Cởi trói cho thiện chí

22/01/2015 - 07:22

PNO - PN -Mọi người thường nhắc đến mặt trái của thế giới hiện đại là sự vô tâm, thờ ơ trong mối quan hệ giữa người với người. Thế nhưng, không phải cử chỉ thiện chí ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng được đón nhận...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giáng sinh vừa qua, Alex Nash (năm tuổi) được gia đình một bạn học cùng lớp mẫu giáo mời tham dự tiệc sinh nhật ở khu trượt tuyết. Dù gia đình Alex đã xác nhận với Julie Lawrence, phụ huynh tổ chức bữa tiệc rằng cậu bé sẽ tham dự nhưng cuối cùng, Alex chọn đến thăm ông của mình. Sự việc lẽ ra nên kết thúc với lời xin lỗi từ gia đình Alex. Thế nhưng, chưa kịp xin lỗi thì bố mẹ Alex phát hiện trong cặp con mình có hóa đơn 16 bảng Anh tính “phí không tham dự” từ gia đình Julie.

Đến nay, hai bà mẹ là Julie và Tanya vẫn không ngừng “khẩu chiến” với nhau trên facebook, cố giành cái lý về mình và đổ lỗi cho đối phương đã ứng xử tệ. Sự việc phức tạp hơn khi Julie dọa kiện nếu bố mẹ Alex không trả khoản chi phí ghi trong hóa đơn. Trong lúc người lớn “bốc hỏa” thì ở trường mẫu giáo, hai đứa trẻ không còn chơi với nhau.

Coi troi cho thien chi

Alex và bố cùng tờ hóa đơn tính “phí không tham dự” - ẢNH: SWNS

“Chuyện bé, xé to” không chỉ làm con trẻ tổn thương mà còn xới lại mối hiềm khích giữa hai quốc gia. Cuối tuần này, đêm chung kết của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ sẽ diễn ra ở thành phố Miami, bang Florida (Mỹ). Thay vì tập trung chuẩn bị để có phần thể hiện tốt nhất, Hoa hậu Li Băng Saly Greige lại nặng trĩu tâm tư vì phiền toái “từ trên trời rơi xuống”.

Rắc rối ập đến khi bức ảnh tự sướng (selfie) do Hoa hậu Israel Doron Matalon chụp cùng Saly và Hoa hậu Nhật Bản, Hoa hậu Slovenia đã bị người dân Li Băng chỉ trích dữ dội. Chính quyền Li Băng còn tạo áp lực cho Saly khi quyết định điều tra động cơ của bức ảnh. Mối thù bấy lâu lại bị đào bới vì một tấm ảnh thân thiện tại cuộc thi mà mỗi thí sinh được ví như một đại sứ hòa bình của quốc gia tham dự.

Người Li Băng không chấp nhận gương mặt đại diện cho đất nước mình đứng cạnh người đẹp đến từ quốc gia vốn có mối thù “truyền kiếp”. Nhiều người Li Băng đã thề không bao giờ quên việc Israel đánh chiếm nhiều phần lãnh thổ của đất nước mình trong 22 năm, cho đến tận năm 2000.

Coi troi cho thien chi

Chỉ vì bức ảnh "tự sướng" này mà Hoa hậu Israel (bìa trái) và Hoa hậu Li Băng (thứ hai, từ trái sang) trở thành nạn nhân của những xung đột chính trị

Trước làn sóng dư luận gay gắt chĩa mũi dùi vào mình, đòi tước bỏ vương miện Hoa hậu Li Băng, Saly Greige đã giãi bày trên facebook rằng cô đã cố gắng “giữ mình” nhưng cuối cùng vẫn không thể làm gì khác khi Hoa hậu Israel có thiện chí chụp ảnh selfie cùng cô và hai thí sinh nữa. Doron thì nghĩ hành động của mình nhằm gửi gắm thông điệp tạm gác lại thù hằn để sống chan hòa cùng nhau trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ.

Cả hai người đẹp Saly và Doron đều là nạn nhân của những xung đột chính trị. Một lần nữa, người ta tự hỏi, vì sao không thêm vào đây sự bao dung, chân tình và lắng lại những trái tim biết yêu thương để cởi bỏ hiềm khích, cho Saly và Doron có được bầu không khí thân ái trong ba tuần ngắn ngủi diễn ra cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ.

Coi troi cho thien chi

Đức Giáo hoàng Francis an ủi bé Glyzelle ngay tại buổi lễ - ẢNH: CATHOLIC NEWS AGENCY

Cũng là những phản ứng bất ngờ, vượt qua mọi kịch bản và khuôn mẫu, câu chuyện cô bé 12 tuổi ở Philippines khiến hàng ngàn người và cả Đức Giáo hoàng Francis lặng đi trong thán phục, cũng như dư luận phải suy ngẫm. Trong buổi lễ tại một trường đại học ở thủ đô Manila, cô bé Glyzelle Palomar đặt câu hỏi khó cho Đức Giáo hoàng Francis: Vì sao vẫn còn đó những số phận trẻ thơ bị bỏ rơi, sa vào con đường tội lỗi, khốn khổ? Vì sao Chúa Trời lại để điều đó xảy ra?

Đức Giáo hoàng đã ôm cô bé vào lòng, bỏ qua bài phát biểu được chuẩn bị kỹ trước đó để giãi bày điều mà ngài tin rằng cũng là ưu tư của chính mình và nhân loại có lương tri: “Cô bé đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể có câu trả lời hoàn hảo. Những giọt nước mắt của em nói lên tất cả. Mỗi người chúng ta nên lắng nghe lời kêu cứu của những người bị gạt ra bên lề xã hội. Hãy thể hiện lòng từ bi của chúng ta. Nên tự vấn bản thân rằng ta đã học cách khóc như thế nào. Làm thế nào để chia sẻ khi nhìn thấy một đứa trẻ đói khát, đứa trẻ dùng ma túy trên đường, trẻ em vô gia cư, em bé bỏ rơi, đứa trẻ bị lạm dụng, mầm non bị xã hội biến thành nô lệ?”.

Xúc cảm hồn nhiên của cô bé 12 tuổi này đã làm đảo lộn mọi trật tự, lễ nghi, xóa nhòa mọi ranh giới để thúc đẩy nhiều người xích lại gần nhau trong cùng mối bận tâm chung, nặng trĩu.

THIÊN ANH (Theo aceshowbiz, Daily Mail, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI