Không chỉ trao cho cấp chính quyền địa phương những “thanh kiếm lệnh” để phát huy tối đa tính tự chủ, cơ chế mới còn mở ra không gian cho các doanh nghiệp để có thể tự do trong suy nghĩ, mở rộng cơ hội tham gia đầu tư mà không bị đè nén bởi những giới hạn “kỹ thuật”, những ràng buộc “máy móc”.
Dự kiến trong tuần tới, các đại biểu Quốc hội sẽ “bấm nút” thông qua dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM bền vững. Như quan điểm đã nêu trong bài viết Cơ chế phù hợp để TP.HCM phát triển ắt tạo ra thế “nước lên, thuyền lên” đăng trên Báo Phụ Nữ số ra ngày 8/11, đây chính là động tác “cởi trói” tạo ra cơ chế - không phải đặc thù - mà là phù hợp với tầm vóc, quy mô của thành phố (TP).
Về phía các doanh nghiệp (DN) tin rằng, khi được trao quyền nhiều hơn trên nhiều phương diện, như chủ động trong thu chi tạo nguồn thu để phát triển, chủ động quyết định đầu tư hạ tầng... sẽ giúp TP.HCM giải quyết được những tắc nghẽn khiến TP bị “ngáng chân” bấy lâu nay. Đồng thời, vận dụng chính sách mới cho TP, các DN xem đây là cơ hội để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho lợi ích quốc gia.
Lợi ích mang tính chất khu vực cho thương hiệu quốc gia
“Chúng ta biết tắc nghẽn lớn nhất có lẽ tập trung nhiều ở cơ sở hạ tầng. Để phát triển, bao giờ cũng là hạ tầng. Nếu bây giờ TP chủ động nguồn để đầu tư cơ sở hạ tầng xứng tầm, sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho tất cả DN, bất kể là loại hình DN nào. Thực trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm, dân cư tập trung đông… tất cả đã ảnh hưởng một cách gián tiếp đến năng suất lao động, kéo ghì sự phát triển của DN”, ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - nói về vấn đề phân quyền.
|
Ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) |
Chưa kể, theo ông Dũng, việc cho TP chủ động, sẽ rút ngắn thời gian quyết định đầu tư các dự án. “Điều này giúp cho DN phát triển nhanh hơn. Thay vì một dự án có thể kéo dài, chôn vốn của DN vào đó, phải chịu lãi suất ngân hàng, đẩy giá thành của sản phẩm lên cao, đồng nghĩa năng lực cạnh tranh giảm xuống…
Giải quyết các vấn đề giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án cũng chính là làm giảm giá thành dự án mà các DN đang đeo đuổi. Giúp tăng sức cạnh tranh, các hoạt động kinh doanh, giao địch trở nên sôi nổi hơn. Và xa hơn, sẽ giúp cho nhiều DN ra đời, tạo ra cơ sở thuế rộng lớn hơn. Nguồn thu của Nhà nước sẽ tăng lên trong tương lai”, ông Dũng phân tích.
Theo người đứng đầu Saigon Co.op, cơ chế cho TP quyết định tạo ra nguồn thu, tức huy động nguồn thu có thể từ khối DN chứ không phải chỉ phụ thuộc vào ngân sách, sẽ tạo cơ hội để các DN tham gia vào các dự án lớn. Từ đó xây dựng được năng lực, nâng sức cạnh tranh của mình lên. Đó là những tác động lớn với DN của cơ chế mới.
“Hiện rất nhiều DN đang có nguồn lực lớn nhưng đầu ra của họ không biết bỏ vào đâu do những ách tắc mà TP đang chuẩn bị được cởi bỏ. Cần tháo nó ra cho họ được góp nguồn lực cùng với TP, càng nhiều thành phần tham gia, càng mở ra cơ hội phát triển. Ví dụ, với các dự án lớn, cho dù thành phần tham gia có công ty nước ngoài, thì DN nội địa vẫn hưởng lợi bởi mình vẫn có thể cung cấp dịch vụ, sản phẩm phụ trợ cho người ta. Càng nói càng thấy nhiều cơ hội” - ông Dũng cho biết.
|
|
Ở góc độ Saigon Co.op hướng về cơ chế mới cho TP, ông Dũng chia sẻ: “Là một thương hiệu quốc gia trưởng thành từ TP.HCM, cũng giống như TP vậy, chúng tôi kỳ vọng một cơ chế đúng cho TP sẽ tạo sự cộng hưởng thuận lợi để Saigon Co.op có nhiều cơ hội phát triển mạng lưới ở tầm vóc quốc gia và khu vực. Cơ chế mới cho TP mở ra những động lực mới không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các DN. Tôi nhắc lại, DN được hưởng lợi, đồng nghĩa cơ sở thuế tăng lên, nguồn thu chung tăng lên. Lợi ích mang tính chất khu vực chứ không riêng gì tỉnh thành nào, DN nào”.
Cơ hội cụ thể theo ông Dũng, chỉ cần hạ tầng được đầu tư tương xứng, trước mắt giảm được ùn tắc giao thông, ngập nước, bản thân Saigon Co.op cũng hưởng lợi nhờ giá thành sản xuất toàn xã hội giảm, chi phí logistics giảm, lượng khách hàng tiếp cận hệ thống siêu thị Co.opmart chắc chắn sẽ tăng lên.
Chính quyền thành phố hãy bắt tay ngay vào thời đại “cởi trói”
Đại diện đơn vị đang tập trung đổ vốn vào y tế, văn hóa, thể thao - những lĩnh vực mà TP kêu gọi hợp tác đầu tư, ông Tạ Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA - cho rằng, cơ chế “cởi trói” cho TP.HCM chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực cho DN. Họ sẽ mạnh dạn vận dụng những chính sách mới để phát triển kinh doanh, mạnh dạn tham gia và sẽ thuận lợi hơn trong các dự án theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư.
Đặc biệt, giúp những DN đang “liều mình” lao vào các lĩnh vực mà nhà nước muốn tư nhân góp phần nâng cấp, cải tạo và cùng khai thác hiệu quả các mô hình đúng định hướng, đúng chức năng như DHA có thể tự tin hơn.
Theo ông Cường, khi phân cấp cho HĐND TP quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của TP, thí điểm phân cấp cho UBND TP quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao, các khu chức năng đặc thù cấp quốc gia khác trên địa bàn... nghĩa là "cởi trói" trong công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai.
Như thế, sẽ giúp TP chủ động hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch, từ đó khuyến khích DN tham gia vào phát triển địa phương theo yêu cầu phát triển xã hội cũng như định hướng sử dụng đất tại địa phương đó.
|
Ông Tạ Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA |
“Trước giờ, DN chúng tôi đã có nhiều ý tưởng đóng góp cho địa phương với kế hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn mà vẫn trong khuôn khổ đã duyệt, thì đôi khi chỉ vì thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch nhiêu khê mà chúng tôi đành gác lại ý tưởng tâm huyết của mình. Tuy nhiên, do tính cấp bách của mệnh lệnh phát triển, chúng tôi tha thiết mong chính quyền TP nhanh chóng bắt tay ngay vào thời đại “cởi trói” này. Cụ thể như trường hợp chúng tôi, TP cần hướng dẫn ngay lại quy trình, cách thức để DN cùng tham gia đầu tư với những ý tưởng đã ấp ủ lâu nay”, ông Cường chân thành.
Theo cung cách “thẩm quyền Trung ương” như trước đây, DN thường có khuynh hướng bỏ qua những dự án lớn bởi phải ra Trung ương để xin chủ trương đầu tư. Do đó, họ sẽ chọn phương án an toàn với những dự án vừa tầm. “Địa phương hiểu rõ địa phương. Do vậy, nếu TP có nhiều quyền tự quyết hơn trong việc quyết định chủ trương cho dự án thuộc quy mô nhóm A hoặc được chỉ định thầu trong các hợp đồng đối tác công tư, DN có thể rút ngắn được quy trình pháp lý, giảm bớt áp lực từ cơ chế xin cho, khỏi phải chạy ra Trung ương hướng dẫn.
Hơn nữa, DN sẽ được tự do trong suy nghĩ, ý tưởng để phát triển theo các mô hình kết hợp đa năng, hiện đại của thế giới, nhưng vẫn mang đầy đủ chức năng, quy hoạch của từng dự án và quan trọng là không còn bị giới hạn bởi tổng mức đầu tư, quy mô dự án”, ông Cường mong mỏi.
Sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển của doanh nghiệp phù hợp chính sách mới
Ông Vũ Hải Hà - Giám đốc Công Ty TNHH Hàng hải dầu khí và phát triển bất động sản S.O.P.A.S - cho rằng, dù có muộn nhưng vẫn là TP đã được “cởi trói”, còn hơn không.
“Theo ý kiến của tôi, việc “cởi trói” này đáng ra phải làm từ năm 2007, ngay sau khi Việt Nam ra nhập WTO. Nhưng không sao, bây giờ cũng không trễ. Dưới góc độ một DN tư nhân, tôi cảm thấy rất hân hoan về việc này vì có hai vấn đề chính mà tôi hết sức quan tâm là TP được chủ động trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nhân tài”, ông Hà nói.
|
Ông Vũ Hải Hà - Giám đốc Công Ty TNHH Hàng hải dầu khí và phát triển bất động sản S.O.P.A.S |
Tương tự ông Dũng, ông Hà đánh giá vấn đề khẩn thiết nhất hiện nay của TP là cơ sở hạ tầng. “Tôi phải lặp đi lặp lại chữ cơ sở hạ tầng bởi nó là nền tảng cho mọi thứ phát triển. Chúng ta hãy nhìn Kuala Lumpur, Singapore, Thượng Hải… thì có thể hiểu cơ sở hạ tầng là tiên quyết như thế nào. Hiện nay giao thông TP đã quá tải, ngập ngày càng nặng hơn… TP phải được chủ động trong việc huy động vốn và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng là chuyện đương nhiên phù hợp”, ông Hà khẳng định.
Theo ông, nếu cơ chế này được thông qua, TP nên quy hoạch tổng thể lại thật hoàn hảo cơ sở hạ tầng. Sau đó, áp dụng các công nghệ và cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng mới nhất để thực hiện trong thời gian nhanh nhất và bền vững nhất.
“Các nước phát triển làm cầu đường thời gian tính theo ngày, còn mình thì tính theo tháng, thậm chí năm là quá lạc hậu. Cơ sở hạ tầng tốt, TP có dư tiềm năng trở thành trung tâm tài chính và thương mại của cả khu vực. Như ai cũng thấy, từ đó, TP sẽ là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư, đối tác và khách hàng khắp nơi trên thế giới đến làm ăn, kinh doanh, mua sắm. Như vậy, DN của TP và các vùng phụ cận sẽ được hưởng lợi theo cấp số nhân”, ông Hà nói.
Về quy định cho phép TP.HCM quyết định thu nhập đối với đội ngũ cán bộ, công chức, ông Hà cho rằng đây là vấn đề tuyệt vời mà cá nhân hoàn toàn ủng hộ với cơ chế mới cho TP.
“Vì khi TP đã được chủ động trong việc sử dụng nhân tài thì đương nhiên khả năng quản lý sẽ nâng lên rất nhanh và hiệu quả. Từ đó tạo ra nền tảng cho chính quyền đô thị và TP thông minh chính là con người, những con người làm cán bộ công chức đủ tâm và tầm. Lúc đó thì người dân và DN sẽ không phải tốn thời gian và chi phí cho nhưng thủ tục bất hợp lý như hiện nay nữa”, ông Hà bày tỏ.
Ngoài ra, khi TP được quyền chủ động kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, là cơ hội lớn cho DN. Họ sẽ có điều kiện tạo ra thêm nhiều việc làm cho người lao động, có lợi nhuận hợp lý và đặc biệt, góp công sức vào việc xây dựng TP.
“Theo quan điểm của tôi đây chính là lợi ích 3 trong 1 của cơ chế mới này. Ngay khi chính sách này được thông qua, tôi sẽ ngay lập tức điều chỉnh chiến lược phát triển của chúng tôi cho phù hợp với chính sách mới như sẽ ưu tiên tập trung vốn và năng lực cho các dự án tại TP để tận dụng các lợi thế ưu đãi của TP.
Chúng tôi sẽ nâng cấp toàn diện DN như đầu tư vào công nghệ và kỹ năng cho người lao động trong DN của tôi để chuẩn bị đón nhận làn sóng các đối tác khách hàng trên khắp thế giới sẽ đến ngay sau chính sách này được thông qua. Và cuối cùng, nếu TP lắng nghe, chúng tôi sẽ rất tự hào đóng góp ý kiến chi tiết vào các chính sách phát triển của TP cho mặt bằng đầu tư để TP có thể trở thành New York của châu Á”, ông Hà tâm huyết.
Quốc Ngọc