‘Cởi trói’ để đẩy nhanh sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài

04/09/2019 - 10:22

PNO - Với việc ACV không phải là 100% doanh nghiệp vốn Nhà nước nên không thể được giao thực hiện các dự án hạ tầng hàng không. Nếu trở lại vai trò 100% vốn Nhà nước, ACV sẽ có thể triển khai sửa chữa các đường băng hư hỏng.

Tiến độ sửa chữa tổng thể đường lăn, cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng như việc “rót tiền” bảo trì, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng khu bay vốn là tài sản của Nhà nước sẽ được đẩy nhanh nếu như đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) về việc mua lại 4,6% cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để ACV là doanh nghiệp Nhà nước.

‘Coi troi’ de day nhanh sua chua duong bang Tan Son Nhat, Noi Bai
Do thiếu tiền, đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang hư hỏng, nguy cơ phải ngừng khai thác

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa, đều do ACV quản lý, khai thác. Trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Khi được Bộ GT-VT chấp thuận, ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của tổng công ty.

Sau khi cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được chuyển lại về Nhà nước quản lý, việc bố trí kinh phí do công tác bảo trì thuộc trách nhiệm Nhà nước. Từ năm 2016 đến nay, việc bảo trì, đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu bay rất khó khăn, do Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn trung hạn 2016-2020 cho bảo trì cũng như vốn nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng hàng không.

Dẫn chứng, hiện các đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, nếu không được sửa chữa, chậm nhất trong năm 2020 sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào. Bộ GT-VT cũng tính toán nguồn vốn cần thiết để đầu tư, sửa chữa nâng cấp các hư hỏng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất khoảng 4.210 tỷ đồng. Trong khi đó, với 22 sân bay ACV đang quản lý, nguồn tiền từ khai thác hạ tầng khu bay là rất lớn. Theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018, ACV có tổng giá trị tài sản hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 6.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Thế Phiệt - Tổng giám đốc ACV - cho biết: “Cơ chế hiện không cho phép ACV được đầu tư vào khu bay, ngay cả bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng cũng không được mà phải là ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn do sự xuống cấp rất nghiêm trọng của 2 đường cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất lớn, không biết sẽ phải đóng cửa, không thể khai thác vì xuống cấp lúc nào”.

Với việc ACV không phải là 100% doanh nghiệp vốn Nhà nước nên không thể được giao thực hiện các dự án hạ tầng hàng không như nhiều đề xuất của đơn vị này. Nếu trở lại vai trò 100% vốn Nhà nước, ACV sẽ mặc nhiên được giao thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa 2 sân bay có tần suất khai thác lớn nhất cả nước này.

Trong dự thảo Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý, Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ cho phép giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025.

Sở dĩ thời hạn giao cho ACV quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đến năm 2025 cũng nhằm có thời gian cho Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức, bộ máy để sẵn sàng tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 44/2018/NĐ-CP về quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Sau thời hạn trên, giao Bộ GT-VT tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ GT-VT kiến nghị nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì được bảo đảm bằng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

"Việc giao cho ACV quản lý, khai thác sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; đảm bảo kết cấu hạ tầng hàng không vẫn được ACV bảo trì, đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn bay trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn, chưa bố trí kịp thời cho lĩnh vực hàng không" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Mạnh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI