Từ đầu tháng Ba, các công ty cung cấp dịch vụ người giúp việc nhà ở tỉnh Kanagawa và thành phố Osaka sẽ bắt đầu gửi người giúp việc đến các khách hàng có yêu cầu. Đây là việc chưa có tiền lệ ở Nhật vì đất nước này vốn nổi tiếng về việc các bà nội trợ luôn xem chuyện chu toàn việc nhà là vấn đề “sống còn”.
|
Phụ nữ Nhật Bản muốn chuyên tâm chăm sóc con, cũng là cách đóng góp cho xã hội - Ảnh: WSJ |
Thực trạng này cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong xã hội, từ các chính sách đến nhận thức về gia đình của người Nhật, đã thật sự khuyến khích phụ nữ cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.
Ngay trong tháng này, đã có 50 người Philippines đến Nhật để tham gia khóa huấn luyện 200 giờ về các môn: nấu ăn, ủi quần áo, làm vệ sinh nhà cửa, mua sắm, trông trẻ... Họ là những người nước ngoài đầu tiên có giấy phép làm giúp việc nhà ở Nhật.
Với phụ nữ Nhật Bản, việc nhà đòi hỏi sự kỹ lưỡng đến từng chi tiết nên đã trở thành một phần lý do khiến họ khó cân bằng được giữa công việc và gia đình, nhất là sau khi sinh con.
Từ khi Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tạo điều kiện thu hút thêm lao động nữ năm 2013 đến nay, Nhật Bản đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm nâng cao vị trí của phụ nữ trong xã hội. Với sự cho phép dùng người nước ngoài giúp việc nhà này, phụ nữ Nhật sẽ “danh chính ngôn thuận” bước ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của gia đình.
Cam kết công bố năm 2013 là một trong những chính sách được đánh giá ấn tượng nhất của ông Abe trong thời gian tại nhiệm, vì chạm đến một quan điểm đã tồn tại suốt quá trình phát triển của đất nước này: “Chuyện đại sự” không dành cho phụ nữ!
Chính quyền của Thủ tướng Abe đặt mục tiêu: đến năm 2020, phụ nữ phải nắm giữ ít nhất 30% các vị trí cấp cao trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Tháng 4/2016, chính phủ Nhật yêu cầu các công ty có từ 300 nhân viên trở lên phải công khai số lượng nhân viên và quản lý nữ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự hỗ trợ lao động nữ của chính phủ sẽ giúp GDP Nhật tăng 13%. Nhà kinh tế tại ĐH Phụ Nữ Nhật Bản Machiko Osawa nhận định: Đây là lần đầu tiên một thủ tướng kết nối các vấn đề của phụ nữ với nền kinh tế, cho thấy việc phụ nữ đi làm là có lợi cho sự tăng trưởng.
Lao động nữ là lực lượng góp phần quan trọng vận mệnh của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, lại đang trước thực trạng dân số già (năm 2060 ước tính dân số già ở Nhật là 40%), thay vì chỉ trông vào nam giới.
Một yếu tố quan trọng làm nên hình mẫu người vợ Nhật “hoàn hảo” ngày nay là song song với chính sách khuyến khích phụ nữ quay lại công sở, Nhật còn có nhiều loại trợ cấp đặc biệt để nam giới (người chồng) yên tâm cống hiến cho công việc.
|
Nam giới Nhật Bản ngày càng trân trọng và biết chia sẻ công việc với phụ nữ - Ảnh: Think Stock |
70% các công ty ở Nhật đã trả một khoản tiền riêng cho vợ của nhân viên, là khoản tri ân những phụ nữ chuyên tâm làm “hậu phương” cho gia đình. Người chồng cũng có thể yêu cầu khấu trừ thuế nếu người vợ làm việc có thu nhập dưới 1,030 triệu yen/năm (hơn 9.000 USD).
Ngoài ra, còn có các quy định ưu đãi tương tự đối với lương hưu và bảo hiểm y tế. Một số công ty ở Nhật cũng áp dụng chính sách gửi tiền lương của chồng vào tài khoản của vợ. Quán xuyến gia đình không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của phụ nữ Nhật Bản và các chính sách đã tiếp cận vấn đề một cách tinh tế.
Tuy nhiên, chính sách mới chỉ là điều kiện cần, ý thức của người trong cuộc mới là điều kiện đủ để tạo thành hình mẫu phụ nữ Nhật thời hiện đại. Gần đây, ở Nhật rộ lên xu hướng đàn ông học cách chăm sóc trẻ để… lấy được vợ.
“Làm mẹ, làm vợ là công việc khó khăn nhất”, nhiều học viên của lớp trải nghiệm làm mẹ đã phải công nhận điều đó. Lớp học này toàn nam giới, phần lớn chưa lập gia đình. Họ được “sắm vai” phụ nữ mang thai, cảm nhận những cơn đau và sự bất tiện; học cách chăm sóc trẻ sơ sinh, quán xuyến việc nhà.
Những điều lạ lẫm ấy đã khiến các đấng nam nhi… phát hoảng. Càng tìm hiểu, họ càng nhận thức rõ hơn thế nào là tấm lòng của người mẹ, người vợ. Đã có một thế hệ đàn ông Nhật mới, là những người học cách chia sẻ việc nhà với vợ.
Những chính sách “cởi trói” cho phụ nữ Nhật gần đây cho thấy lãnh đạo quốc gia này đang quyết tâm trao cho phụ nữ chìa khóa phát triển sự nghiệp. Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật khẳng định được năng lực bản thân.
|
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 4/8 - Ảnh: Reuters |
Họ xuất hiện ở những vị trí xưa nay vốn được xem là “đặc quyền” của nam giới. Bà Yuriko Koike (64 tuổi) là nữ thị trưởng đầu tiên của Tokyo. Khẩu hiệu tranh cử của bà là: “Kiểm tra, Thách thức, Thay đổi, Sáng tạo và Kết nối”. Bà dũng cảm nhận lãnh những hệ quả khó khăn từ hai người tiền nhiệm, cam kết “làm sạch” bộ máy công quyền Tokyo.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cũng thuyết phục được người dân Nhật nhờ tính cách cương nghị ẩn sau dung mạo xinh đẹp. Ngay sau khi nhậm chức, bà Inada đã thẳng thắn tuyên bố “không ngại đụng chạm” với bất cứ quốc gia nào gây rối, thao túng an ninh vùng biển.
Thiên Như (Theo Japan Today, WSJ, CNN, Economist, Asahi Shimbun)