiều dự án, được chính quyền, các hiệp hội quan tâm, hỗ trợ nhưng tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên cho rằng, sự kết nối, hỗ trợ chưa rõ ràng mà một trong những nguyên nhân là bản thân chưa đề xuất vấn đề cần được hỗ trợ. Do đó, bà đề nghị các nữ chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cần nêu ra được những điều mà mình mong được hỗ trợ.
Chẳng hạn, bạn phải xác định được mình muốn được dạy cách live stream, quay video, hay muốn được hỗ trợ vốn? Bà nói: “Với sự phát triển của công nghệ thông tin, tiếng nói của các bạn luôn được lắng nghe. Những người làm chính sách cũng tham gia các hội nhóm để lắng nghe các bạn nói. Để nhận được sự hỗ trợ thì các bạn phải chủ động bày tỏ mong muốn được hỗ trợ gì”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện Âu Cơ - thông tin, hầu hết chủ doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số là quan trọng, nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, phải đi từ dưới lên trên. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy của toàn bộ bộ máy và phải hiểu đó là sự sống còn. Nếu đầu tư máy móc hiện đại mà người sử dụng không hiểu thì không thể đạt được thành công. Phải thay đổi tư duy, ý nghĩ để tiếp tục phát triển bền vững chứ không phải chạy theo bề nổi.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh đề nghị, phụ nữ phải chủ động tiếp cận, học hỏi thì Nhà nước, chính quyền, các nền tảng mới thấy sự cố gắng, có cơ sở để chung tay hỗ trợ. HAWEE có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ, như hội thảo “Làm sao tiếp cận công nghệ”, “Làm sao quản lý doanh nghiệp hiệu quả trong thời đại chuyển đổi số”. HAWEE cũng có chương trình hỗ trợ “1 kèm 1” tức là 1 nữ doanh nhân thành đạt kèm cặp 1 phụ nữ khởi nghiệp. HAWEE cũng tổ chức các chương trình thăm hội viên, tham quan nhà máy để học hỏi thêm về việc chuyển đổi số thành công của các doanh nghiệp.
|
Bà Phạm Thị Vân Anh (bìa phải) - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia talk show “Phụ nữ tham gia phát triển kinh tế trong thời đại chuyển đổi số” - ẢNH: PHÙNG HUY |
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết thêm, thách thức lớn nhất và quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nhận thức và văn hóa doanh nghiệp. Yếu tố tiếp theo là kỹ năng số vì nó bao hàm rất nhiều khía cạnh, khởi đầu là trả lời qua email, họp trực tuyến. Chuyển đổi số không thành công phần lớn do nhân sự thiếu kỹ năng số, mô hình kinh doanh chưa rõ ràng. Để áp dụng số thành công, nhân sự trong doanh nghiệp phải biết kỹ năng số. Chuyển đổi số không có phép màu theo kiểu chỉ cần đầu tư dự án 200 triệu đồng sẽ giúp tăng doanh thu 10 - 20%, mà kết quả phụ thuộc vào mô hình chúng ta chuyển đổi.
Về cách tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi số, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, nơi nào gần mình nhất sẽ hỗ trợ mình tốt nhất. Ví dụ tổ chức gần với phụ nữ nhất là Hội LHPN TPHCM. Bà nói: “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các hiệp hội thực hiện các chương trình hướng đến đối tượng hỗ trợ phù hợp. Mặc dù là người làm kỹ thuật nhưng tôi đề cao vai trò của cá nhân, người thực hiện chứ không phải là công nghệ. Hành trình này không chỉ là câu chuyện bán hàng thành công trong 1-2 tháng mà là cả quá trình, là đứa con tinh thần cần quá trình 2-3 năm. Quá trình này luôn đi cùng quá trình vận hành của doanh nghiệp chứ không phải dự án đơn lẻ. Chúng tôi muốn đồng hành cùng chị em, doanh nghiệp do nữ làm chủ trong cả quá trình”.
Có kiến thức để hạn chế rủi ro Theo bà Võ Thị Trung Trinh, muốn vận dụng số thì phải hiểu số là gì. Cứ xem mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử là số để hiểu và sử dụng được. Sau đó, cần tiến tới sử dụng sao cho an toàn bởi nó gắn với hoạt động kinh doanh của mình. Nếu chuyển toàn bộ từ hình thức kinh doanh truyền thống sang môi trường số mà thiếu hiểu biết, thiếu an toàn thì rất nguy hiểm. Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, kinh doanh trên môi trường số hay môi trường truyền thống cũng cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình muốn tham gia thị trường. Nếu tham gia môi trường số thì phải làm gì cho phù hợp, các kênh nào có thể giúp mình mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường và thu được thuận lợi hơn. Kinh tế số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều rủi ro. Phải có kỹ năng, hiểu biết, mới tránh được rủi ro. Từ khóa để phụ nữ tham gia vào kinh tế số, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Anh là “thích ứng”, theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên là “chủ động”, theo bà Võ Thị Trung Trinh là “đam mê”. |
Mai Ca - Thanh Hoa